Nỗ lực cao độ cho GPMB dự án mỏ sắt Thạch Khê

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê triển khai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các xã: Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Lạc, Thạch Trị. Trong thời gian qua, huyện Thạch Hà đã thu hồi một số lớn diện tích đất bàn giao cho Công ty CP sắt Thạch Khê đáp ứng cho việc bóc đất tầng phủ của dự án và xây dựng 1 khu tái định cư (TĐC), khu nghĩa trang, hệ thống thoát nước... Tuy nhiên, với một số lượng công việc độ sộ, di dời hàng ngàn hộ dân, với muôn vàn khó khăn về nơi ăn chốn ở, về GQVL... sẽ khó có thể thành công nếu không có nỗ lực cao từ tỉnh đến cơ sở.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo ước tính, tổng diện tích đất phải thu hồi phục vụ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là 3.898 ha, với 3.952 hộ dân phải di dời; xây dựng mới 19 điểm TĐC, 5 trung tâm cụm xã, các khu nghĩa trang, nhà máy cấp nước sạch… Riêng kế hoạch trong năm 2010, Thạch Hà phải bàn giao 750 ha mặt bằng cho nhà đầu tư. Trong đó phải TĐC cho 923 hộ thuộc 6 xã. Việc di dời, TĐC gần ngàn hộ dân là điều hết sức khó khăn, đặc biệt là áp lực về thời gian bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Khu TĐC Nam Thạch Khê đang được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng

Triển khai tốt dự án mỏ sắt Thạch Khê là cơ hội quý để thu hút các dự án đầu tư khác, góp phần giúp Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và GQVL. Đặc biệt, đây là cơ hội để có thể đẩy nhanh công tác quy hoạch, chỉnh trang và đầu tư xây dựng 9 xã ảnh hưởng trực tiếp và lân cận, tạo bộ mặt xây dựng nông thôn mới. Xác định nhiệm vụ nặng nề, BTV Huyện ủy Thạch Hà đã thành lập Ban chỉ đạo của huyện về công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC phục vụ dự án. Thạch Hà đã tập trung nguồn lực, phân công cán bộ chuyên trách để thực thi nhiệm vụ nhằm bàn giao mặt bằng theo cam kết với nhà đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong khu vực. Nghị quyết chuyên đề về công tác lãnh đạo nhiệm vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ triển khai các dự án, đặc biệt là dự án mỏ sắt Thạch Khê được ban hành và Thạch Hà coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ đại hội tới. Với những quyết tâm đó, đến nay huyện Thạch Hà đã bàn giao 335,27 ha và tiếp tục bàn giao 285,1 ha trong tháng 5-2010. Đến hết tháng 5-2010, tổng diện tích mặt bằng sạch bàn giao là 620,37 ha.

Ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Song song với các nhiệm vụ cụ thể như tích cực kiểm đếm, trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, Thạch Hà đang triển khai đợt cao điểm cho công tác tuyên truyền, động vận động nhân dân trên khắp 6 xã chịu ảnh hưởng của dự án. Nội dung tập trung vào việc phổ biến kế hoạch di dời của từng xã, từng khu vực, từng xóm và từng hộ dân; thông tin cho nhân dân rõ chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Chính phủ và của tỉnh. Mục tiêu của công tác tuyên truyền nhằm cho từng xã, từng hộ dân biết rõ và chủ động trong công tác di dời; công khai trong chính sách. Đặc biệt, chúng tôi đang khuyến khích tối đa việc các hộ dân tự tái định cư, tự tìm chỗ ở mới. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT, HT & TĐC) huyện Thạch Hà, Ban quản lý dự án mỏ sắt Thạch Khê và Công ty CP Sắt Thạch Khê các ban, ngành, đoàn thể huyện Thạch Hà cũng đã vào cuộc để xây dựng kế hoạch, tổ chức xuống tận các xóm, xã tuyên truyền đến từng người dân về những tác dụng tích cực của dự án, trao đổi thẳng thắn những thắc mắc, kiến nghị của người dân vùng di dời".

Khi triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, không ít người vẫn quan ngại về công tác GPMB, nhưng điều dễ nhận thấy trong những cuộc tiếp xúc giữa Hội đồng bồi thường, HT&TĐC huyện với người dân vùng mỏ là sự đồng thuận cao của nhân dân. Ông Hương cho biết thêm: “Tùy vào tình hình đặc điểm của từng cụm dân cư, từng dòng họ, từng hộ dân, chúng tôi đã và sẽ có những cách tuyên truyền và vận động sao cho phù hợp và thuyết phục người có uy tín trong gia đình, dòng họ… Để làm được công tác này cần huy động được sức mạnh của cấp ủy, chính quyền, sự nhiệt tình của đoàn thể các cấp vào công việc, sâu sát thực tế và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, chúng tôi hết sức coi trọng lực lượng nòng cốt cấp xã trong quá trình thực hiện”.

Ưu tiên người dân tự tái định cư

Theo ông Nguyễn Anh Tùng – Phó Chủ tịch Hội đồng BT,HT&TĐC huyện Thạch Hà, hiện nay, ngoài việc ban hành cơ chế chính sách GPMB linh hoạt, phù hợp với thực tế thì mỗi hộ dân phải di dời và tự tái định cư sẽ được nhà nước hỗ trợ thêm 100 triệu đồng. Hộ nào đăng ký sẽ được hội đồng kiểm kê, áp giá đền bù và hỗ trợ tự tái định cư ngay. Sau hơn một tháng tuyên truyền và vận động, đến nay đã có 155 hộ dân trong vùng đăng ký tự tái định cư.

Ông Nguyễn Công Thanh, một hộ dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh thuộc diện di dời là một trong những người đầu tiên xung phong tự di dời và tái định cư. Ông Thanh cho biết: “Khi Nhà nước cần thu hồi đất đai để thực hiện chủ trương lớn như dự án mỏ sắt Thạch Khê, làm giàu cho dân, cho nước thì mình có trách nhiệm hy sinh quyền lợi, chia sẻ khó khăn để di dời. Thêm nữa, Nhà nước có những chính sách đền bù, hỗ trợ rất thỏa đáng, vì vậy tôi đã vận động gia đình, con cháu tiên phong đi trước để nhường mảnh đất đã gắn bó nhiều đời nay cho dự án.”

Lãnh đạo huyện Thạch Hà vận động người dân tự tái định cư

Sự hoạt động tích cực, sâu sát của Hội đồng bồi thường GPMB dự án mỏ sắt Thạch Khê đã kịp thời giúp tỉnh giải quyết những vướng mắc xẩy ra, nhất là cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân, huyện Thạch Hà còn phối hợp với các ngành tổ chức hội nghị, xây dựng các đề án, huy động các nguồn lực từ dự án bồi thường, từ các chương trình mục tiêu của tỉnh, của quốc gia nhằm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em trong vùng bị ảnh hưởng của dự án và toàn huyện trong thời gian tới. Người dân trong 6 xã bị ảnh hưởng sẽ được tiếp cận với một số ngành nghề như điện dân dụng, trồng nấm, mây tre đan, kỹ thuật, cơ khí, lái xe, lái máy... Họ có thể yên tâm đến nơi ở mới, tiếp cận với những ngành nghề, công việc phù hợp đảm bảo ổn định cuộc sống trong tương lai.

Những vấn đề quan ngại

Theo báo cáo, tổng số khu vực phải xây dựng phục vụ TĐC là 19 điểm, nhưng từ khi triển khai dự án đến nay Ban quản lý dự án mỏ sắt Thạch Khê mới chỉ xây dựng dở dang được 1 điểm TĐC (Nam Thạch Khê). Tuy nhiên, theo quan sát, điểm TĐC này nếu xây xong người dân cũng chưa thể đến ở bởi chưa có nước sinh hoạt. Kế hoạch xây dựng mới 5 trung tâm cụm xã, trường học, bệnh xá… đang còn trên giấy. Việc kiểm đếm, áp giá, xác định nguồn gốc đất với hàng trăm ha, hàng ngàn hộ dân nhưng đội ngũ cán bộ hiện nay của Hội đồng BT,HT&TĐC còn quá mỏng. Quy trình lập, thẩm định hồ sơ còn rườm rà, tốn thời gian (vì liên quan đến cả Ban quản lý dự án tỉnh, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê). Hàng loạt các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm chưa được di dời…

Hội đồng BT, HT&TĐC chi trả tiền đền bù cho người dân Thạch Đỉnh

Đây là những công việc hết sức gian nan, không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo tập trung, sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện. Tất cả đang còn ở phía trước, nhưng tin rằng, với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, huyện Thạch Hà, Công ty CP Sắt Thạch Khê và các cơ quan, ban ngành khác và đặc biệt sự đồng thuận của nhân dân, việc di dời, tái định cư cho các hộ dân phục vụ khai thác mỏ sắt Thạch Khê thành công tốt đẹp, trở thành những ngày hội di dân thứ 2 như ở dự án FORMOSA huyện Kỳ Anh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast