Nhiều dự án tại Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo èo ọt, “đắp chiếu”

(Baohatinh.vn) - Từng được kỳ vọng là khu kinh tế (KKT) động lực phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng thời gian gần đây, với nhiều lý do khách quan và chủ quan, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày càng ảm đạm. Hệ lụy của vấn đề này đã khiến nhiều dự án tại KKT “đắp chiếu” hoặc tồn tại một cách yếu ớt.

Dự án khu đô thị trở thành… bãi trồng gừng

Dự án Hạ tầng khu dân cư tập trung thuộc khu đô thị Nam sông Ngàn Phố (tại thị trấn Tây Sơn) do Công ty CP Đầu tư - Xuất nhập khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 6/2011, dự kiến hoàn thành sau 30 tháng. Trên diện tích 15 ha, với tổng mức đầu tư theo kế hoạch là 268 tỷ đồng, dự án kỳ vọng sẽ tạo ra 400 lô đất ở với đầy đủ hệ thống hạ tầng hiện đại đi kèm, tạo điều kiện thu hút đầu tư, góp phần phát triển đô thị tại KKT này.

nhieu du an tai khu kinh te cua khau cau treo eo ot dap chieu
nhieu du an tai khu kinh te cua khau cau treo eo ot dap chieu

Trung tâm thương mại tổng hợp của Công ty cổ phần CK đã “đắp chiếu” từ nhiều năm nay.

Thế nhưng, sau hơn 6 năm kể từ ngày khởi công, giờ đây, dự án là một bãi đất nham nhở với hạ tầng… chưa có gì. Sau nhiều năm bỏ hoang, mới đây, một số người dân địa phương đã mượn mặt bằng trồng gừng. Cả một bãi đất đẹp ngay trung tâm thị trấn Tây Sơn – “trái tim” của KKT Cửa khẩu Cầu Treo, nhếch nhác với những tấm lưới che nắng xộc xệch và hàng nghìn bao bì trồng gừng xen đầy cỏ dại.

Ngay cạnh đó, dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái rộng 2,8 ha của Công ty Việt Thái cũng bỏ hoang sau nhiều năm được bàn giao đất. Trước khi giao đất cho Công ty Việt Thái, vị trí này là sân vận động của địa phương; nhưng sau khi bàn giao cho đơn vị này, họ đã cho đổ mấy chục xe đất rồi… để đó. Từ chỗ một sân vận động khá đông vui, trở thành bãi đất nham nhở, hoang hóa. Sau nhiều năm dự án không được triển khai, mới đây, tỉnh đã cho thu hồi dự án này.

Khu thương mại xây xong… đóng cửa!

Công ty cổ phần CK là đơn vị tiên phong trong đầu tư kinh doanh thương mại tại KKT Cầu Treo. Trên diện tích gần 1 ha ngay tại vị trí đẹp, sát cổng kiểm soát nội địa (cổng B), Công ty cổ phần CK đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng một trung tâm thương mại tổng hợp rộng rãi, hiện đại với kỳ vọng sẽ bán các mặt hàng miễn thuế, hàng của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do các chính sách thiếu nhất quán, thay đổi liên tục nên kế hoạch của Công ty cổ phần CK bị vỡ. Vì vậy, cả tòa nhà đẹp của khu thương mại tổng hợp này đành đóng cửa, bỏ hoang từ 3-4 năm nay. Hiện tại, ngay cổng B KKT là một tòa nhà hoang hóa, cỏ dại mọc đầy sân.

nhieu du an tai khu kinh te cua khau cau treo eo ot dap chieu

Dự án Khu đô thị Nam Sông Ngàn Phố diện tích 15 ha giờ thành nơi... trồng gừng

Tại khu công nghiệp (KCN) Đại Kim, có rất nhiều dự án đăng ký kinh doanh, nhận đất và có cả đơn vị đã bắt tay vào đầu tư nhưng đến thời điểm, gần như chẳng có dự án nào hoạt động. Cả KCN hàng chục ha giờ chỉ có một vài dự án èo ọt; một số dự án xây tường bao, đúc cột cờ xong rồi… để đó.

Một lãnh đạo xã Sơn Kim 1 buồn rầu: “KCN này quy hoạch 35 ha và đã thu hồi của chúng tôi 23 ha từ năm 2008. Sau khi KCN ra đời, thấy một số dự án vào đầu tư, chúng tôi khấp khởi mừng thầm, nhưng đến nay thì vô cùng thất vọng. Các dự án: Lắp ráp xe điện cũng làm rồi bỏ dở; sản xuất kính cũng xây bờ rào rồi dừng ở đó; nhà máy may cũng “ì ạch” mấy năm chưa xong. Riêng dự án nhà máy may, chúng tôi đã vận động gần 100 người đi học nghề may để về làm việc cho nhà máy, thế nhưng, công nhân học về cả năm trời rồi mà chẳng thấy dự án hoạt động. Hệ quả này khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện một số công việc, vì họ cho rằng, chính quyền làm việc không chắc chắn”.

Thực tế hiện nay, ngoài một số đơn vị như: Công ty Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, Công ty CP Nước khoáng Sơn Kim… thì số còn lại đều hoạt động èo ọt hoặc “đắp chiếu”. Chuyển đổi, thu hồi các dự án không hiệu quả trong KKT là việc cần làm sớm, tránh để dự án “chết yểu” hoặc bỏ bê như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast