Nguy cơ mất an toàn tại các điểm thu mua phế liệu

(Baohatinh.vn) - Cũng như các địa phương khác, sau sự cố đáng tiếc xẩy ra tại khu đô thị Văn Phú – Hà Đông (Hà Nội), khoảng trống về công tác quản lý, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh ta đã được chỉ ra.

Mặc dù ở Hà Tĩnh chưa xẩy ra sự cố nghiêm trọng nào, nhưng sự tồn tại của những điểm thu gom, chế biến phế liệu ở các khu dân cư đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể của ngành chức năng, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh ta hiện có khá nhiều điểm thu mua phế liệu. Chỉ riêng một số địa phương như: TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh và TX Kỳ Anh đã có hàng trăm điểm thu mua phế liệu nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Đa số các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh đang hoạt động ngoài vòng kiểm soát của chính quyền địa phương.

Đa số các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh đang hoạt động ngoài vòng kiểm soát của chính quyền địa phương.

Dạo một vòng quanh các phường nội thành của TP Hà Tĩnh như: Hà Huy Tập, Trần Phú, Tân Giang… chúng ta dễ dàng bắt gặp các điểm thu mua phế liệu nằm xen kẽ các khu dân cư đông đúc. Quan sát tại các điểm thu mua cho thấy, toàn bộ phế liệu đều được chất thành từng đống lộn xộn dưới những căn lều tạm hoặc nhà cấp 4 đã xuống cấp. Các loại giấy, bìa các-tông chất đống bên ngoài, còn bên trong, rất nhiều phế phẩm như: vỏ chai nhựa, sắt, thép, nhôm... được phân loại đóng trong các bao tải lớn.

Theo tìm hiểu, sau khi phân loại các phế liệu, hầu hết các chủ kinh doanh thường sử dụng bình hàn ôxy và gas để cắt phế liệu kim loại. Do được tập kết dưới dạng tạm bợ nên hệ thống dây điện ở đây được mắc chằng chịt, hết sức sơ sài. Hầu hết các điểm thu mua phế liệu đều không có các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy. Vì vậy, nguy cơ cháy nổ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Quốc lộ 1A qua KKT Vũng Áng chỉ một đoạn ngắn nhưng hai bên có rất nhiều điểm thu mua, kinh doanh phế liệu nằm liền kề nhau với đủ các loại bao bì, sắt, thép, nhựa… được chất đống trước mỗi nhà dân. Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Hà (tổ dân phố Nam Phong, phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh), ngày nào trên địa bàn phường cũng xuất hiện đội quân thu gom phế liệu từ khắp các công trình, nhà máy và các nơi khác mang đến để phân loại và chế biến khiến nhiều đoạn đường đi qua phường trở nên nhếch nhác. “Người ta chất phế liệu ngổn ngang, chiếm cả lòng đường, gây ô nhiễm môi trường và chúng tôi còn lo xẩy ra tai nạn giao thông” - ông Hà lo lắng.

Hầu hết các chủ kinh doanh thường sử dụng bình hàn ôxy và gas để cắt phế liệu kim loại, rất dễ xảy ra cháy nổ

Hầu hết các chủ kinh doanh thường sử dụng bình hàn ôxy và gas để cắt phế liệu kim loại, rất dễ xảy ra cháy nổ

Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) đã tìm đến chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn yêu cầu di dời các điểm thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư. Mỗi khi họ mở cửa, thu mua, phân loại và chế biến phế liệu, cả khu vực xung quanh đều như một bãi rác. “Chúng tôi không phản đối hoạt động thu gom phế liệu nhưng đối với một số mặt hàng độc hại, dễ gây cháy nổ, lẽ ra họ phải chọn địa điểm cách xa khu dân cư để tập kết, chứ để phế thải tràn ra đường phố, bốc mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Giả sử có hỏa hoạn xảy ra thì cả khu phố có nguy cơ bị đám cháy thiêu trụi” - ông Trần Văn Đ. ở tổ dân phố 4, phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) cho hay.

Trên thực tế, hoạt động thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do các điểm thu mua phế liệu hoạt động tự phát, không tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh, kéo theo những tác động tiêu cực về môi trường, phòng chống cháy nổ, đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân xung quanh và làm mất mỹ quan đô thị, khu dân cư.

(Còn nữa)

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast