Nhật Bản không hề muốn ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam

Quyền lực kinh tế chỉ đứng sau “bạo lực” và ODA là một trong những công cụ thể hiện quyền lực to lớn này.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc một số báo đưa tin Nhật Bản tuyên bố ngừng cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Thậm chí có một nhóm còn lợi dụng thông tin này để chỉ trích Chính phủ, các bộ ngành có liên quan về vấn đề tham nhũng và quan hệ đối ngoại… Nhưng thực hư câu chuyện ra sao? Có phải Nhật Bản ngừng hẳn toàn bộ ODA cho Việt Nam hay không? Bản chất của vấn đề là gì?

Quyền lực của ODA

Ngày nay, bất kỳ ai sử dụng internet đều có thể dễ dàng tìm thấy thông tin đầy đủ tại trang Wikipedia, trong đó nêu rõ cả những lợi ích và bất lợi của ODA. Cụ thể, các nước giàu khi cung cấp ODA đều gắn với những lợi ích và chiến lược như mở rộng thị trường, mở rộng hợp tác có lợi cho họ, đảm bảo mục tiêu về an ninh - quốc phòng hoặc theo đuổi mục tiêu chính trị...

Về kinh tế, nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và bảng thuế xuất nhập khẩu hàng hoá của nước tài trợ…Nguồn vốn viện trợ ODA còn được gắn với các điều khoản mậu dịch đặc biệt nhập khẩu tối đa các sản phẩm của họ….

Nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Hoặc như, nước tiếp nhận ODA tuy có toàn quyền quản lý sử dụng ODA nhưng thông thường, các danh mục dự án ODA cũng phải có sự thoả thuận, đồng ý của nước viện trợ, dù không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia…

Nói nôm na, ODA có lợi cho cả nước cung cấp và nước nhận. Nếu nước nhận ODA không biết tận dụng thì phần lợi nhiều hơn sẽ thuộc về nước cung cấp. Nước cung cấp ODA chỉ là lấy tiền bỏ từ túi nọ sang túi kia, không những không mất gi nhiều mà còn có lãi, thậm chí là còn áp đặt được sức ảnh hưởng mà theo đó có thể có được sự lệ thuộc của cả một quốc gia.

Cắt viện trợ ODA - Bất lợi cho cả hai phía

Câu chuyện về ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đối với Nhật Bản, việc cung cấp ODA cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam được coi là một chiến lược cấp quốc gia.

Thực tế có thể thấy, Nhật Bản quản lý rất chặt nguồn vốn này và có những đòi hỏi khắt khe về mục đích sử dụng, tiêu chuẩn chất lượng, giá thành… Hầu hết các dự án ODA do Nhật Bản cung cấp đều có các doanh nghiệp Nhật tham gia dưới sự giám sát của các chuyên gia của nước này.

Không thể phủ nhận nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong suốt gần 20 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng không chỉ chúng ta được hưởng lợi mà cả các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng có được lợi ích to lớn khi cơ sở hạ tầng của Việt Nam được cải thiện.

Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dựa vào ODA của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào những vùng có nhiều doanh nghiệp Nhật hoạt động hoặc được các nhà đầu tư Nhật đánh giá là có tiềm năng cao…

Dẫn giải như vậy để chứng minh một điều: Nhật Bản cũng không hề mong muốn ngừng cung cấp ODA cho Việt Nam. Điều này đáng mừng hay đáng lo lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, nhưng đây là sự thật. Mà cho dù ngừng thì cũng ở nhiều cấp độ khác nhau như: Ngừng toàn bộ, ngừng vĩnh viễn, ngừng một phần, ngừng có thời hạn cứng, ngừng có thời hạn mềm.

Trong trường hợp Quốc hội Nhật Bản ra một đạo luật quy định cắt đứt quan hệ, ngừng cung cấp ODA cho một nước nào đó với những lý do như thù địch, hỗ trợ khủng bố, ODA không đem lại hiệu quả… thì để nối lại là rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian, thậm chí là gần như không thể.

Còn trong trường hợp Chính phủ Nhật Bản ra quyết định ngừng ODA thì cũng phải có lý do, thời hạn nội dung chính thức. Tiền lệ có thể thấy, vụ án Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) hối lộ quan chức Việt Nam được khởi tố tháng 12/2008 là một ví dụ về việc ngừng cấp ODA ở cấp Chính phủ. Nhưng ngay sau khi vụ việc được làm rõ, Việt Nam xử lý mạnh tay với những sai phạm thì phía Nhật Bản đã nhanh chóng nối lại ODA.

Trong trường hợp lần này với vụ án JTC, phía Nhật Bản chỉ thông báo “tạm ngừng giải ngân” với một thời hạn “mềm”. Điều này đã được một số báo đưa tin, nhưng theo biên bản do Bộ ngoại giao Nhật Bản công bố ngày 2/6, tại hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nhật phòng chống gian lận trong các dự án ODA cho lĩnh vực giao thông, phía Nhật Bản yêu cầu phía Việt Nam tiến hành điều tra; xử lý những người sai phạm; đưa ra và cam kết thực hiện các biện pháp ngăn chặn tái diễn.

Phía Nhật Bản cũng thông báo cho đến trước khi Việt Nam thực hiện những yêu cầu nêu trên và công bố tại phiên họp sau của Ủy ban dự định sẽ được tiến hành vào cuối tháng 6 này, Nhật Bản sẽ không phê duyệt các khoản ODA mới cho Việt Nam. Có nghĩa là nếu đến cuối tháng 6 này, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ mọi yêu cầu nêu trên, Nhật Bản sẽ tiếp tục xem xét các khoản ODA tiếp theo, còn “ngừng” ở đây chỉ là ngừng ODA cho 1 dự án đang bị nghi ngờ là có hối lộ và nhận hối lộ.

Toàn bộ câu chuyện chỉ có vậy. Phía Nhật kiểm soát chặt chẽ là điều dễ hiểu. Bởi, như đã nêu trên, họ cũng có quyền lợi lớn trong các dự án ODA. Mà không chỉ phía Nhật, ngay cả phía Việt Nam cũng đang tăng cường quan lý các dự án ODA.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng, các bộ, ngành, cơ quan đang liên tục đưa ra những quy định ngặt nghèo, thẳng tay đối với các hành vi tham nhũng để đảm bảo nguồn vốn ODA mà các nước trong đó có Nhật Bản dành cho Việt Nam được sử dụng hiệu quả nhất đúng như cam kết với các nhà tài trợ quốc tế.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế có thể nói đã đến lúc các bộ ngành liên quan cần nâng cao hơn nữa sự công khai, minh bạch trong các thông tin về các dự án ODA để tránh sự thiếu hiểu biết bị lợi dụng vào các mục tiêu xấu./.

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast