Nhận diện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thuế

Gian lận thuế là hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng lớn đến hoạt động, kết quả thu ngân sách của Nhà nước. Gian lận thuế sẽ giảm bớt nếu hoạt động quản lý thuế đạt hiệu quả cao, trong đó nhận diện các hành vi gian lận thuế là việc cần làm thường xuyên.

Các hành vi gian lận thuế mà các cơ quan thuế thường gặp trong thời gian qua là bỏ ngoài sổ sách kế toán. Minh họa từ internet
Các hành vi gian lận thuế mà các cơ quan thuế thường gặp trong thời gian qua là bỏ ngoài sổ sách kế toán. Minh họa từ internet

Các hành vi gian lận thuế mà các cơ quan thuế thường gặp trong thời gian qua là bỏ ngoài sổ sách kế toán bằng cách sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán: một cho nội bộ, một cho kê khai thuế. Đồng thời, giá bán trên hóa đơn luôn thấp hơn giá thực tế.

Điển hình cho hành vi gian lận này là lĩnh vực kinh doanh ô tô, xe máy. Ngoài ra, hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định như khi bán hàng không hạch toán vào tài khoản 511 (tài khoản doanh thu bán hàng) mà hạch toán vào tài khoản 338 (tài khoản phải trả, phải nộp khác), tài khoản 138 (tài khoản phải thu khác…).

Từ thực tiễn này, việc thực hiện các giải pháp chống gian lận thuế của các cơ quan liên quan phải bắt đầu từ việc rà soát, xem xét, xác định các nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng gian lận thuế, khắc phục ngay những vấn đề làm nảy sinh những nguyên nhân đó; đồng thời phải nhận biết, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thuế. Theo đó, các giải pháp cơ bản mang tính nguyên tắc cần được thực hiện để chống gian lận thuế là: thực hiện chính sách thuế nói chung và các văn bản về pháp luật thuế nói riêng.

Mục tiêu là đảm bảo có được hệ thống thuế thống nhất, phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu về nguồn thu ngân sách, yêu cầu quản lý kinh tế của Nhà nước, vừa phù hợp với khả năng đóng góp của các chủ thể trong nền kinh tế, thúc đẩy SXKD tăng trưởng, tăng thu nhập của dân cư. Đồng thời, hệ thống thuế phải đạt được yêu cầu về công bằng, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT). Nội dung này sẽ tác động trực tiếp làm giảm các áp lực về gánh nặng thuế để dẫn đến hành vi gian lận thuế, ngăn chặn các cơ hội hay khả năng có thể gian lận thuế của NNT, từ đó góp phần nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật, hạn chế hành vi gian lận thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần tăng cường nắm bắt thông tin về NNT. Cơ sở dữ liệu về NNT là các thông tin rất quan trọng vì hệ thống thông tin về NNT giúp cơ quan quản lý thuế nắm được tình hình thành lập, hoạt động và chấp hành pháp luật thuế của NNT, từ đó có giải pháp cụ thể đối với từng trường hợp khác nhau, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hạn chế các hành vi gian lận của NNT. Đặc biệt, cơ quan thuế phải liên tục cập nhật các thủ đoạn gian lận thuế của các thành phần nộp thuế. Qua đó, việc nhận diện các hành vi, thủ đoạn gian lận thuế là cơ sở để cơ quan quản lý thuế ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận thuế.

Ngoài ra, ngành thuế cũng phải chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra và hiệu lực của các biện pháp cưỡng chế, xử lý vi phạm về thuế. Đây là yếu tố trực tiếp nhất tác động đến ý thức và khả năng thực hiện hành vi gian lận của NNT. Hoạt động thanh tra, kiểm tra vừa có tác dụng giám sát, đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật, vừa có tác dụng ngăn ngừa, răn đe và xử lý các trường hợp gian lận thuế; nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế và ý thức tuân thủ pháp luật của NNT, kết hợp hỗ trợ NNT. Hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ NNT đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế, hạn chế các hành vi gian lận thuế, qua đó giúp NNT hiểu rõ quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Một yếu tố nữa là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NNT trong việc thực hiện tuân thủ pháp luật thuế. Đồng thời kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của công chức thuế, của NNT cần phải tiến hành thường xuyên và chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả công tác và hạn chế các tiêu cực, gian lận.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast