Quy hoạch các cơ sở chế biến lâm sản: Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 111/QĐ-UBND, ngày 9/1/2013, của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, nhiều xưởng cưa trái phép đã bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng, nhiều cơ sở chế biến lâm sản không có giấy phép trên địa bàn tỉnh ta đang có dấu hiệu hoạt động trở lại. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại đang gặp phải nhiều khó khăn, lúng túng trong xử lý.

Mới bị đình chỉ lại lén lút hoạt động

Quyết định số 111/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: “Giảm tối đa các cơ sở cưa xẻ hiện có, quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 174 cơ sở được cấp phép hoạt động. Đồng thời, yêu cầu rà soát, đình chỉ, tháo dỡ các cơ sở chế biến lâm sản không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo tiêu chí...”.

Nhiều cơ sở chế biến lâm sản không được cấp phép vẫn lén lút hoạt động.
Nhiều cơ sở chế biến lâm sản không được cấp phép vẫn lén lút hoạt động.

Tiếp đó, UBND tỉnh có văn bản giao Công ty Điện lực Hà Tĩnh chỉ đạo các chi nhánh theo danh sách các cơ sở chế biến lâm sản do UBND tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã cung cấp, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm trên địa bàn ngừng cấp điện 3 pha đối với những cơ sở không được cấp phép. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV thì nhiều cơ sở chế biến gỗ (các xưởng cưa), được biết là không có đăng ký kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động tại địa bàn nhiều huyện.

Miền Tây Kỳ Anh được coi là địa bàn nhức nhối về tình trạng hoạt động trái phép của các xưởng cưa. Theo rà soát, trên địa bàn Kỳ Anh có khoảng 100 cơ sở chế biến gỗ, theo quy hoạch của tỉnh thì toàn huyện chỉ có 21 cơ sở được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, sau một thời gian bị đình chỉ, các xưởng cưa không được cấp phép đang có dấu hiệu lén lút hoạt động trở lại.

Dạo quanh các tuyến đường chính tại một số xã như: Kỳ Hoa, Kỳ Tân, Kỳ Thượng... chúng tôi đếm được hơn chục cơ sở chế biến gỗ vẫn chưa bị tháo dỡ. Trao đổi với PV, ông Bùi Trọng Thái - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã phối hợp với điện lực rà soát, xử lý, tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ sở vẫn đấu điện trở lại và lén lút hoạt động vào ban đêm”. Ngoài ra, theo ông Thái thì nhiều xưởng cưa không có gỗ trái phép mà toàn gỗ vườn, gỗ có nguồn gốc hợp pháp nên khi đi kiểm tra, lực lượng kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý.

Huyện Đức Thọ nằm trong số các địa phương có diện tích rừng lấy gỗ ít nhất, nhưng lại là điểm “nóng” trong hoạt động chế biến lâm sản. Theo rà soát, trên địa bàn huyện có 58 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó 24 cơ sở không phù hợp với quy hoạch, phải tháo dỡ và yêu cầu dừng cấp điện. Nhưng thực tế sau gần 2 năm triển khai, Đức Thọ hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở chế biến lâm sản không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn được cấp điện 3 pha để hoạt động. Theo ông Lê Sỹ Bình - Giám đốc Điện lực Đức Thọ thì: “Trước đây, huyện cũng đã tổ chức một số cuộc họp nhưng vẫn chưa triển khai. Khi nào có thông báo cụ thể thì chúng tôi mới cắt điện”!

Không chỉ Kỳ Anh, Đức Thọ mà tình trạng các xưởng cưa lén lút hoạt động trở lại cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Khi Quyết định 111/QĐ-UBND được ban hành, hầu hết các địa phương đều đồng tình và nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai lại nảy sinh nhiều vướng mắc, trong đó, hầu hết các huyện đều cho rằng, chỉ quy hoạch, cấp phép cho 174 xưởng cưa trên toàn tỉnh là quá ít so với nhu cầu thực tế của nhân dân. Chính vì vậy, hiện nay, nhiều huyện đã có đề nghị bổ sung quy hoạch gửi Sở NN&PTNT.

Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh - Bùi Trọng Thái cho biết: “Ở địa bàn huyện Kỳ Anh chỉ quy hoạch cho 21 xưởng là con số quá ít so với nhu cầu thực tế của nhân dân. Đặc biệt, đối với những xã như Kỳ Hoa đã làm nghề cưa xẻ hơn 30 năm, nay tháo dỡ hết ,người dân sẽ gặp khó khăn trong chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm”.

Còn ông Võ Văn Toán - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây cho hay: “Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn 2 xưởng cưa hoạt động. Đây là 2 xưởng chưa được cấp phép. Tuy nhiên, nếu tháo dỡ thì người dân sẽ không biết đi đâu để cưa gỗ khi có nhu cầu làm nhà và đồ dùng sinh hoạt”.

Trong báo cáo gửi Sở NN&PTNT ngày 10/6 về kết quả thực hiện quy hoạch phát triển chế biến lâm sản, UBND huyện Kỳ Anh đã xin điều chỉnh quy hoạch, bổ sung thêm 13 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Bởi Kỳ Anh là địa bàn có nguồn gỗ vườn và gỗ rừng trồng lớn, dân số đông, lao động dồi dào nên rất cần có thêm những cơ sở chế biến lâm sản để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Còn tại Đức Thọ chỉ cho phép quy hoạch 34 xưởng chế biến lâm sản và các xưởng cưa này đều tập trung tại 2 xã Thái Yên và Trường Sơn; các xã khác không có. Chính điều này đang khiến cho các ngành chức năng của huyện lúng túng trong việc xử lý các xưởng cưa trái phép.

Ông Mai Đình Thành - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Thọ phân trần: “Theo quy hoạch của tỉnh thì những hộ dân ở các xã khác khi có nhu cầu cưa gỗ làm nhà cũng phải xuống Thái Yên hoặc lên tận Trường Sơn. Nếu như vậy thì khó cho dân quá. Hơn nữa, tại các xưởng cưa ở một số xã như: Đức Lập, Đức Long, Đức An... đều không có gỗ trái phép mà toàn là bạch đàn, phi lao trong vườn nhà nên cũng rất khó xử lý”.

Trước nhu cầu của người dân cũng như sự phân bố chưa hợp lý các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện, ngày 12/6, UBND huyện Đức Thọ đã báo cáo về kết quả thực hiện quy hoạch phát triển chế biến lâm sản, trong đó có đề nghị bổ sung quy hoạch 21 xưởng cưa để thuận tiện cho nhân dân trong việc xây dựng nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Sau gần 2 năm triển khai, dường như bài toán về quy hoạch các cơ sở chế biến lâm sản vẫn đang tồn tại nhiều “nút thắt” chưa thể gỡ. Đặc biệt là trong khâu phân bố cũng như đánh giá nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast