Thủy lợi - đôi điều trăn trở

(Baohatinh.vn) - Với những địa phương đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thủy lợi trở thành một trong những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong đời sống dân sinh. Vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, đây cũng là tiêu chí quan trọng được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do thiên tai khắc nghiệt và với đặc thù của vùng miền, thủy lợi đã và đang trở thành nỗi trăn trở của không ít địa phương.

20 ha đất trồng lúa của gần 200 hộ xứ Đồng Vang, xóm 9, xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) chỉ có 500m kênh mương được đầu tư theo dự án từ rất nhiều năm trước. Còn lại hơn 3 km đều đang trong tình trạng mương đất, thậm chí là không có nơi dẫn nước về đồng ruộng... Nhiều năm qua, đây được xem là vùng “tử địa” trong sản xuất nông nghiệp của xã Cẩm Minh. Cả năm chỉ làm được mỗi vụ xuân, nhưng lại phụ thuộc chủ yếu vào nước trời và một phần rất nhỏ từ trạm bơm kênh Nhà Lê. Ngay cả năm nay, để chuẩn bị cho việc sản xuất, bà con phải tranh thủ cày bừa, xới xáo ngay từ những trận mưa đầu tháng 11. Bỏ không hơn nửa năm, đây là thời điểm bà con bận rộn dồn sức, tận dụng nguồn nước hiếm hoi làm đất.

Hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới là điều cần yếu đảm bảo cho sự phát triển bền vững ở nông thôn. Ảnh minh họa
Hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới là điều cần yếu đảm bảo cho sự phát triển bền vững ở nông thôn. Ảnh minh họa

Đấy cũng là tình cảnh chung của nhiều nơi khác trên địa bàn xã Cẩm Minh. Toàn xã có 9 xóm thì có đến 4 đơn vị nằm trong vùng “tử địa”, đưa diện tích đất trồng lúa không chủ động nguồn nước lên đến 100 ha. May mắn lắm khi thiên nhiên, thời tiết thuận lợi thì năng suất cũng chỉ đạt 2 tạ/sào. Có những đoạn kênh hiếm hoi đã được bê tông hóa rất nhiều năm trước, nhưng sau trận bão tháng 10/2013, không ít đoạn đã xuống cấp... Ông Trần Văn Khiên - Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh cho rằng: Với tỷ lệ chưa đầy 15% được cứng hóa, việc huy động nội lực tại một xã nghèo miền núi còn nhiều khó khăn để hoàn thành tiêu chí thủy lợi thực sự đang là nỗi trăn trở của Đảng ủy và chính quyền nơi đây.

Có thể nói, với người nông dân, “nhất nước, nhì phân” từ lâu đã trở thành điều kiện tiên quyết trong quá trình sản xuất. Dù công sức hay giống má có được đầu tư bao nhiêu mà thiếu đi yếu tố đầu tiên đó thì những mùa vụ mất trắng là điều đã được lường trước. Đó cũng là lý do mà trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thủy lợi là một trong những tiêu chí luôn được coi trọng hàng đầu. Những người nông dân, sau những tháng ngày cày sâu cuốc bẫm, điều mà họ lo lắng nhất có lẽ là những mương máng dang dở, những cánh đồng khát khô nước tưới...

Tại xã Sơn Châu (Hương Sơn), một trong những xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, mặc dù tiêu chí thủy lợi đã chạm đích được một thời gian khá dài, nhưng đến lúc này, chính quyền địa phương và người dân vẫn còn không ít băn khoăn về tính bền vững của nó. Xóm Sinh Cờ thì mương lở, xóm Nam Đoài kênh bị gãy đổ, mỗi mùa sản xuất, tình trạng đồng trên thì ngập úng mà đồng dưới thì khô hạn vẫn còn... Điều này không chỉ là chuyện chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai... Đặc biệt, Sơn Châu cũng là vùng khá đặc thù. Toàn bộ gần 1.000 hộ dân sống gọn trong vùng lòng chảo của đê Tân Long và đường 8, chỉ cần một trận lũ lớn là cả xã sẽ ngập chìm trong nước. Theo ông Cù Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã thì mong muốn được nâng cấp đê bao, hoàn thiện các hạng mục còn thiếu tính bền vững luôn là áp lực không nhỏ với xã Sơn Châu hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống hồ đập và kênh mương thủy lợi với quá trình sản xuất tại các vùng nông thôn, phần lớn các địa phương trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đều ưu tiên tập trung cho tiêu chí này. Đặc biệt, trong các xã cán đích của năm 2013, thủy lợi trở thành một trong những điểm nhấn, là sức bật để tập trung chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, trong lộ trình chung, đặc biệt, tại nhiều vùng sâu, vùng xa, đời sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, thủy lợi không chỉ là câu chuyện cần mà còn là chuyện khó khi chỉ tính đến nội lực sức dân. Vì vậy, theo ông Hải, vấn đề trước mắt là phải tập trung giải quyết những điều cần kíp cho vụ xuân này.

Trở lại câu chuyện ở xã Cẩm Minh, đến lúc này, sau một chặng đường dài phấn đấu, Cẩm Minh đã đạt được 8/19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, những cái đã hoàn thiện chủ yếu là điện, bưu điện, văn hóa, giáo dục... Còn những vấn đề thiết thực và cần một nguồn lực đầu tư lớn như quy hoạch, giao thông, thủy lợi, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo... đang có không ít khó khăn. Vì vậy, để nâng cao thu nhập và ổn định đời sống, người dân Cẩm Minh vẫn rất cần sự hỗ trợ, đầu tư từ những điều thiết thực nhất.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast