Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Trong nhóm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mà tỉnh tập trung chỉ đạo để thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, giải pháp tín dụng được ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt và hiệu quả. Đẩy mạnh huy động vốn; điều chỉnh lãi suất các món vay cũ, giảm lãi vay mới; tăng cường tiếp xúc, tư vấn cho DN; tranh thủ các chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) giúp DN tiếp cận nguồn vốn rẻ... các tổ chức tín dụng (TCTD) đang nỗ lực tiếp sức cho đối tác của mình vượt qua chặng đường khó khăn trước mắt.

Nỗ lực điều chỉnh nợ cũ

“DN và ngân hàng là những đối tác cùng chung một “con thuyền”. DN khó khăn và đổ vỡ sẽ kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng. Bởi vậy, khi khách hàng của mình gặp khó, ngân hàng luôn tìm giải pháp giúp họ với tâm niệm chính là tự giúp mình”- Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Lực khẳng định.

Các ngân hàng tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Các ngân hàng tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Với một Ngân hàng thương mại (NHTM) có dư nợ cho vay DN chiếm tỷ trọng trên 80% tổng dư nợ Chi nhánh, Vietcombank đã đi đầu trong việc thực hiện điều chỉnh lãi suất món vay cũ và giảm lãi vay mới cho khách hàng. Từ ngày 13/5/2013, Vietcombank Hà Tĩnh đã điều chỉnh hạ lãi suất cho 100% các món nợ cũ xuống mức tối đa 13%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay mới liên tục được điều chỉnh giảm xuống, hiện cho vay SXKD chỉ còn từ 8-11,04%/năm.

Liên tục từ đầu năm đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần hạ trần lãi suất huy động và yêu cầu các TCTD đồng loạt giảm lãi cả huy động vốn và cho vay. Mặc dù mỗi đợt giảm lãi đối với các ngân hàng là một bài toán không dễ nhưng các TCTD trên địa bàn tỉnh ta đã cố gắng cân đối chi phí, giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cùng DN. Đặc biệt, trong lộ trình giảm lãi suất cho vay, các NHTM lớn (chiếm tỷ trọng chủ yếu về nguồn vốn và dư nợ) luôn đóng vai trò đầu tàu, từ đó đã tạo nên tác động sâu rộng lên mặt bằng lãi suất chung.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến ngày 13/5/2013, các TCTD đã điều chỉnh hạ lãi suất các món nợ cũ có lãi suất trên 15%/năm xuống mức tối đa 15%/năm cho 5.005 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh 294 tỷ đồng. Từ 14/5/2013 đến cuối tháng 8/2013, các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất các món dư nợ cũ có lãi suất trên 13%/năm về mức tối đa 13%/năm cho 75.397 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh 6.969 tỷ đồng, số lãi vay khách hàng được giảm là 36,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 5.197 khách hàng với dư nợ 1.604 tỷ đồng.

Hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến cho biết, với việc tăng cường hoạt động giải đáp, tư vấn, đối thoại với khách hàng, trong giai đoạn khó khăn, ngân hàng và DN đã có thêm sự cảm thông, chia sẻ để hỗ trợ nhau một cách hiệu quả hơn. Theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa Ngân hàng và DN được tổ chức thường xuyên hơn và sắp tới, ngành Ngân hàng sẽ triển khai chương trình phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để nắm bắt cụ thể, kịp thời những kiến nghị, đề xuất của cử tri liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ đó có sự giải đáp thấu đáo và điều chỉnh kịp thời.

Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngân hàng, nhiều DN đã được vay nguồn vốn rẻ để mở hướng đầu tư, từng bước thoát khỏi khó khăn
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngân hàng, nhiều DN đã được vay nguồn vốn rẻ để mở hướng đầu tư, từng bước thoát khỏi khó khăn

Trong đầu tư tín dụng cho DN, các NHTM đã tranh thủ các chính sách HTLS của Chính phủ và của tỉnh để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn rẻ. Đến cuối tháng 8/2013, dư nợ cho vay HTLS các loại tại các TCTD trên địa bàn đạt: 945,6 tỷ đồng, trong đó cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch (QĐ 63/TTg): 72,6 tỷ đồng, cho vay HTLS 4%/năm của UBND tỉnh (QĐ 03, 07 của UBND tỉnh); HTLS các tổ chức, cá nhân phát triển mô hình sản xuất (QĐ 26, 09 của UBND tỉnh) là 605,7 tỷ đồng… Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngân hàng, nhiều DN đã được vay nguồn vốn rẻ để mở hướng đầu tư, từng bước thoát khỏi khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc Công ty Chế biến thức ăn gia súc Thiên Lộc cho biết, trong thời điểm mặt bằng lãi suất còn cao, đơn vị đã được Vietcombank Hà Tĩnh hướng dẫn thủ tục để hưởng ưu đãi lãi suất 4%/năm. Với số tiền hỗ trợ trên 400 triệu đồng, DN đã giảm được chi phí đầu tư để tăng hiệu quả SXKD.

Dồn nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy phát triển SXKD, các TCTD luôn sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi nhất đối với DN nhỏ và vừa, nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ… Theo Vietinbank Hà Tĩnh, cả trong thời điểm lãi suất ngân hàng còn khá cao cho đến thời điểm hiện nay, Chi nhánh luôn dành sự ưu tiên cho các đối tượng sản xuất được ưu tiên theo chỉ đạo của tỉnh. Hiện nay, lãi suất dành cho nhóm đối tượng này chỉ còn 8,5-9,5%/năm. Báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, đến 31/8/2013, dư nợ theo nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn đạt 11.123 tỷ đồng, chiếm 58,09% tổng dư nợ, tăng 10,83% so với đầu năm.

Nghị quyết 02 của Chính phủ đang được ngành Ngân hàng tập trung thực hiện với sự điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và nỗ lực của các TCTD. Tuy nhiên, diễn biến nền kinh tế còn chưa nhiều tín hiệu khả quan cộng với những quy định về đầu tư tín dụng của ngân hàng vẫn khá chặt chẽ nên các chính sách hỗ trợ tín dụng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vì vậy, không chỉ DN đang gặp khó trong việc thúc đẩy SXKD mà cả ngân hàng - nhìn ở góc độ của một đối tượng DN hoạt động ở lĩnh vực tiền tệ - cũng chật vật trước bài toán tìm hướng đầu tư nguồn vốn hiệu quả để đẩy mạnh kinh doanh, cải thiện thực trạng doanh thu, lợi nhuận không mấy sáng sủa trong những năm gần đây.

Tháng 3/2013, UBND tỉnh triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

4 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí SXKD, tạo điều kiện cho DN hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; vốn tín dụng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Các nhóm giải pháp này đã được cụ thể hóa thành những nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các sở, ban, ngành chức năng nhằm tạo nên nguồn lực hỗ trợ tích cực, hiệu quả để giúp DN vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast