Nỗi niềm Kỳ Thịnh

Mấy năm gần đây, cuộc sống của gần 12 ngàn dân trên địa bàn xã Kỳ Thịnh ( Kỳ Anh) càng trở nên khó khăn hơn khi thu nhập từ nghề phụ bấp bênh theo mùa vụ. Ước mơ về những mùa vàng bội thu trên mảnh đất cha ông xưa càng trở nên xa vời hơn khi họ đang từng ngày phải chứng kiến sự chết dần chết mòn của những cánh đồng bởi tình trạng ngập lụt và nước mặn xâm thực.

Lời kêu cứu của cánh đồng Tây Yên...

Trận mưa đầu mùa của những ngày tháng 9 đã mang về nỗi lo âu cho người dân ở Tây Yên ( Kỳ Thịnh) khi chứng kiến cánh đồng làng đã bị con nước nhấn chìm chỉ trong một ngày mưa. Được biết, với người dân nơi đây, việc sống chung với ngập úng đã trở thành chuyện thường xảy ra khi 3 năm trở lại đây, Para Tây Yên hư hỏng và không thể phát huy vai trò tiêu úng cho đồng ruộng.

Ông Nguyễn Xuân Bính- Trưởng thôn Tây Yên cho biết: “ Para Tây Yên đã bị hư hỏng từ 3 năm trước. Phần ván chấn được làm bằng sắt do lâu ngày không được tu bổ nên giờ rỉ sét và bị thủng , 3/6 cánh cống hư hỏng nặng. Roăng cống được làm bằng cao su nay cũng đã bị mòn nên nước mặn tràn vào, dây tời cũng bị đứt.... việc vận hành cống hết sức khó khăn nên mỗi khi mưa lũ về, nước không thoát được dẫn đến tình trạng ngập úng bấy lâu nay. Cũng từ 3 năm trở lại đây, mỗi khi có mưa lớn, mưa trên diện rộng thì cả cánh đồng của làng Tây Yên bị ngập úng. Có năm nước còn ngập vào tận nhà. Mùa mưa năm nay đã 2 lần bị ngập lụt trên diện rộng. Đáng lẽ thời gian này, bà con đã triển khai cày ải nhưng do ngập lụt nên đành bỏ hoang”.

Para Tây Yên đã bị xuống cấp và không còn được sử dụng đúng mục đích ban đầu

Para Tây Yên đã bị xuống cấp và không còn được sử dụng đúng mục đích ban đầu

Para Tây Yên được xây dựng từ năm 1968 để phục vụ điều tưới nước trong sản xuất nông nghiệp và phòng chống lụt bão. Năm 1972, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt khiến cho cầu sập, cống hư hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên, thấy rõ tầm quan trọng của Para Tây Yên trong đời sống, nhất là trong việc sản xuất nông nghiệp nên sau hòa bình người dân nơi đây đã tiến hành xây dựng lại. Trước đây, Para Tây Yên do công ty TNHH một thành viên thủy lợi Sông Rác quản lý khai thác.

Tuy nhiên, đầu tháng 4/2012, Para Tây Yên được UBND tỉnh bàn giao cho Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng quản lý. Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng lại bàn giao cho Công ty cấp thoát nước Hoành Sơn sửa chữa, vận hành và đưa vào sử dụng. Việc Para Tây Yên bị hư hỏng nặng, người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần lên tiếng nhưng công ty cấp thoát nước Hoành Sơn vẫn không tiến hành tu bổ, sửa chữa. Đã vậy, Para Tây Yên còn được sử dụng sai mục đích ban đầu khi mà công ty cấp thoát nước Hoành Sơn đóng mở cống theo thời gian cấp nước cho Nhà máy Nhiệt điện. Theo người dân quanh đây cho biết, ngày 8/9 vừa qua, việc công ty cấp thoát nước Hoành Sơn mở cống nhưng không đóng đã làm hơn 200 ha diện tích sản xuất của làng Tây Yên bị nước mặn xâm nhập.

Thực trạng Para Tây Yên bị hư hỏng không được khắc phục đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong đời sống sinh hoạt và trong sản xuất gieo trồng. Nếu như trước đây, người dân Tây Yên có thể tự hào về cánh đồng vàng được mệnh danh là vựa lúa của xã Kỳ Thịnh, thì từ 3 năm trở lại đây, người dân chỉ sản xuất được một vụ đông xuân. Chị Dương Thị Liệu (xóm 3 - làng Tây Yên) cho biết: “8 sào ruộng của tôi từ khi Para bị hỏng thì nước mặn xâm nhập khiến năng suất giảm rõ rệt – bình quân giảm 35-40%, mặc dù chi phí chúng tôi đầu tư vào cao hơn. Mùa này tôi tính bỏ ruộng đi làm thuê chứ làm ruộng càng ngày càng lỗ em à!”.

Không chỉ thiệt hại về sản xuất mà đời sống nhân dân quanh đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời gian vừa qua, mưa lũ đã làm chia cắt một số đoạn đường trong làng Tây Yên. Đặc biệt, nước sông Quyền (dòng chảy qua Para) dâng cao mang theo xác chết động vật, rác thải về làng. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì việc xuất hiện các dịch bệnh là điều đương nhiên. Khi mùa mưa lũ đang cận kề, Para Tây Yên vẫn đang trong tình trạng hư hỏng thì chắc chắn thiệt hại về người và của là điều không tránh khỏi. Trước tình trạng xuống cấp của Para Tây Yên, UBND xã Kỳ Thịnh, UBND huyện Kỳ Anh đã có công văn về việc khắc phục và điều hành cống để đảm bảo an toàn trong sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân nhưng tất cả những mong muốn ấy vẫn còn nằm trên giấy tờ, người dân Tây Yên vẫn tấp thỏm lo ấu trước mùa bão lụt …

Và nỗi buồn của những dòng sông

Cũng như biết bao dòng sông luôn mang trong lòng nỗi ước mong xuôi về biển lớn, nhưng nỗi niềm ấy của dòng chảy sông Quyền và sông Thoong sẽ chẳng còn trở thành hiện thực khi con đê của dự án Formosa chặn ngang dòng. Lợi ích của việc xây dựng con đê này người dân vẫn chưa được biết đến, ngược lại cuộc sống của họ lại rơi vào bế tắc hơn khi tình trạng ngập lụt cục bộ, mất diện tích sản xuất đã xảy ra trên địa bàn từ 2 năm trở lại nay. Anh Lương Văn Định - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thịnh cho biết: Cùng với hơn 200 ha bị ngập và nhiễm mặn do sự xuống cấp của Para Tây Yên, chúng tôi còn có thêm 87 ha của làng Trường Lại và làng Thượng Phong bị ngập úng 2 năm nay không thể sản xuất được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dòng chảy của sông Quyền ( qua Para Tây Yên) và sông Thoong bị chặn bởi con đê ( thuộc địa phận xã Kỳ Long và Kỳ Liên) mà nhà đầu tư Formosa đang xây dựng. Thực tế, diện tích đất này đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đền bù nhưng đến nay bà con vẫn chưa nhận được đồng nào”.

Cùng với việc mất diện tích canh tác do ngập lụt, người dân Kỳ Thịnh còn đứng trước những nỗi buồn khi chứng kiến nhiều dự án trên địa bàn xã đang “đắp chiếu nằm dài” chiếm đất sản xuất của bà con. Như dự án HongLin (Đài Loan) về sản xuất, chế biến gỗ đã chiếm diện tích 46 ha nhưng từ 11 năm nay vẫn chưa triển khai; dự án Vạn Lợi (chiếm 10 ha đất) hiện đã “treo” 5 năm. Và trong khi cái đói, cái nghèo vẫn còn hiện hữu, họ lại phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường, khói bụi từ các xe tải chở đất cát và mùi hối thối từ nước thải của công ty đông lạnh xả ra môi trường.

Người dân Kỳ Thịnh quanh năm lam lũ chỉ sống nương nhờ vào đồng ruộng, nhưng nay đồng ruộng cũng thất thu, thu nhập từ nghề phụ cũng bấp bênh theo mùa vụ nên cuộc sống mưu sinh với họ vẫn luôn là gánh nặng. Trong lúc những người nông dân trên khắp các làng quê đang chung niềm vui về một vụ mùa thắng lợi, thì người dân xã Kỳ Thịnh lại ngậm ngùi với nỗi buồn ly hương để kiếm kế sinh nhai. Chia tay Kỳ Thịnh , chúng tôi mang theo câu chuyện của những người dân đang tụm năm tụm bảy bên ấm nước chè xanh về một ước mơ quê hương thay đổi. Đường về bỗng xa hơn khi những trận gió vần vũ kéo theo mây đen giăng mắc đầy trời. Lại thêm một đợt áp thấp tràn về!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast