Nơi “tấc đất” không còn là “tấc vàng”

Mấy năm trở lại đây, giá muối tuột dốc thê thảm, buộc người dân xã Thạch Bàn (Thạch Hà) phải quay lưng với nghề truyền thống. Dự án nuôi tôm cho người nghèo (SUMA) đã nhen nhóm niềm hy vọng cho hàng trăm hộ dân. Nhưng rồi, cơ hội đó cũng sớm vụt tắt khi nghề nuôi tôm không hiệu quả. Người dân Thạch Bàn nghèo vẫn hoàn nghèo trong khi hàng trăm ha đất, nguồn tư liệu sản xuất quý giá bỏ mặc cùng thời gian.

Đàn trâu bò ung dung gặm cỏ trên ngổn ngang những ô nại bỏ hoang
Đàn trâu bò ung dung gặm cỏ trên ngổn ngang những ô nại bỏ hoang

Khi diêm dân không mặn mà với muối

Chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Tăng, người phụ trách sản xuất muối của xã đi dọc trên cánh đồng trống trơ, mênh mông, hun hút nắng và gió, ngổn ngang những ô nề, chạt lọc sản xuất muối. Với khuôn người nhỏ nhưng khỏe khoắn bởi nước da sạm nắng, tác phong nhanh nhẹn, ông Tăng nói rất nhiều về nghề muối của cha ông với chút tự hào pha lẫn nuối tiếc.

Những năm trước đây, muối được giá, mỗi tấn muối thành phẩm cũng quy đổi được vài tạ lúa, bà con phấn khởi và hăng say lắm. Chính cánh đồng muối “cò bay thẳng cánh” này đã từng không đáp ứng đủ nhu cầu lao động cho bà con. Hàng năm, chỉ sau rằm tháng giêng, dù nắng hay mưa, bà con đã phấn khởi ra đồng để sửa sang ô nại chuẩn bị cho vụ mới.

Thế rồi, giá muối bỗng nhiên tụt dốc không phanh. Duy chỉ có vụ muối năm 2009, một tấn muối bà con bán được 1.500.000đ, được coi là đỉnh điểm; vụ muối năm 2010, một tấn muối đầu vụ bán được 800.000đ, đến cuối vụ chỉ còn ngót nghét 650.000đ, tính ra số tiền thu được không đủ bù chi phí sản xuất, chưa tính ngày công lao động hết sức vất vả, cực nhọc. Và thực tế là không còn cách nào khác, bà con đành phải ngoảnh mặt với đồng muối.

Người có sức khỏe thì tha hương làm ăn; người không đủ sức bôn ba thì quẩn quanh kiếm sống qua ngày. Những năm nghề muối còn thịnh vượng, vào những ngày này, cánh đồng muối đã nhấp nhô sóng người làm nại. Còn hôm nay, lác đác vài ô muối hoạt động cầm chừng; bên cạnh ngổn ngang những chạt, những bể đựng nước, đàn trâu bò ung dung gặm cỏ ngay trên những ô nại hoang hóa, cỏ leo bèo lấp.

Gặp cụ bà Nguyễn Thị Xuân ở xóm 3, một trong số rất ít những diêm dân còn nhẫn nại với nghề muối đang tẩn mẩn sửa sang ô nại, bà ngán ngẩm nói: “Tôi cũng như nhiều người ở đây đi làm muối chẳng qua là do không có sức mà đi làm thuê như người khác. Giờ cũng chẳng biết bám víu vào đâu nếu không chịu khó gò lưng mà kiếm ít gạo cứu đói, chứ giá muối như thế này thì làm chỉ có lỗ thôi!”.

Theo một số nguồn tin thì giá muối đầu vụ năm nay có xu hướng tăng lên khoảng trên 1 triệu đồng/tấn, nhưng rồi bà con vẫn không mấy mặn mà, bởi phần vì so với mặt bằng giá cả hiện nay thì mức giá đó “vẫn chưa ăn thua, trong khi đi làm thuê có thu nhập khá hơn nhiều”; thứ nữa là kinh nghiệm cho thấy giá muối rất bấp bênh, đầu vụ có thể có mức giá dễ chịu nhưng chưa chừng, cuối vụ diêm dân lại phải khóc ròng vì giá.

Tôm cũng không nuôi nổi người

Trong khi câu chuyện “hạt muối” đang lâm vào “ngõ cụt”, thì một tia hy vọng lớn đã lóe lên làm phấn chấn cho bà con và làm yên lòng lãnh đạo của địa phương, đó là dự án nuôi tôm cho người nghèo mang tên SUMA của Đan mạch được triển khai tại địa phương. Theo đó, hàng trăm hộ nghèo được chia ao nuôi tôm và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2005, vụ nuôi đầu tiên, bà con đã thu được kết quả khá từ nuôi tôm thẻ chân trắng. Bà con khấp khởi mừng thầm với nghề mới và háo hức đầu tư thả nuôi vụ hai. Nhưng niềm vui lại chẳng được bao lâu, khi đàn tôm đang tuổi ăn, tuổi lớn bỗng nhiên thi nhau chết ràn rạt; những hồ tôm không bị chết thì sự sinh trưởng cũng cầm chừng. Một số hồ nuôi, khi thu hoạch, nhiều hộ dân tá hỏa bởi mặc dù tôm không bị chết nhưng già nửa số tôm trong hồ bỗng dưng “không cánh mà bay”…

Dù bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục đầu tư thả nuôi vụ khác hầu vớt vát chút vốn liếng, nhưng kết quả thu được lại là con số âm! Qua thực tế sản xuất, những bất cập trong qui trình kỹ thuật đã được bộc lộ rõ như: thiết kế hệ thống ao hồ không đạt quy chuẩn; nguồn nước cung cấp cho nuôi tôm chạy qua địa bàn dân cư với độ dài lớn nên vừa thiếu nước vừa gây ô nhiễm cho đồng tôm… chưa kể, nghề nuôi tôm là “nghề của nhà giàu”, người nghèo khó lòng mà theo đuổi được một qui trình nuôi thả khắt khe.

Ao nuôi tôm cũng biến thành "bãi tắm" của trâu

Năm 2008, một số cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến ngư của huyện Thạch Hà về mượn địa phương 4ha hồ để nuôi tôm, với hy vọng thu được kết quả cao để vận động nhân dân yên tâm tái sản xuất. Mặc dù được đầu tư một hàm lượng KHKT cũng như kinh phí cao, nhưng cuối vụ, người dân ở đây cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán của những “ông thầy” về nuôi trồng thủy sản. Kể từ đây, hy vọng đổi đời từ nghề nuôi tôm của người dân Thạch Bàn chính thức nguội tắt.

Gian nan vấn đề việc làm cho người dân

Chủ tịch UBND xã Trương Hoàng Thông, đã phải than thở trước những khó khăn hiện tại của địa phương: “Xã Thạch Bàn vốn được thành lập là để sản xuất muối. Vậy nhưng thực trạng nghề muối bi đát như hiện nay, chắc khó mà giữ được nghề quá!”. Còn việc chuyển đổi nghề? Thật không dễ dàng gì, khi nghề nuôi tôm - một nghề khá gần gũi với diêm dân, với bao lao tâm khổ tứ, chưa kịp mừng đã thất bại.

Còn phát triển các ngành nghề như: thương mại, dịch vụ… điều kiện của một xã nghèo như Thạch Bàn cũng chưa cho phép thực hiện. Một nghề hiện đang được người dân ở đây bấu víu để kiếm sống, đó là nghề khai thác đá, nhưng không thể xem là lâu dài được…

Một hệ lụy khi nhân dân không có việc làm tại địa phương, đó là hầu hết các phong trào không thể phát triển được do bà con phải tha hương làm ăn, sinh sống. Các em học sinh, trong những tháng nghỉ hè không có việc làm và không có sự quản lý, giáo dục của nhà trường, phụ huynh cũng là một mối lo không nhỏ của các gia đình và lãnh đạo địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thông khẳng định quyết tâm của xã là, dù khó khăn đến đâu cũng sẽ vận động nhân dân; đề ra các chính sách phù hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị thu mua muối để duy trì và phát triển nghề muối. Đồng thời đầu tư sửa sang hệ thống ao hồ, mặt nước, áp dụng tiến bộ KHKT mới để tiếp tục nuôi tôm… với hy vọng từng bước lấy lại được nhịp độ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố và đẩy mạnh các phong trào của xã.

Quyết tâm là vậy, nhưng để chủ trương sớm trở thành hiện thực - theo vị lãnh đạo của xã, địa phương rất cần sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình giải bài toán tìm việc làm cho nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast