Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ

Đi qua một chặng đường dài, đồng tiền giấy đã trở thành nền tảng vật chất, là điều kiện quan trọng góp phần làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước đây và phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.

tien giay viet nam qua cac thoi ky

Một số mẫu Giấy bạc Tài chính (Giấy bạc Cụ Hồ).

tien giay viet nam qua cac thoi ky
tien giay viet nam qua cac thoi ky

Từ “Giấy bạc Cụ Hồ”...

Thời kỳ các triều đại phong kiến, hầu hết các triều Vua, Chúa nước ta đều phát hành tiền bằng nguyên liệu là đồng và kẽm. Riêng vua Hồ Quý Ly cho phát hành tiền giấy và chỉ tồn tại 4 năm từ 1400 đến 1405 sau đó lại trở về sử dụng tiền đồng, kẽm.

Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ trương phát hành tiền để khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế của Nhà nước cách mạng non trẻ. Đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy viên Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó được giao nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ việc in và phát hành Giấy bạc Việt Nam. Ngày 15/11/1945, cơ quan Ấn loát thuộc Bộ Tài chính được thành lập với nhiệm vụ sản xuất Giấy bạc Việt Nam để đưa ra lưu hành phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân ta.

Do điều kiện cách mạng mới thành công, Chính phủ lâm thời chưa sử dụng được nhà in cũ của người Pháp nên phải mượn máy in của nhà in Quốc Hoa (phố Hàng Bông) đưa xuống ấp Thái Hà (Đống Đa) in tiền giấy. Để tăng nhanh số lượng tiền phát hành, ta phải sử dụng thêm nhà in Nguyễn Ninh (phố Hàng Than), nhà in Việt Hưng (phố Cửa Nam) và nhà in Ngô Từ Hạ (phố Lý Quốc Sư). Sau đó, Bộ Tài chính quyết định điều đình để mua lại toàn bộ nhà in Taupin của một người chủ Pháp (phố Lê Duẩn) để dành riêng cho việc in tiền. Nhằm che mắt bọn phản cách mạng, nhà in được mang tên Việt Nam quốc gia Ấn thư cục.

Về mẫu giấy bạc, đích thân Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã cho mời một số họa sỹ nổi tiếng đương thời, chia ra làm nhiều nhóm. Nhóm của họa sỹ Mai Văn Hiển vẽ mẫu giấy bạc 5 đồng; nhóm họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung vẽ mẫu giấy bạc 10 đồng; nhóm họa sỹ Nguyễn Văn Khanh vẽ mẫu 20 đồng; nhóm kiến trúc sư Lương Văn Tuất và ông Đào Văn Trung - cán bộ cũ ở Sở Địa đồ chuyên vẽ diềm trang trí và kẻ chữ, họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ hình giữa mẫu giấy bạc 100 đồng. Các họa sĩ khác như Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Lê Phả,... đều tham gia vẽ mẫu.

Về hình thức, mặt trước Giấy bạc Việt Nam có quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán cùng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; mặt sau có ảnh về công, nông, binh và dòng chữ “Giấy bạc Việt Nam”. Giá trị giấy bạc được ghi bằng tiếng Việt, Miên, Lào; số dùng là Ả rập. Trên mỗi giấy bạc đều có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giám đốc Ngân hàng Trung ương.

Để đảm bảo cho giấy bạc ra đời được thuận lợi và đạt được thắng lợi ngay từ đầu, phải chọn một nơi phát hành thí điểm, rồi sau đó rút kinh nghiệm và cho phát triển dần ra nơi khác. Chính phủ đã chọn miền Nam Trung bộ là nơi phát hành đầu tiên. Giấy bạc Việt Nam thay thế đồng bạc Đông Dương với giá trị tương đương 1:1. Do tiền giấy xuất hiện đầu tiên in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh nên dân chúng thường gọi là "Giấy bạc Cụ Hồ". Một số người gọi là "Giấy bạc Tài chính" do tiền này Bộ Tài chính phát hành.

Ngày 31/1/1946, Chính phủ cho phép phát hành Giấy bạc Việt Nam tại các địa phương từ nam vĩ tuyến 16 trở vào mà nơi thí điểm đầu tiên là thị xã Quảng Ngãi. Sau đó, ở hầu khắp các tỉnh miền Nam Trung bộ, tờ Giấy bạc Việt Nam - biểu tượng cho nền độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia thiêng liêng được nhân dân chào đón và hoan nghênh nhiệt liệt. Ngày 13/8/1946, Chính phủ cho mở rộng và phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tại kỳ họp thứ Hai, tháng 11/1946, Quốc hội khoá I đã quyết định cho phát hành rộng rãi Giấy bạc Việt Nam trong toàn quốc. Đó là thắng lợi lịch sử chưa từng có của việc in và phát hành Giấy bạc Cụ Hồ, đánh dấu một bước phát triển cực kỳ quan trọng đối với nền tài chính của nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Giấy bạc Việt Nam đã có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc, trở thành một lợi khí sắc bén để đấu tranh có hiệu lực trên mặt trận kinh tế, tài chính, góp phần quyết định vào việc bảo đảm cung cấp cho nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến.

Sự ra đời của Giấy bạc Tài chính Việt Nam - tiền thân của giấy bạc ngân hàng Việt Nam ngày nay là một phương tiện đắc lực để chính quyền cách mạng non trẻ huy động được sức người, sức của ứng phó với muôn vàn khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, nó cũng khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính, độc lập dân tộc trong đó phải có độc lập về tài chính. Nước Việt Nam độc lập phải có đồng bạc Việt Nam độc lập.

tien giay viet nam qua cac thoi ky

Nhà in Taupin trên phố Lê Duẩn.

... Đến đồng Việt Nam

Ngày 6/5/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ phát hành giấy bạc, quản lý kho bạc, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với thực dân Pháp. Từ đó, tiền giấy do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành chính thức được đưa vào sử dụng cũng là lúc quá trình in và phát hành Giấy bạc Tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ kết thúc vai trò lịch sử.

1 đồng ngân hàng lúc này đổi được 10 đồng Tài chính (đồng Cụ Hồ) và gồm nhiều mệnh giá 1, 10, 20, 50, 100, 200, 500, 1.000, 5.000. Hình thức tiền ngân hàng khá giống với trước đây, chủ yếu chỉ thay đổi các bức hình in ở mặt sau cùng màu sắc ở mỗi mệnh giá tiền.

Thời kỳ từ 1954 đến 1975, nước ta bị phân chia thành hai miền Nam - Bắc, mỗi miền lại có một loại tiền riêng nhưng vẫn gọi chung là “tiền đồng”. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam đã xuất hiện nhiều tổ chức chuyên in tiền giả nên trên tờ bạc 200 còn ghi thêm dòng chữ răn đe "Hình phạt khổ sai những kẻ nào giả mạo giấy bạc do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành ra".

Sau giải phóng đất nước, 30/4/1975, tiền lưu hành ở miền Nam mất giá và được đổi tên thành tiền Giải phóng. Đến năm 1978, sau khi Nhà nước ổn định và thống nhất về tài chính, tiền Việt Nam tiếp tục thay đổi. Ở miền Bắc, 1 đồng Giải phóng đổi 1 đồng Thống nhất, ở miền Nam 1 đồng Giải phóng đổi 8 hào Thống nhất. Đồng thời, Nhà nước cũng phát hành thêm các loại tiền 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng.

Năm 1985, trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế và tình hình khan hiếm nghiêm trọng tiền mặt trong thanh toán, Nhà nước công bố đổi tiền theo tỉ lệ 10 đồng thống nhất đổi 1 đồng tiền mới phục vụ cho cuộc cách mạng về giá cả và lương. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã ban hành các loại tiền 10, 20, 50 đồng.

Các tờ tiền giấy cotton có mệnh giá 10.000 và 20.000 được in năm 1990. Tờ 50.000 được phát hành từ 15/10/1994, còn tờ 100.000 từ ngày 1/9/2000. Trong khi đó, tiền xu có một vài năm xuất hiện trên thị trường nhưng không phù hợp với phong cách tiêu tiền của người Việt Nam nên nhanh chóng bị xếp thành loại vật dụng lưu niệm.

Tiền polymer tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 2003, có giá trị lưu hành song song với các đồng tiền cũ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại. Bắt đầu từ ngày 1/9/2007, tiền giấy mệnh giá 50.000 và 100.000 hết giá trị lưu hành và từ ngày 1/1/2013, các loại tiền giấy mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng cũng ngừng lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay chỉ còn các tờ tiền giấy mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng (1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng) còn giá trị lưu hành tại Việt Nam.

Khi nền kinh tế có sự phân công lao động và trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tiền trở thành phương tiện không thể thiếu. Song hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, đồng tiền giấy Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình. Nếu sự ra đời của tiền giấy là chỗ dựa thành công của Cách mạng Việt Nam thì sự phát triển của đồng tiền này đến nay đã phát huy vai trò trung gian, thúc đẩy trao đổi, luân chuyển hàng hóa, từ đó giúp kinh tế đất nước phát triển tốt hơn.

Theo Báo Hải quan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast