Tiếp tục khởi tố 3 đối tượng vụ phá rừng Sơn Hồng

Như Hà Tĩnh đã thông tin, quá trình điều tra vụ phá rừng tàn khốc nhất từ trước đến nay ở Hà Tĩnh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của 9 đối tượng liên quan, ra quyết định khởi tố đối với 2 “đầu nậu” gỗ lậu là Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Hữu Huân và 7 cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng biến chất. Tuy nhiên, các đối tượng trực tiếp “xuống tay” hạ sát rừng mới đây mới được Ban chuyên án làm rõ.

Thêm 3 đối tượng vụ phá rừng đầu nguồn Sơn Hồng bị khởi tố

Sau gần 6 tháng tích cực điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của 12 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng tàn khốc này
Sau gần 6 tháng tích cực điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của 12 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng tàn khốc này

Ngày 10/9/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định khởi tố đối với Nguyễn Tuấn Khánh (SN 1984), trú tại xóm 6, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn; Phạm Văn Vy (SN 1984), trú tại xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn và Nguyễn Trung Kiên (SN 1985) - cháu ruột của “đầu nậu” Nguyễn Thanh Bình về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” quy định tại điều 175- BLHS.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xác định 3 đối tượng trên đã tích cực nhận tiền từ Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Hữu Huân để vào rừng chặt gỗ. Theo đó, trong thời gian từ tháng 9/2010 đến tháng 4/2011, Nguyễn Tuấn Khánh đã nhiều lần tạm ứng tiền từ Nguyễn Thanh Bình, rồi cùng với một số đối tượng khác vào rừng khai thác gỗ về bán lại cho Bình. Số gỗ Khánh trực tiếp khai thác được gần 57m3.

Nguyễn Trung Kiên là cháu ruột của Nguyễn Thanh Bình, được Bình tin tưởng giao nhiệm vụ vào rừng nghiệm thu, đo đếm số lượng gỗ do các nhóm khai thác được, về bàn giao cho Bình. Riêng Phạm Văn Vy, là đối tượng trực tiếp khai thác trái phép gần 29m3 gỗ về bán cho Nguyễn Hữu Huân.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đều đã khai nhận biết việc khai thác rừng và nghiệm thu gỗ do khai thác trái phép mà có là phạm luật. Tất cả đều biết khu vực rừng Khe Sinh là khu vực rừng phòng hộ, không được khai thác gỗ, cho nên việc Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Hữu Huân cho tạm ứng tiền để vào rừng khai thác gỗ là bất hợp pháp, vì đây là khu rừng cấm, có biển báo cấm.

Riêng 2 “đầu nậu” gỗ lậu là Bình và Huân đã khai nhận tại CQĐT là để đưa được “quân” vào khai thác gỗ trái phép, đều phải “làm luật” với Phạm Anh Tuấn - nguyên Trưởng ban Quản lý bảo vệ xây dựng rừng Hồng Lĩnh.

Như vậy, đến nay, sau gần 6 tháng tích cực điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của 12 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng tàn khốc này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast