Những vấn đề rút ra từ công tác bảo vệ rừng

(Baohatinh.vn) - Sau những vụ cháy rừng, những vụ lâm tặc lộng hành tiếp tay cho giới buôn lậu gỗ, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã có những nỗ lực lớn trong công tác chỉ đạo các hạt địa phương quyết liệt kiểm tra, bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền tháo gỡ những mâu thuẫn nội tại; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Qua khảo sát nhiều địa bàn có rừng và đất rừng trên địa bàn toàn tỉnh, hầu hết đều có những cư dân sinh sống gần rừng. Lẽ ra, dân sống gần rừng thì công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ thuận lợi, thế nhưng, thực tế lại xẩy ra những nghịch lý: ở đâu mật độ dân cư càng dày, tình trạng cháy rừng xẩy ra càng nhiều. Nguyên nhân từ các vụ cháy rừng hàng năm trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn thường được chỉ ra là do bất cẩn khi đốt thực bì, đốt than…

nhung van de rut ra tu cong tac bao ve rung

Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng đầu nguồn.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, từ năm 2010-2015, toàn tỉnh xẩy ra 102 vụ cháy, diện tích rừng bị cháy 437 ha, trong đó, rừng phòng hộ hơn 136 ha, rừng sản xuất hơn 301 ha, thiệt hại hơn 245 ha. Những địa phương thường có nguy cơ cháy rừng trong các mùa hanh khô là Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Vũ Quang…

Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh chia sẻ: TX Hồng Lĩnh và Nghi Xuân là 2 địa phương có diện tích rừng trồng lớn. Riêng núi Hồng Lĩnh có hàng ngàn ha rừng thông, nhưng nhiều năm qua chưa xẩy ra sự cố nào về cháy rừng. Ông Huấn cho rằng, các địa phương khác cần lấy điển hình này để làm bài học kinh nghiệm.

Kinh nghiệm ở TX Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân là có sự chủ động phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, tạo nên sức mạnh tổng hợp từ cấp ủy, chính quyền đến nhân dân. Lấy cán bộ xã, thôn làm vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng. Việc giao đất, giao rừng đều được “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Mặt khác, chủ rừng, ban quản lý bảo vệ rừng, hạt kiểm lâm  đều trở thành những hạt nhân nòng cốt.

Năm 2015, thực hiện đề án giao đất, giao rừng cấp tỉnh, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu chính quyền địa phương các cấp triển khai quyết liệt các nội dung, cập nhật, nắm bắt kịp thời các vướng mắc ở cơ sở để phối hợp tham mưu chỉ đạo, xử lý kịp thời, nhằm đẩy nhanh tiến độ. Nhờ vậy, trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã có 138 xã thực hiện với diện tích 44.289 ha. UBND các huyện sở tại cũng đã lập hồ sơ giao, cấp 38.116 ha đất lâm nghiệp cho 15.208 chủ hộ.

Việc giao đất, khoán rừng lần này là một nỗ lực lớn, nhằm đảm bảo để rừng có chủ. Người dân khi được cấp sổ đỏ sẽ tạo động lực mới trong việc sử dụng đất rừng và rừng trong sản xuất, chăm sóc, bảo vệ. Gắn đất, gắn rừng với người sản xuất chính là Nhà nước đã giao trách nhiệm cho họ bảo vệ rừng. Giao đất, giao rừng minh bạch, dân chủ, được người dân đồng tình sẽ tháo gỡ được những mâu thuẫn âm ỉ kéo dài, góp phần giảm nguy cơ cháy rừng, phá rừng.

 “Muốn làm tốt công tác bảo vệ rừng, cán bộ hạt kiểm lâm các huyện, thị phải thường xuyên bám sát địa bàn. Nắm vững các khu trọng yếu để tham mưu chính quyền những phương án sát thực nhất” - ông Hoàng Quốc Huấn bày tỏ quan điểm. Việc bám địa bàn không chỉ giúp cán bộ kiểm lâm hiểu được tình hình dân cư, điều kiện địa lý, nhân lực huy động, vai trò cấp ủy, chính quyền, mà còn phát huy tốt chức năng kiểm tra những tồn tại trong giao khoán đất rừng, để kịp thời đề xuất các cơ quan chức năng sớm giải quyết kịp thời những bức xúc từ dư luận.

 Một yếu tố không thể thiếu là nâng cao nhận thức công tác bảo vệ rừng cho cộng đồng, bằng cách đa dạng hóa các kênh thông tin tuyên truyền. Ngành kiểm lâm chủ động lực lượng trực gác 24/24h vào mùa nắng nóng, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” đối với những khu vực có diện tích rừng trồng lớn. Nếu có sự cố  xẩy ra, tổ chức ứng cứu kịp thời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast