Phát triển TTCN-TM&DV ở Can Lộc: Tiềm năng và bài toán khó!

(Baohatinh.vn) - Mặc dù, kết quả đạt được còn hạn chế, song từ rất sớm, huyện Can Lộc đã nhìn ra tiềm năng, lợi thế và đề ra các giải pháp nhằm đạt mục tiêu: Đến năm 2020, ngành du lịch, TM-DV trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trên 24%.

phat trien ttcn tm dv o can loc tiem nang va bai toan kho

Mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng thị trấn Nghèn vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển. Ảnh: Quang Đạt

Tiềm năng hứa hẹn

So với các địa bàn trong tỉnh, hiếm có mảnh đất nào có nhiều địa chỉ thu hút sự quan tâm của người dân trong, ngoài tỉnh và quốc tế như Can Lộc. Điểm nhấn của sự thu hút này là di tích Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, các cụm di tích lịch sử văn hóa ở Phú Lộc, cầu Nhe, ngã ba Nghèn, bến đò Thượng Trụ và không gian văn hóa làng Trường Lưu… Ngoài ra, Can Lộc còn sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh khác như Cửa Thờ - Trại Tiểu, hồ Cù Lây, hồ Khe Trúc, hồ Nhà Đường... có sông Nghèn nối với sông La và Cửa Sót… là cơ sở quan trọng để phát triển nhiều loại hình dịch vụ, du lịch, vừa níu chân du khách “tiêu tiền” vào các dịch vụ, vừa lôi cuốn họ mua sắm, tiêu thụ sản phẩm, trong đó có nông sản và sản phẩm làng nghề.

Trong cơ cấu địa hình, Can Lộc có lợi thế vùng trà sơn vừa đẹp về cảnh quan, vừa là “địa chỉ” xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nổi tiếng là cam, bưởi Thượng Lộc và nhiều loại cây khác. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy lĩnh vực TM-DV nông thôn phát triển dựa trên lợi thế sản phẩm vùng và lao động tại chỗ. Đó là chưa nói, Can Lộc còn có nhiều ngành nghề truyền thống mà nổi tiếng là nghề chiếu cói Nam Sơn, mộc Yên Huy; trong đó, thương hiệu mộc Yên Huy đã được UBND tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển cụm công nghiệp.

Ngoài ra, Can Lộc có quốc lộ 1A đi qua tạo thành nhiều diện tích đất đẹp. Nhìn chung, mạng lưới giao thông trên địa bàn khá thuận lợi để vận chuyển hàng hóa, dịch vụ lữ hành. Hiện tại, trong chương trình phát triển đô thị, Can Lộc đang tập trung đưa thị trấn Nghèn và xã Đồng Lộc phát triển thành đô thị loại IV, loại V, tạo thành chuỗi kết nối. Nếu phát triển đồng bộ, các đô thị này sẽ trở thành trung tâm phát triển TM-DV của huyện, kéo theo đó là mức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tăng cao.

Theo nhìn nhận của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đặng Trần Phong: “Phát triển TTCN, TM-DV ở Can Lộc phải gắn với lĩnh vực du lịch, với quy hoạch phát triển các vùng. Thế nhưng, hiện đang có nhiều việc phải làm. Lâu nay, huyện chưa tìm được nhà đầu tư mạnh, chủ yếu là con em địa phương đầu tư; việc hình thành các chuỗi liên kết còn hạn chế, thiếu điểm thu hút du khách nghỉ dưỡng, mua sắm, tiêu thụ sản phẩm địa phương”.

Trăn trở thực hiện giải pháp

Để phát huy lợi thế của địa phương, cấp ủy huyện Can Lộc đã sớm đề ra các chủ trương về phát triển TM-DV trong đó, tập trung là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Cuối năm 2015, để thu hút nguồn lực, UBND huyện Can Lộc đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại hội nghị đã có 22 bản ghi nhớ được ký kết, tổng vốn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thì chỉ một vài nhà đầu tư thực hiện theo cam kết, còn lại bức tranh thu hút đầu tư của huyện gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Võ Hữu Hào cho hay: “Các bản ghi nhớ tại hội nghị xúc tiến đầu tư hầu như không thực hiện được”.

Tháng 4/2017, để tháo gỡ những khó khăn, UBND huyện đã xác định: Phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư và phát triển CN-TTCN, ngành nghề nông thôn và dịch vụ; đầu tư, kêu gọi phát triển đô thị để tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển, ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính tín dụng, cơ khí sửa chữa, nhà hàng, khách sạn; chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát triển các ngành, nghề truyền thống và một số ngành nghề mới như thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch.

UBND huyện cũng xác định, đối với khu công nghiệp Hạ Vàng, động viên, giúp đỡ các doanh nghiệp đi vào hoạt động; tập trung mời gọi thêm 4 nhà đầu tư, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ lấp đầy trên 70%. Đối với cụm công nghiệp Yên Huy, hoàn thành GPMB và đầu tư hệ thống hạ tầng giai đoạn I (6,4 ha). Theo xác nhận của đại diện Phòng Công nghiệp, Sở Công thương: “Hiện tại, cụm công nghiệp Yên Huy đã được UBND tỉnh chấp thuận doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp này đang tiến hành thực hiện các thủ tục theo quy trình”.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn - Nguyễn Thái Dương, địa phương đang tập trung giải pháp phát triển TM-DV khu vực Hầm Pháo, đánh giá tác động môi trường, đẩy nhanh tiến độ để 8 nhà đầu tư sớm hoàn thành mặt bằng, đi vào hoạt động. Hiện tại, theo quan sát, khu vực dọc tỉnh lộ 6 ở thị trấn Nghèn, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ, kinh doanh một số mặt hàng khác.

Về phát triển chợ, theo Trưởng phòng Công thương huyện Ngô Xuân Hải, huyện đang chủ trương tiếp tục mời gọi đầu tư xã hội hóa các chợ, phấn đấu 15 chợ được bàn giao cho doanh nghiệp quản lý. Theo thông tin, hiện chợ Đồng Lộc đang trong quá trình đầu tư, hứa hẹn sẽ là một trong những nơi mua sắm phục vụ nhu cầu của du khách và người dân.

Những giải pháp trên đang được các cấp, ngành huyện Can Lộc tập trung thực hiện. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một lãnh đạo huyện: Thực ra, lâu nay, lĩnh vực TTCN, TM-DV ở Can Lộc đang có dấu hiệu chững lại; các giải pháp thu hút, kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Để phát triển lĩnh vực này thì huyện phải tranh thủ tốt sự chia sẻ, quan tâm của tỉnh. Về phía huyện, phải tập trung quyết liệt hơn, phải thay đổi nhận thức của các cấp, ngành và cả người dân, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ như: mua sắm, lữ hành, ẩm thực, nghỉ dưỡng và cả việc xây dựng sản phẩm của địa phương…

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast