“Nới” rộng cho vay - Doanh nghiệp vẫn khó qua “cửa hẹp”

Theo nhận định của một số chuyên gia thì lãi suất cho vay thời điểm này đang ở mức “dễ chịu” nhất so với nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, dù tốc độ tăng trưởng của các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tăng nhưng cơ cấu cho vay chủ yếu dành cho thành phần tư nhân, cá thể, còn doanh nghiệp (DN) vẫn khó qua “cửa hẹp”...

Không tiếp cận được ngân hàng, DN vay nặng lãi…

Có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hơn 10 năm, anh Đ.T.N. - giám đốc một công ty tư vấn xây dựng trên địa bàn TP Hà Tĩnh là gương mặt khá quen thuộc với các ngân hàng. Từ hệ thống ngân hàng thương mại đến ngân hàng cổ phần, công ty anh đều đã “gõ cửa” để tìm nguồn vốn “quay vòng”. Tuy nhiên, không phải ở đâu một DN nhỏ như của anh đều được chào đón.

Anh Đ.T.N cho biết: “Những năm gần đây, do suy thoái kinh tế nên nguồn vốn dành cho lĩnh vực xây dựng trở nên khó khăn. Ngân hàng dựa trên các hợp đồng của công trình để giải quyết nguồn vốn tăng thêm, trong khi giỏi lắm mỗi năm chúng tôi cũng chỉ có vài ba hợp đồng. Nếu chỉ dựa vào tiêu chí thế chấp này thì nguồn vốn không đủ để hoạt động”. Vậy là, để kịp thời cho việc ứng vốn của mình, ông chủ này không ít lần “tặc lưỡi”… vay ngoài với lãi suất cao.

noi rong cho vay doanh nghiep van kho qua cua hep

Theo Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Không khá khẩm hơn, Công ty CP Xây lắp và Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Thương Phú (khu tiểu thủ công nghiệp Phù Việt - Thạch Hà) cách đây 5 năm đã đầu tư một nhà máy cơ khí hiện đại với số vốn lên đến 30 tỷ đồng. Do khủng hoảng kinh tế, nguồn vốn sản xuất cũng gặp khó khăn. Kể từ 2011 đến nay, công ty này cũng không vay được ở ngân hàng nào để phục vụ SXKD. Không còn cách nào khác, công ty phải xoay xở bằng món vay bên ngoài để duy trì hoạt động và trả lãi cho món vay ban đầu tại Viettinbank Hà Tĩnh.

Trong khi đó, nhiều DN không khỏi lo lắng khi các loại phí của các TCTD đang ở mức cao. Chẳng hạn, một số ngân hàng cổ phần chào mời mức vay khá hấp dẫn (9-10%) nhưng cuối cùng tính cả phí thì DN phải chịu mức lãi cao (có nơi trên 12%/năm).

Ông Hoàng Trung Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hà Tĩnh cho biết: “So với những năm trước thì đây là thời điểm lãi suất ngân hàng “dễ chịu” nhất và rất hợp lý. Có điều, DN vẫn khó tiếp cận vốn vì một phần không đáp ứng được các điều khoản của ngân hàng yêu cầu; mặt khác, một số ngân hàng định giá tài sản thế chấp quá thấp so với giá trị thực tế, không đáp ứng được nguồn vốn của DN”.

Khó giảm lãi suất vay…

13 văn bản quy phạm pháp luật và coi như quy phạm pháp luật về hỗ trợ lãi suất; ít nhất 3 chương trình cho các thành phần kinh tế vay vốn tại các TCTD là những ưu đãi dành cho DN. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại việc các TCTD thừa vốn khó cho vay, trong khi DN thiếu vốn nhưng khó vay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Tĩnh, hết quý II/2016, dư nợ cho vay tăng 8,36% so với đầu năm, tăng 21,21% so với cùng kỳ. Nhất là vốn trung và dài hạn, tăng gần 13%. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu dư nợ thì chủ yếu tăng ở thành phần tư nhân, cá thể, còn ở DN chỉ bằng một nửa so với tổng dư nợ của tư nhân, cá thể (khoảng gần 10.000 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ tín dụng của DN vừa và nhỏ những tháng đầu năm tăng trưởng âm (-7,44%).

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn cho hay: Một bộ phận khá lớn DN có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đáp ứng được các điều kiện tín dụng cơ bản theo quy định; các giải pháp của bản thân các DN để tạo ra bước đổi mới về chiến lược SXKD, về thị trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn… Tất nhiên, còn là do từ phía nhà băng, việc bảo toàn vốn cho TCTD khiến ngân hàng cấp trên quy định cho vay có điều kiện bảo đảm. Thậm chí, một số TCTD lại quá thiên về tính an toàn, không linh động cho DN.

Nhiều DN vẫn đang đón chờ động thái mới của ngân hàng trong việc “nới rộng chính sách cho vay và hạ lãi suất, tạo điều kiện cho DN dồn vốn những tháng cuối năm. Song, với quan điểm của nhiều ngân hàng thì mức lãi suất hiện nay là khá phù hợp (đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực SXKD thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn). Việc giảm lãi suất vào thời điểm này là điều không dễ. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) Hà Tĩnh cho biết: “Mức huy động của VCB dao động xung quanh 5%/năm và lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên chỉ 7%/năm. Mức cân đối giữa huy động và cho vay là khá hợp lý và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây”.

Còn đối với ngân hàng thương mại cổ phần, “cuộc chạy đua” huy động vốn suốt gần nửa năm nay vẫn chưa lắng xuống. Lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng lên đến 7,3%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Việc hút tiền về ngân hàng chứng minh năng lực tài chính của ngân hàng còn rất khó khăn, khả năng thanh khoản chưa cao.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast