Tăng lương là cần thiết!

(Baohatinh.vn) - Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu bày tỏ chính kiến nên hay chưa nên tăng lương trong năm 2015. Nhìn từ đời sống người hưởng lương, việc tăng lương là cần thiết. Thế nhưng, khi tăng lương, cần giải quyết tốt các vấn đề liên quan để đồng lương không là hệ lụy cả cho người thụ hưởng, cả cho nền hành chính.

Đối sánh tiền lương và các khoản chi tối thiểu/tháng của một công chức, chúng ta thấy đời sống người hưởng lương tương đối hạn hẹp. Đáng nói hơn là những lao động tự do. Chị Nguyễn Thị T. - công chức UBND xã Trường Lộc (Can Lộc) thẳng thắn: “Bất cập ở chỗ, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học chỉ thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi, lao động phổ thông như thợ nề, thợ sơn mỗi ngày thu nhập 2-3 trăm ngàn”.

Hệ lụy là công chức, viên chức trở thành người “chạy theo” biến động nguồn thu của người lao động. Bà Nguyễn Thị Loan - chủ quầy bán rau tại chợ TP Hà Tĩnh quả quyết khi khách hàng chê đắt đỏ: “Rau ngót 6.000 đồng/bó, chanh 2.000 đồng/quả có gì là đắt, ngày công của phụ hồ giờ cũng hơn 200 ngàn đồng, giúp việc gia đình mỗi tháng cũng 2,5-3,5 triệu đồng”. Điều này nảy sinh nhiều khó khăn trong đời sống thường nhật, nhất là đối với những công chức, viên chức sống ở khu vực đô thị.

Tăng lương là cần thiết! ảnh 1

Với đồng lương như hiện tại, công chức, viên chức rất khó để đảm bảo cuộc sống.

Thu nhập thấp cũng làm cho công chức, viên chức khó tìm được chốn… “an cư” ngay cả khi giá đất có chiều hướng chững lại. Anh Nguyễn Hữu Xuân - lái xe của cơ quan Huyện ủy Thạch Hà có quan điểm thực tế: “Nhiều người bảo giá đất rẻ, nhưng đó là rẻ so với đối tượng khác, còn đối với công chức thì vẫn rất cao. Lương công chức biết bao giờ mới gom nổi để mua được lô đất loại rẻ từ 300-400 triệu đồng. Đó là chưa nói đến chuyện làm nhà”.

Tiếng nói trong cuộc của những người hưởng lương là tiếng nói thuyết phục. Thế nhưng, để đồng lương phát huy giá trị như mong muốn, Nhà nước phải giải quyết tốt nhiều vấn đề liên quan. Trước hết, phải làm tốt khâu quản lý giá. Lâu nay, tình trạng “tăng lương, đẩy giá” cứ lặp đi, lặp lại như một quy tắc ngầm. Vì thế, thu nhập của công chức, viên chức tăng nhưng chất lượng cuộc sống ít được cải thiện. Nhà nước phải có chính sách đúng để quản lý tốt các mặt hàng được định giá cụ thể, cũng như các mặt hàng khó định giá. Điều quan trọng hơn nữa là phải ngăn chặn tình trạng làm giá theo kiểu… “chợ đen”. Nhiều công chức, viên chức khi được hỏi về việc tăng lương đã cho rằng: nếu Nhà nước tăng lương ít mà không làm tốt việc quản lý giá thì tốt nhất đừng tăng để tránh xáo trộn.

Theo tính toán, gánh nặng ngân sách từ tăng lương trong năm 2015 sẽ tiêu tốn 40.000 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách quốc gia khó khăn, nợ công còn lớn thì đây là nhân tố góp phần làm cho “đôi cánh” nền kinh tế kém thanh thoát, khó cất cao. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu băn khoăn về nguồn tiền để thực hiện tăng lương. Một số đại biểu khác đưa ra giải pháp, dù kinh tế khó khăn cũng phải tăng lương, thậm chí tăng cao hơn nhiều lần, nhưng phải giảm biên chế. Việc giảm biên chế sẽ gỡ khó bài toán ngân sách. Nhưng, điều quan trọng là phương pháp giảm biên chế như thế nào? Những cơ quan nào thực hiện giảm biên chế và ai sẽ “bị loại” khỏi danh sách biên chế (dù chúng ta thừa nhận có hiện tượng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”)? Phải chăng, điều này cần một quyết tâm chính trị trong đánh giá, cắt giảm trực tiếp biên chế với một kế hoạch chiến lược. Nên chăng, cần áp dụng thêm dạng thức: hết hợp đồng lao động, cơ quan không ký thêm hợp đồng lao động mới (tức không tuyển dụng). Đành rằng, điều này phải cần rất nhiều thời gian.

Tăng lương, mục đích là để cải thiện đời sống của người hưởng lương, đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện công vụ, từ đó thúc đẩy KT-XH phát triển. Bởi vậy, phương pháp tăng lương phải tính toán phù hợp. Tăng lương đại trà là cần thiết, nhưng liệu có làm chất lượng công việc được cải thiện? Đây là vấn đề nhiều người dè dặt. Vì thế, nên chăng, cần tính toán hình thức tăng lương theo khối lượng công việc, bố trí một người phụ trách 2, 3 công việc (nhưng không tăng định suất). Lúc này, công chức, viên chức có thu nhập cao hơn, trách nhiệm mà công chức phải làm lớn hơn, số biên chế theo đó sẽ giảm dần.

Tăng lương là cần thiết. Nhưng tăng lương liên quan đến đời sống công chức, viên chức và nền hành chính. Bởi vậy, khi tăng lương, Nhà nước cần tính toán kỹ các phương án để người lao động được hưởng lợi, đồng thời, người dân cũng được thụ hưởng gián tiếp từ chính sách, cụ thể là thuận tiện, nhanh gọn, hiệu quả trong giao dịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast