Quốc hội bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế

Nợ công, chống thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách… được Quốc hội bàn bạc khá sâu rộng.

Bước sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Tâm điểm của sự chú ý trong tuần làm việc này là phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2012-2013. Với tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều đóng góp giá trị đối với sự điều hành của Chính phủ thời gian tới.

Về câu chuyện tăng trưởng kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng chúng ta cần đổi mới tư duy, không nên xem tăng trưởng GDP là thành tích, vì chỉ số tăng trưởng GDP không phản ánh đúng kết quả phát triển kinh tế, vì nó bao gồm cả vốn đầu tư, trong đó có cả phần vốn bị thất thoát lãng phí và vốn đầu tư FDI mà lãi chuyển ra nước ngoài trừ phần đóng thuế cho Việt Nam.

“Đề nghị Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu để có một chỉ tiêu đánh giá đúng hơn về kết quả phát triển của nền kinh tế nước nhà” – đại biểu Nguyễn Thế Tuy - Lạng Sơn nói.

Năm 2012 trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội có nêu số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 56.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011. Đến hết năm 2012 cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ. Tình hình này đã tác động tiêu cực đến lao động việc làm, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm



Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), “Nếu chúng ta nhìn lại 5 năm qua từ 2008 đến giờ kinh tế chúng ta đang có những bước chậm lại, thậm chí có những mặt thụt lùi, khoảng cách của chúng ta so với thế giới và khu vực ngày càng giãng. Khó khăn tồn tại này không những chi phối vào kế hoạch năm 2013 mà còn tiếp trong 2014, 2015 và chắc chắn rằng sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm của chúng ta”.

Phó Thủ tướng: Nợ công an toàn

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu nợ công, dư nợ của Chính phủ, dư nợ quốc gia. “Về vấn đề này các đại biểu không chỉ ở khóa này mà cả các khóa trước đã đề cập nhiều trong thảo luận với băn khoăn về cách tính nợ công của ta so với thông lệ quốc tế. Việc tính hay không tính các khoản nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước mà không được Chính phủ bảo lãnh như nợ nước ngoài, trái phiếu trong nước và nợ hệ thống ngân hàng. Nếu tính như các nước, với 2 khoản nêu trên thì mức nợ công sẽ cao hơn nhiều so với chỉ tiêu báo cáo đã đề cập” – đại biểu Nguyễn Thúy Anh (đoàn Phú Thọ) nêu băn khoăn của mình.

Ngay sau đó, giải trình trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm rõ những thắc mắc của đại biểu Quốc hội. Theo đó, nợ công của chúng ta hiện nay tính đến 31 tháng 12 năm 2012, tương đương 55,5% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 43,1%, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 11,5% và nợ Chính quyền địa phương là 0,9% GDP.

Về nợ của các DN nhà nước có tính vào nợ công hay không, Phó Thủ tướng cho biết: Trong nợ của doanh nghiệp nhà nước có nợ Chính phủ bảo lãnh và Chính phủ vay về cho vay lại thì khoản nợ này đã được tính trong nợ công theo quy định của Luật Nợ công. Còn nợ vay của các tổ chức tín dụng, thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng thì các tổ chức tín dụng và ngân hàng kiểm tra, kiểm soát, thẩm định các dự án trên cơ sở đó cho vay và yêu cầu các doanh nghiệp phải tự vay và tự trả.

Với việc phát hành thêm 60.000 tỷ trái phiếu chính phủ phục vụ hai dự án: Quốc lộ 1, Dự án đường 14, Phó Thủ tướng, thì nợ công của Việt Nam sẽ ở mức 3 triệu tỷ đồng. “Như vậy nợ công của chúng ta vẫn an toàn” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Kiên quyết chống thất thoát đầu tư công

Nhiều đại biểu cho rằng quy trình lập dự án cho phép đầu tư còn mang nặng tính xin cho thiếu sự giám sát hiệu quả chất lượng của công trình. Theo tôi đây là điểm mấu chốt gây ra lãng phí, tham nhũng lớn cả đất đai và tiền của nhà nước, của nhân dân.

Trong tình hình kinh tế - xã hội khó khăn hơn lúc nào hết Quốc hội và Chính phủ phải có nhiều giải pháp thiết thực để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần phải siết chặt, lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng cơ bản, đầu tư các công trình, tránh tràn lan phong trào” – đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hòa) nêu ý kiến.

Giải pháp để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh, là chuyển từ bố trí vốn đầu tư hàng năm sang bố trí kế hoạch trung hạn đầu tư phát triển 3 đến 5 năm, Bộ trưởng Vinh cho biết: Ngay khi vào nhiệm kỳ mới Quốc hội đã thông qua việc không bố trí trái phiếu Chính phủ hàng năm mà bố trí trái phiếu Chính phủ 4 năm liền, 2012 đến 2015. Đến nay, Quốc hội đã thông qua danh mục của từng công trình bố trí trái phiếu Chính phủ cho 4 năm, như vậy các Bộ, ngành, địa phương rất chủ động bố trí. Hiệu quả trong cách làm này là các Bộ, ngành, địa phương rất chủ động, hiệu quả. Đến nay, rất nhiều công trình sắp hoàn thành, không phải xin - cho gì cả bởi vì tất cả đã được thông qua Quốc hội. Chúng tôi cũng đã đề xuất tại kỳ họp lần trước đề nghị Quốc hội cho phép bố trí kế hoạch trung hạn, công khai kế hoạch trung hạn về ngân sách Nhà nước cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Tại kỳ họp thứ 4, chúng tôi đã gửi đến tất cả các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội kế hoạch trung hạn này.

Bộ trưởng Vinh cho biết, tuy chưa được Quốc hội thông qua nhưng đã được Quốc hội đồng tình và đến nay Bộ KH-ĐT đã trình trên bàn Thủ tướng Chính phủ kế hoạch trung hạn 3 năm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương để công khai cho các Bộ, ngành, địa phương biết nguồn ngân sách Nhà nước chỉ còn từng này và phân bổ cho từng lĩnh vực, từng địa phương, cho từng Bộ từng này”.

Đánh giá của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng về hiệu quả của việc này là tạo sự chủ động và sử dụng có hiệu quả ngân sách. Các Bộ, ngành, địa phương biết mình có bao nhiêu tiền trong 3 năm tới, họ sẽ không bố trí dàn trải, sẽ hạn chế đến mức tối đa cơ chế xin cho và không cần phải đến xin cho. “Theo tôi đây là điều ngăn chặn tham nhũng tiêu cực lớn nhất trong lĩnh vực này” – Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Riêng vấn đề phát triển kinh tế, ý kiến của các đại biểu đề nghị Chính phủ triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các ngân hàng trên cơ sở khơi thông nguồn vốn, kích thích các biện pháp tài khóa…/.

Theo Vũ Hạnh/VOV online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast