Triển khai đồng bộ, quyết liệt Dự án trọng điểm Formosa

Dự án trọng điểm quốc gia Khu liên hợp gang thép (công suất 15 triệu tấn /năm) và cảng Sơn Dương (60 triệu tấn /năm) do Tập đoàn FORMOSA (Đài Loan) triển khai tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) đang được nhà đầu tư và tỉnh Hà Tĩnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhất là công tác GPMB.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra thực địa khu TĐC Kỳ Phương

phục vụ dự án Nhà máy luyện thép và cảng Sơn Dương của tập đoàn Formosa. Ảnh: Đình Thông

Dự án FDI “khủng” nhất Việt Nam

Ngày 6-7-2008, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương (gọi tắt dự án FORMOSA) được khởi công giai đoạn 1, gồm: nhà máy liên hợp gang thép, công suất 7, 5 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương, công suất 30 triệu tấn hàng /năm với tổng số vốn đầu tư 8, 9 tỷ USD. Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt, tạo bước đột phá phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho tỉnh nghèo Hà Tĩnh, tạo đà cho các tỉnh Đông Bắc Trung bộ và các nước trong khu vực vươn ra biển.

Theo kế hoạch, sau khi nhận đủ mặt bằng sạch, chủ đầu tư sẽ tập trung xây dựng khu gang thép dự kiến 3 năm, cụm cầu cảng là 4 năm. Đây sẽ là một trong những liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam á, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và tham gia xuất khẩu các loại phôi thép, thép tấm cuộn cán nóng, thép thành phẩm, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động. Trong giai đoạn 2, FORMOSA sẽ đầu tư thêm hơn 8 tỷ USD để nâng công suất nhà máy luyện thép lên 15 triệu tấn /năm và công suất cảng lên 60 triệu tấn /năm, giải quyết việc làm khoảng 30.000 lao động. Điểm thuận lợi, nhà máy có thể sử dụng quặng mỏ sắt Thạch Khê để sản xuất. Mỏ sắt này có trữ lượng 540 triệu tấn và hàm lượng sắt trên 60% và chỉ cách KKT Vũng áng 64 km. Mỏ sắt Thạch Khê hiện đã bóc được 8 triệu m3 đất tầng phủ, và từ năm 2012 trở đi, mỏ này sẽ tiến hành khai thác công nghiệp. Ngoài ra, cảng Sơn Dương sẽ trở thành cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam khi tiếp nhận tàu 300.000 – 350.000 tấn vào làm hàng. Đây sẽ là điểm nhấn và trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa chẳng những phục vụ các tỉnh Bắc Trung Bộ mà còn cho nước bạn Lào, Đông bắc Thái Lan và Mianma.

FORMOSA còn tham gia phát triển điện năng, khi tận dụng nhiệt của luyện thép để xây dựng nhà máy nhiệt điện 1.650 MW. Thật đáng quý, trong lúc chúng ta đang chưa cân đối được nhu cầu sử dụng điện, phải tiến hành thiết giảm điện thì nguồn điện này không chỉ đủ cung cấp cho luyện thép, cho các dự án KKT Vũng áng mà còn hoà vào lưới điện quốc gia. Đồng thời, Tập đoàn FORMOSA cũng đang triển khai các bước để đầu tư nhà máy hoá lọc dầu, công suất 16 triệu tấn /năm với số vốn đầu tư khoảng 12, 5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng áng. Hiện Chính phủ, Bộ Công Thương đã chấp thuận chủ trương cho FORMOSA triển khai dự án này...

Đây là dự án cực lớn về nguồn vốn, nhân - vật lực, nên dễ gặp “tổn thương” khi gặp khủng hoảng kinh tế lớn của thế giới (như cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2009 vừa qua là một thí dụ), nhưng Tập đoàn FORMOSA không hề ngưng lại mà đang khẩn trương phối hợp với Hà Tĩnh triển khai các vấn đề liên quan; để khi nhận đủ mặt bằng sạch có thể xây dựng đồng loạt các công trình. Để triển khai dự án đúng tiến độ, thời gian qua, FORMOSA đang triển khai một số công trình phụ trợ như: tiến hành khoan thăm dò địa chất ở dưới biển, trên đất liền; làm tuyến đường thi công chính hướng Đông – Tây; san ủi tuyến sau (phía Tây) bến cảng; xây dựng công trình tổ hợp khu ký túc xá, văn phòng; quyên tặng hai ngôi trường tiểu học ở Kỳ Long, Kỳ Phương. Tiến hành chuyển giao kỹ thuật và bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tại Thyssenkrupp (Đức) và Nhà máy luyện thép (Đài Loan); đồng thời gửi hàng chục kỹ sư Việt Nam đi đào tạo thạc sỹ tại trường Đại học Cao Hùng (Đài Loan)... Mặt khác, FORMOSA đang tiến hành các bước dàn xếp vốn từ các ngân hàng quốc tế nổi tiếng đang có mặt ở Việt Nam, như Ngân hàng Hối Phong (HSBC Bank), Ngân hàng Hoa Kỳ (CITY Bank). Ngân hàng Pháp… Các thiết bị máy móc cho nhà máy luyện thép (Lò thêu kết, lò cao, luyện thép…), thiết bị bốc dỡ tại cảng đang được tập đoàn FORMOSA triển khai đàm phán và đặt mua của các hãng nổi tiếng nước ngoài. Theo báo cáo của FORMOSA Hà Tĩnh, tổng mức vốn đã đầu tư của FORMOSA tại Hà Tĩnh hiện nay là hàng trăm triệu USD. Mới đây, ngày 31.7.2010, đại diện lãnh đạo FORMOSA Hà Tĩnh Ngưu Tuấn Phát đã có công văn gửi Chính phủ tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng các công trình như đã cam kết…

FORMOSA đầu tư vào KKT Vũng áng đã tạo nên một làn sóng đầu tư vào Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung bộ - nơi được xem một trong những vùng nghèo khó nhất Việt Nam hiện nay. Chỉ tính riêng tại Hà Tĩnh, “hậu” FORMOSA có cả trăm dự án trong và nước ngoài đầu tư vào các Khu kinh tế Vũng áng và Cầu Treo với số vốn lên đến hơn chục tỷ USD, như: tổ hợp điện năng 3.600 MW; luyện thép 4 triệu tấn /năm (do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cùng các tập đoàn, tổng công ty liên doanh đầu tư); Tổng kho xăng dầu, khí ga; khu du lịch - dịch vụ 5 sao (Hàn Quốc đầu tư), một số khu đô thị, thương mại đang triển khai thi công… Huyện nghèo nhất nước Kỳ Anh - nơi được mệnh danh vùng đất “chết” do bom đạn và thiên tai… đang hình thành khu kinh tế trọng điểm và khu đô thị hoành tránh trong tương lai gần.

Kỷ lục về tiến độ GPMB

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Dự án FDI lớn nhất Việt Nam này có triển khai thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (gọi tắt GPMB) nên Hà Tĩnh phải tập trung mọi nguồn lực, dồn sức cho công tác đầy khó khăn và phúc tạp này. Người dân đến các khu tái định cư mới phải đảm bảo an sinh xã hội, sớm ổn định cuộc sống và dần tốt đẹp hơn nơi ở cũ”. Chính vì thế, ngày 20.10.2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Dự án về công tác GPMB Dự án trọng điểm quốc gia Formosa tại Khu kinh tế Vũng áng với quy mô 3.321 ha thuộc địa bàn 5 xã, gồm: Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi và các xã có địa điểm quy hoạch tái định cư thuộc huyện Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 3.750 tỷ đồng cùng với sự di dời tái định cư cho 2.350 hộ dân và hàng vạn hộ ảnh hưởng đất đai, mồ mả, nhà thờ… Đây được xem là dự án di dời, tái định cư lớn nhất Hà Tĩnh trong thời gian qua, nhưng lại có tốc độ GPMB nhanh kỷ lục. Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực, huy động được sức mạnh tổng hợp của cấp, uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị dồn sức cho công tác GPMB. Và chưa đầy hai năm triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành. Tính đến ngày 31-7-2010, có 100% số hộ đã nhận đất tại nơi tái định cư; hiện các hộ vừa làm nhà, vừa tổ chức di dời đến các khu tái định cư. Các khu nghĩa trang được xây mới một cách đàng hoàng và đã di dời trên 6.200 ngôi mộ. Các nhà thờ họ, đạo thiên chúa được xây dựng khang trang ở nơi ở mới… Hà Tĩnh cũng đã bàn giao cho nhà đầu tư 2.995 ha /3.321 ha, số diện tích còn lại sẽ được tỉnh bàn giao dứt điểm trong tháng 8 năm 2010.

Có thể điểm qua những việc làm đi đến thành công trong công tác GPMB của Hà Tĩnh. Thường trực Tỉnh ủy đưa nội dung GPMB vào giải quyết tại các cuộc giao ban tuần. Định kỳ 2 tuần một lần, lãnh đạo UBND tỉnh mà trực tiếp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) chủ trì tổ chức giao ban với các lực lượng của tỉnh, huyện, các xã, thôn, các cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ công tác GPMB để rút kinh nghiệm, giải quyết các vấn đề phát sinh, ban hành thông báo kết luận chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Quy trình thực hiện GPMB được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến từng hộ dân. Nhờ có cách làm dân chủ, công khai, minh bạch nên việc di dời 2.300 hộ dân trong vùng dự án hết sức vất vả nhưng chưa có trường hợp nào phải áp dụng hình thức cưỡng chế...

Có nhiều ngôi nhà mới đẹp và khang trang mọc lên ở các khu tái định của Dự án Formosa

Ảnh: Đình Thông

Kế đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Hà Tĩnh đã vận dụng các điều kiện tốt nhất cơ chế chính sách trong bồi thường, hỗ trợ để cho người dân di dời được hưởng, cùng các chính sách an sinh xã hội như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi vào thăm và làm việc tại Hà Tĩnh ngày 3 đến 4-7 vừa qua.

Mặc dầu việc đền bù GPMB ví như việc dời non lấp biển nhưng đây cũng là cơ hội để Hà Tĩnh xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại các khu tái định đảm bảo và hướng trở thành các điểm đô thị trong tương lai. Các khu tái định cư được Tập đoàn Xuân Thành dồn sức thi công 3 ca liên tục trong điều kiện thời tiết ở Kỳ Anh “chảo lửa, túi mưa” hết sức khốc liệt. Đến nay, các hạng mục như san nền, làm đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, xây hạ tầng kỹ thuật cho các xã, các khu tái định cư, khu nghĩa trang đã được tập đoàn Xuân Thành hoàn thành từ 70-90% khối lượng công việc với chất lượng cơ bản được đảm bảo.

Trò chuyện với chúng tôi tại ngày hội di dời, bà Lê Thị Nguyên ở thôn Quyết Tiến, xã Kỳ Phương tâm sự: năm nay bà đã 70 tuổi, chồng mất sớm, bà đã nuôi 4 con trưởng thành, hiện nay bà ở một mình. Bà được đền bù 250 triệu đồng. Sau khi nhận tiền đền bù, ngoài tiền cho con cháu một ít, bà dành để xây nhà mới ở khu TĐC và tiết kiệm dưỡng già. Hộ ông Đoàn Văn Luận ở xóm Thắng Lợi nhận được 280 triệu đồng tiền đền bù, cũng như các gia đình khác, ông đã gửi tiết kiệm ngay toàn bộ số tiền đó. Sau 3 tháng, ông đã có hơn 3 triệu đồng tiền lãi. Khi được hỏi vì động cơ gì mà gia đình ông tiên phong nhận tiền đền bù? Ông khẳng định: “Chắc chắn Đảng và Chính phủ không bao giờ lại để dân đói khổ, bơ vơ. Muốn đổi đời thì phải chịu gian khổ, khó khăn và thậm chí thiệt thòi một ít nhưng chắc chắn tương lai con cháu sẽ sung sướng bền vững hơn”. Từ những suy nghĩ như vậy nên đã tạo cho ông và vợ con một niềm tin mãnh liệt vào chủ trương di dời nhường mặt bằng cho dự án. Niền tin của vợ chồng ông Luận cũng nhiều gia đình khác mà chúng tôi được gặp gỡ, tâm sự…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự: Trong những ngày mới đến các khu TĐC đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả; đặc biệt đối với các gia đình nghèo khó và không giỏi tính toán làm ăn trước đây. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh ổn định đời sống cho người dân, tỉnh sẽ quyết liệt tập trung vào Đề án giải quyết việc làm, đặc biệt ưu tiên cho người dân ở các vùng nhường đất cho dự án, như đào tạo nghề cho thanh niên, ưu tiên nhận vào các dự án trong khu kinh tế, trung niên làm dịch vụ, tham gia xây dựng nhà cửa, công trình. Ưu tiên phát triển các dự án trồng rau sạch, kết hợp chăn nuôi ở Hồ Tàu Voi, các tổ dịch vụ cơ khí, xây dựng để thu hút nhiều lao động nông dân vào làm việc… Nếu giải quyết được vấn đề cốt lõi việc làm, an sinh xã hội cho người dân ở vùng tái định cư, Hà Tĩnh sẽ phát triển bền vững trên con đường CNH -HĐH quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast