Nghi Xuân phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất mới.

Xây dựng các mô hình sản xuất mới gắn với việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, thị trường là bước đột phá được huyện Nghi Xuân lựa chọn để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhận thấy tiềm năng của địa phương trong việc phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản, năm 2011 anh Lê Sỹ Hải đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình nuôi tôm he chân trắng trên cát và ương tôm giống. Sau khi nhận 1,2 ha đất tại xã Cương Gián, anh Hải đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng khu sản xuất tôm giống và nuôi tôm thành phẩm. Quy mô khu sản xuất gồm 16 bể ương con tôm giống được chuyển từ cơ sở 1 tại Vũng Tàu và 0,5 ha diện tích nuôi tôm thành phẩm.

Nghề nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả cao cho người dân ven biển Nghi Xuân
Nghề nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả cao cho người dân ven biển Nghi Xuân

Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2012 đến nay nhưng cơ sở của anh Hải đã cung cấp cho các hộ dân của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được trên 6 triệu con tôm giống có chất lượng ( Theo đánh giá của các chủ đồng tôm thì con giống do cơ sở của anh Hải cung cấp có tỷ lệ sống tương đối cao so với lấy từ các cơ sở tôm giống trong nước, đạt trên 70%). Sau khi đi vào hoạt động ổn định cơ sở của anh Hải có lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng từ nguồn cung cấp con giống và tạo việc làm cho gần 10 lao động của địa phương. Trong tương lai anh Hải có dự định sẽ mở thêm xưởng chế biến tôm khô có qui mô 100 tấn tôm mỗi năm.

Với lợi thế 32 km đường ven biển, huyện Nghi Xuân đã sớm quy hoạch gần 200 ha diện tích đất nuôi tôm tại các xã ven biển. Trong đó, ưu tiên khuyến khích việc hình thức nuôi tôm trên cát theo công nghệ mới. Chỉ tính riêng năm 2011 và 2012, huyện Nghi Xuân đã xây dựng được 5 mô hình nuôi tôm trên trên cát áp dụng công nghệ mới với qui mô mỗi mô hình từ 1,3 đến 6 ha diện tích, số vốn đầu tư bình quân mỗi ha là gần 1 tỷ đồng. Sau gần 2 năm nuôi thử nghiệp đã cho kết quả khá tốt, lợi nhuận bình quân mỗi ha đạt từ 200 đến 300 triệu đồng. Điển hình có hộ ông Bùi Tùng Phong ở Xuân Đan, Lê Sỹ Hải ở Cương Gián, Trần Huy Linh, Nguyễn Viết Khánh ở Xuân Phổ…Hiện nay trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã có 15 mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt kết quả khả quan. Mỗi vụ sản xuất những mô hình này có thu nhập trên 3,5 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 100 lao độngc ủa địa phương.

Mô hình chăn nuôi lơn tập trung của ông Lê Văn Bình ( Xuân Mỹ- Nghi Xuân)
Mô hình chăn nuôi lơn tập trung của ông Lê Văn Bình ( Xuân Mỹ- Nghi Xuân)

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, chăn nuôi được được huyện Nghi Xuân xác định chăn nuôi là một trong những ngành mũi nhọn của địa phương. Vì vậy vấn đề thay đổi hình thức chăn nuôi, từ cách nuôi nhỏ lẻ trong gia đình sang thành lập trang trại chăn nuôi tập trung có qui mô lớn theo hướng hàng hóa được các cấp chính quyền ở đây đặc biệt chú trọng. Theo đó, huyện đã xác định đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hai hướng, vừa thúc đẩy, nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn, vừa phát triển chăn nuôi hộ, gia trại theo hướng an toàn sinh học.

Đến thời điểm hiện nay toàn huyện có 3 mô hình chăn nuôi lợn có qui mô từ 1200 con đến 3000 con mỗi lứa, 2 mô hình từ 150- 200 con, và trên 100 mô hình nuôi từ 20 đến 100 con. Trong năm 2012 Nghi Xuân đã liên kết với công ty CP Việt Nam tiến hành thử nghiệm 3 mô hình chăn nuôi lợn tập trung theo công nghệ mới có qui mô trê 1000 con mỗi lứa tại hộ gia đình ông Lê Văn Bình ở Xuân Mỹ, ông Hựu ở Xuân Viên và ông Lê Văn Bàng ở Cổ Đạm. Sau hơn 3 tháng kể từ ngày thả giống trên 1200 con lợn của gia đình ông Lê Văn Bình ở Xuân Mỹ đã đạt trên 70kg một con, theo kế hoạch đến cuối tháng 10/2012 sẽ cho xuất chuồng. Cùng với chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã xuất hiện một số hộ chăn nuôi lợn rừng với quy mô hàng trăm con cho thu nhập khá như: hộ anh Tường ở Xuân phổ, anh Hải ở Xuân Hồng mỗi năm xuất chuồng từ 80-120 con, 12 hộ nuôi nhím và Chồn đen tại Xuân Lĩnh, Cổ Đạm, Xuân Viên.

Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Lê Duy Việt cho biết, thực hiện chủ trương xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo các địa phương khuyến khích hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất mới, với quy mô và hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, hoàn thành công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để các mô hình sản xuất, kinh doanh mới phát huy hiệu quả và lan tỏa trên địa bàn, huyện Nghi Xuân đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó huyện Nghi Xuân tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao các giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa của sản phẩm; tăng cường công tác đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Vận động bà con dồn điền, đổi thửa, tham gia các mô hình HTX nông nghiệp, thực hiện tốt liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất...Với cách làm đó, Nghi Xuân đã xây dựng được 126 mô hình sản xuất bước đầu có hiệu quả, trong đó trồng trọt 4 mô hình, 92 mô hình chăn nuôi, 25 mô hình nuuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản, 3 mô hình dịch vụ thương mại nông nghiệp và 2 mô hình cơ giới hóa nông nghiệp. Theo thống kê, đến thời điểm này các hộ sản xuất trên địa bàn được hỗ trợ gần 5 tỷ đồng theo Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015 và 14,4 tỷ đồng của chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất theo quyết định 26 của UBND tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast