Tiếng gọi của rừng

(Baohatinh.vn) - Như một lẽ tự nhiên, dưới tác động của cái nắng oi nồng, người ta dễ tìm về những cánh rừng để giãn khí thở, tiếp thêm những luồng gió mát đại ngàn. Rừng muôn thuở vẫn bao dung, xanh thủy chung đến kỳ lạ. Cái bao dung ấy đủ chở che cho những phận người, phận đời, xoa dịu bao nỗi niềm uẩn khúc để đưa về trạng thái bằng yên.

tieng goi cua rung

Phố núi Vũ Quang.

Hà Tĩnh dầu là mảnh đất hẹp nhưng hội tụ đủ yếu tố núi, sông, đồng, biển. Sự phong phú ấy đã làm cho con người nơi đây được trải nghiệm nhiều cảm xúc tuyệt vời cùng thiên nhiên, ngoại giới. Một điều kỳ lạ nữa là, với những biến động tự nhiên trong nhiều thiên niên kỷ, những yếu tố sông, biển lại thường kéo theo những ngọn núi tạo hình kỳ thú. Núi Hồng Lĩnh, núi Nam Giới, núi Cầm… là những địa chỉ vừa gợi mối quan hệ hài hòa sơn - thủy, vừa gọi mời những ai ưa khám phá huyền thoại, tìm hiểu nết đất, tình người tìm đến. Để đặt chân khám phá vẻ đẹp núi rừng Hà Tĩnh quả là chẳng khó khăn gì. Xen giữa những ngọn núi nổi danh trong vùng luôn có những khe suối tự nhiên, những cảnh sắc cỏ cây, rêu phong và đá cuội như khe Hau Hau tại núi Nam Giới (Thạch Hà), suối Tiên (TX Hồng Lĩnh)…

Tất nhiên, rừng và thác ở miền đất Hà Tĩnh tập trung nhiều ở phía Tây Nam. Miền rừng với các dãy núi chạy song song với biển tạo thành bộ đôi kết hợp hài hòa. Cùng với đó, những con sông chảy dốc theo hướng từ Tây sang Đông ra biển cả tạo thành những con đường mềm tựa lụa. Bởi thế, ngược dòng La, ta đã có thể đặt chân lên miền Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, ngắm những bờ xôi ruộng mật và sự điệp trùng của núi non. Đường đến những miệt rừng thật là thuận lợi. Ngoài đường sông, chúng ta có thể dọc QL 8A, QL 15, hay theo đường Hồ Chí Minh kết nối liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình và xa hơn nữa. Đôi khi, thật thú vị, chúng ta cũng dễ bắt gặp những đoàn tàu chuyển bánh qua những cánh rừng, mang theo những cảm xúc xa ngái.

Nói đến Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh là nói đến miền rừng. Cũng vì thế, toàn bộ khu vực này đã tạo thành vùng kinh tế phía Tây và Tây Nam của tỉnh. Vùng kinh tế nơi đây thuận lợi với nhiều tiềm năng phát triển nông – lâm nghiệp, trong đó có các loại cây đặc sản, giá trị kinh tế cao như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, quýt Rào Trổ, nhiều loại lâm sản quý như: trầm dó, song mây... Trên 80 km đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua, QL 8A nối sang Lào, Thái Lan và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cùng nhiều tuyến đường ngang tạo thành hệ thống giao thông thuận lợi cho phát triển KT-XH. Điểm nhấn của miệt rừng nơi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn từ lâu đã in vào sách sử, địa chí. Khi chúng tôi có mặt tại Vườn quốc gia Vũ Quang cũng là lúc đoàn nghiên cứu khoa học của Nhật Bản vừa bắt đầu vào rừng nghiên cứu một số loài bò sát, côn trùng. Những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng cho hay, trong rừng có sông Còn, thác Thang Đày là những địa điểm có thể thỏa sức vui thú. Về tương lai, khi công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đưa vào sử dụng, dự kiến đường tuần tra và du lịch trong rừng sẽ chủ yếu bằng xuồng. Đó cũng là một trải nghiệm hết sức thú vị.

Chúng tôi cũng từng có những trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến Khu du lịch sinh thái Sơn Kim thuộc xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn). Trải rộng trên diện tích 300 ha, hình thành trong khuôn viên của suối Nước Sốt, khu du lịch là tổng hòa cảnh quan tươi đẹp. Vào sâu trong khu du lịch khoảng 500m, chúng tôi bắt gặp thác Cá Nhảy với nhiều sự tích dân gian, những tảng đá tự nhiên mang hình dáng các con vật ở nhiều tư thế. Đặc biệt, dưới lòng đất là nguồn nước khoáng nóng phù hợp cho việc giải khát và chữa bệnh. Ngoài ra, qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, du khách sẽ có dịp sang thăm Lào và Thái Lan.

Đến với rừng, ngoài loại hình du lịch tự khám phá, du lịch thể thao và trải nghiệm những điều lý thú còn là dịp để chúng ta tham quan những di tích lịch sử để hướng về cội nguồn như: Khu Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn), căn cứ địa Phan Đình Phùng (Vũ Quang), quần thể di tích thành Sơn Phòng Hàm Nghi – miếu Trầm Lâm – đền Công Đồng, di tích Rộc Cồn, di tích đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, Trạm Tiền phương 559 (Hương Khê), đền Thánh Mẫu Thượng Ngàn (Thạch Hà), chùa Thiên Tượng, Đại Hùng (TX Hồng Lĩnh), núi Thiên Nhẫn (Đức Thọ)… gắn với các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như lễ rước sắc phong vua Hàm Nghi, lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Chứt, lễ chùa Nhiễu Long, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông - di sản văn hóa quốc gia v.v…

Rừng chứa trong nó bao điều bất tận và tựu trung là vẻ đẹp vĩnh hằng. Vẻ đẹp ấy nhắn gửi tới con người những hành động chung tay bảo vệ. Đến với rừng là đến với nơi trong lành, bổ ích cho tinh thần và sức khỏe, nhưng đồng thời, ở một ý nghĩa khác, đó cũng là lúc mỗi người nhận thức sâu sắc thêm giá trị của việc bảo vệ những gì thuộc về tự nhiên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast