Sản xuất rau an toàn - khó trăm đường

Rau là nhu cầu tất yếu hằng ngày trong khẩu phần của mỗi người dân, nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Với tầm quan trọng đó, việc sản xuất rau an toàn là một yêu cầu cấp thiết hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế sản xuất rau an toàn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại có tính hệ thống từ sản xuất đến tiêu dùng.

Diện tích nhỏ lẻ và thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng

Hạn chế lớn nhất trong sản xuất rau an toàn hàng hóa trên địa bàn tỉnh ta, đó là diện tích đất còn nhỏ lẻ, manh mún. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, hiện nay, tổng diện tích sản xuất rau, củ, quả toàn tỉnh đạt gần 5.000 ha, trong đó, diện tích được quy hoạch cho sản xuất rau an toàn còn khá khiêm tốn, chưa đầy 100 ha. Mặc dù hiện nay, nhiều địa phương đã đầu tư dồn điền đổi thửa và quy hoạch thành các vùng sản xuất rau tập trung, nhưng ngoài một số ít xã có diện tích chuyên canh rau củ quả có quy mô khá và đang được đầu tư sản xuất rau có chiều sâu như: Tượng Sơn, Thạch Liên (Thạch Hà), Thạch Bình (TP Hà Tĩnh), Kỳ Hoa (Kỳ Anh)…thì phần lớn vẫn đang sản xuất trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư từ kết cấu hạ tầng đến công tác hoạch định, chỉ đạo sản xuất.

Diện tích trồng rau theo quy trình sản xuất an toàn của xã Tượng Sơn(Thạch Hà) tăng nhanh tuy nhiên chưa xây dựng và bảo vệ được thương hiệu rau sạch
Diện tích trồng rau theo quy trình sản xuất an toàn của xã Tượng Sơn(Thạch Hà) tăng nhanh tuy nhiên chưa xây dựng và bảo vệ được thương hiệu rau sạch

Ngay cả các địa phương đi đầu trong sản xuất rau, củ, quả nêu trên, việc đảm bảo cơ sở hạ tầng cho sản xuất vẫn còn là bài toán đặt ra phía trước. Hầu hết ở các địa phương, đồng rau mặc dù đã được quy hoạch liền vùng nhưng khó khăn về hệ thống giao thông, đặc biệt chưa có hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động việc tưới tiêu, trong khi đó, đặc tính của cây rau màu là ưa nền đất khô ráo và cần tưới nước đúng định kỳ. Một số địa phương không chỉ đạo triệt để trong việc dồn điền đổi thửa, vì vậy, không quy hoạch được vùng chuyên canh, tạo ra diện tích sản xuất chắp vá, như đồng rau cao cấp xã Thạch Liên (Thạch Hà). Nhiều nơi, diện tích trồng rau phải nhường cho sản xuất các loại cây trồng khác khi đến thời vụ như ở xã Đức La và một số xã vùng rau Đức Thọ.

Cánh đồng rau chuyên canh này của xã Đức La sẽ phải nhường đất cho sản xuất lạc xuân
Cánh đồng rau chuyên canh này của xã Đức La sẽ phải nhường đất cho sản xuất lạc xuân

Một phương tiện được coi là góp phần quyết định đến thành công vững chắc của sản xuất rau nói chung và rau an toàn nói riêng, đó là hệ thống nhà lưới, thì hầu hết trên các cánh đồng rau của tỉnh hiện nay cũng chưa được đầu tư. Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh thì, việc đầu tư nhà lưới cho rau, đặc biệt là rau an toàn, với những ưu việt của nó như hạn chế các rủi ro mưa, gió, rét, sương muối... sẽ đảm bảo trên 50% thành công bước đầu. Mặc dù việc đầu tư nhà lưới khá tốn kém, giá thành sẽ tăng cao nhưng đây là một yếu tố sản xuất tất yếu của quá trình sản xuất hàng hóa lớn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi như trên địa bàn tỉnh ta.

Chỉ đạo thiếu quyết liệt

Xã Thạch Liên (Thạch Hà) từ lâu đã biết đến là một vùng rau cao cấp truyền thống với nhiều chủng loại rau, củ, quả phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như: cải bắp, su hào, dưa lê, dưa chuột và các loại rau ăn lá... Đến đầu năm 2010, toàn xã có 6 xóm sản xuất rau với tổng diện tích 60 ha. Năm 2011, Thạch Liên bắt đầu triển khai thực hiện mô hình trồng rau an toàn; người trồng rau của xã đã được tập huấn quy trình kỹ thuật làm rau an toàn: không sử dụng các loại phân hóa học vô cơ, không phun thuốc BVTV các loại, chỉ bón duy nhất phân bón hữu cơ theo kỹ thuật ủ phân và quy trình chăm sóc đã được tập huấn. Mặc dù triển khai khá quyết tâm nhưng kết quả không đạt được như mong muốn.

Vùng rau an toàn của xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) chưa phát huy hết tiềm năng do chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng để sản xuât trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt
Vùng rau an toàn của xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) chưa phát huy hết tiềm năng do chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng để sản xuât trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt

Đến thời điểm này, theo số liệu mới nhất, toàn xã vùng rau trọng điểm của tỉnh chỉ còn lại 20 ha đất trồng rau, tập trung ở 2 xóm Khang và xóm Thọ. Không chỉ giảm nhanh và mạnh về diện tích, mô hình sản xuất rau an toàn của xã cũng sớm “chết yểu”. Giải thích cho thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Liên - Nguyễn Văn Hợi thừa nhận: Xét về tiềm năng, lợi thế như đất đai, khí hậu, truyền thống và ý thức của người dân, Thạch Liên hoàn toàn có thể xây dựng được một vùng rau đảm bảo quy chuẩn cả về quy mô diện tích và an toàn. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền từ xã đến các thôn xóm của địa phương còn thiếu sự nhiệt tình, quyết liệt trong chỉ đạo, từ công tác quy hoạch đến quá trình sản xuất, tiêu thụ. Ngay trong việc chỉ đạo sản xuất rau an toàn, mặc dù bà con đã được tập huấn quy trình và đã có ý thức cao trong sản xuất rau an toàn nhưng do không có sự chỉ đạo thường xuyên và có hệ thống, dẫn đến phong trào nhanh chóng bị mai một. Từ đó, mặc dù được công nhận là vùng rau cao cấp nhưng không có uy tín về an toàn nên khách hàng vẫn quay lưng.

Không chỉ ở xã Thạch Liên, hiện nay, phần lớn các địa phương từng có định hướng cơ cấu vùng rau hàng hóa an toàn vẫn đang trong tình trạng bế tắc về công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn. Một thực tế là, so với rau không an toàn, sản xuất rau an toàn chi phí lớn, vì vậy, giá thành sẽ cao hơn; mặt khác, nhìn bề ngoài, rau an toàn không bắt mắt bằng rau không an toàn nên khó bán hơn. Vì vậy, nếu không có biện pháp quy hoạch và chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, có tầm chiến lược của cấp ủy, chính quyền địa phương; nếu không có được thị trường đảm bảo giá trị đích thực cho rau an toàn, thì không thể trách được người trồng rau tại sao không có ý thức tự giác trồng rau an toàn để đảm bảo VSATTP cho xã hội.

Đầu ra mờ mịt

Hiện nay, sử dụng rau an toàn đang ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết, tuy nhiên, diện tích rau an toàn vẫn chưa phát triển được nhiều. Mặc dù vậy, một nghịch lý là các vùng chuyên canh rau an toàn trên địa bàn vẫn đau đáu với bài toán đầu ra, trong khi đó đại đa số người tiêu dùng lại khó tiếp cận được rau đảm bảo chất lượng! Ngay như ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà), với sự vào cuộc một cách quyết liệt cho sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của cả hệ thống chính trị nhưng việc tiêu thụ sản phẩm cũng đang hết sức khó khăn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Xuân - một trong số ít hộ trồng rau ở Thạch Liên (Thạch Hà) vẫn kiên trì thực hiện quy trình sản xuất rau sạch và được Siêu thị Co.opMart nhận tiêu thụ thường xuyên."
Gia đình ông Nguyễn Văn Xuân - một trong số ít hộ trồng rau ở Thạch Liên (Thạch Hà) vẫn kiên trì thực hiện quy trình sản xuất rau sạch và được Siêu thị Co.opMart nhận tiêu thụ thường xuyên."

Có thể thấy rằng, nếu xét về thực tế, lượng cung của rau an toàn hiện nay trên địa bàn vẫn còn rất ít so với nhu cầu ngày càng tăng. Vấn đề ở chỗ, đầu ra của rau an toàn khó khăn là do người tiêu dùng chưa thể nhận mặt (hoặc không tin tưởng) được rau an toàn trên thị trường. Vì vậy, việc tìm được một chỗ đứng vững chắc để trả lại giá trị đích thực cho rau an toàn chính là điều kiện cốt yếu để đưa sản xuất rau an toàn đi vào quy củ và phát triển vững chắc, tạo tiền đề cho hướng sản xuất bền vững, an toàn và hiệu quả.

Rau an toàn thường nhìn không "bắt mắt" nên khó thu hút khách
Rau an toàn thường nhìn không "bắt mắt" nên khó thu hút khách

Ý kiến người trong cuộc

1. Bà Nguyễn Thị Thúy Văn - Chủ nhiệm HTX rau an toàn thôn Hoa Đông (xã Kỳ Hoa - Kỳ Anh): "Mong muốn được đầu tư hệ thống nhà lưới"

Hợp tác xã rau an toàn thôn Hoa Đông tập hợp 30 hộ nghèo và cận nghèo sản xuất trên 3 ha rau, củ, quả. Với sự hỗ trợ của xã trong việc đầu tư hạ tầng và sự tiếp sức đắc lực của dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo về tập huấn kỹ thuật, tiếp cận thị trường, mô hình sản xuất rau sạch của HTX đã được định hình. Đặc biệt, ở vùng đất này, chất đất và nguồn nước đã được các cơ quan chức năng kiểm định và đánh giá đủ tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn.

Với cơ cấu mùa vụ: rau đông xuân, dưa hấu xuân hè, lạc thu đông, hiện mỗi ha rau của HTX cho thu nhập 160 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, rau sản xuất ở vụ đông xuân (bắt đầu từ tháng 11 đến đầu tháng 4) vẫn chưa mang lại hiệu quả tương xứng do điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. HTX mong muốn có được sự hỗ trợ từ Nhà nước cùng với nội lực của các xã viên để đầu tư hệ thống nhà lưới phục vụ trồng rau. Khi có được sự đầu tư này, chắc chắn xã viên sẽ tập trung đầu tư thâm canh để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Đồng thời cũng từ đó, các vùng đất được quy hoạch trồng rau an toàn ở xã Kỳ Hoa cũng sẽ được đánh thức tiềm năng, xây dựng nên một vùng rau quy mô lớn, có thương hiệu để cung cấp cho thị trấn Kỳ Anh và Khu kinh tế Vũng Áng.

2. Ông Nguyễn Văn Xuân (xóm Khang, xã Thạch Liên, Thạch Hà):Sản xuất rau an toàn đòi hỏi sự kiên trì

Theo tôi, việc sản xuất rau an toàn trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi người trồng rau phải kiên trì, nếu không sẽ khó theo đuổi được. Trước đây, rất nhiều hộ trồng rau của Thạch Liên đã được tập huấn sản xuất rau an toàn và đã tham gia sản xuất rau an toàn rộng rãi. Nhưng chỉ được vài vụ, khi rau an toàn không có chỗ đứng trên thị trường thì phần lớn không tiếp tục theo đuổi được bởi họ chịu quá nhiều thiệt thòi. Với sự kiên trì của mình, tôi vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất rau an toàn, đảm bảo quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải chịu lỗ trong giai đoạn đầu, nhưng cuối cùng cũng thuyết phục được người tiêu dùng, đặc biệt sản phẩm rau an toàn của tôi đã được Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh tin tưởng ký hợp đồng nhập thường xuyên. Mong muốn thời gian tới, xã sẽ thành lập được HTX sản xuất rau an toàn để sản phẩm rau, củ, quả Thạch Liên tiếp tục khẳng định được vị trí của mình trên thị trường.

3. Bà Trần Thị Thanh (khối phố 10, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh):"Chúng tôi cần một địa chỉ rau an toàn"

Trước đây, chúng tôi thường xuyên mua rau ở chợ TP Hà Tĩnh để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Vài năm lại nay, từ khi tiếp xúc với nhiều thông tin trong rau có nhiều tồn dư hóa chất độc hại, tôi bỏ hẳn thói quen ăn rau ở chợ và tận dụng các khoảng đất trống ít ỏi quanh nhà để tự trồng rau ăn. Tuy vậy, việc “tự túc” chỉ là giải pháp tình thế vì người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng nhiều loại rau củ với số lượng lớn và thường xuyên. Chúng tôi cần một địa chỉ cung cấp rau an toàn thật tin cậy để sử dụng lâu dài, bởi nhà cũng không thể trồng được quanh năm và điều kiện thời gian cũng không phải lúc nào cũng có để dành cho việc trồng rau. Thú thật, nhiều khi đi chợ thấy các hàng rau, củ, quả đủ màu, bắt mắt cũng rất thích nhưng không dám mua. Giá như tất cả đó đều là sản phẩm đảm bảo an toàn!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast