Tỷ giá USD “nóng” - kẻ mừng, người lo

(Baohatinh.vn) - Trong suốt 1 tuần qua, tỷ giá đồng đô la chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, kéo theo sự sôi động của thị trường, tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Hà Tĩnh…

Tỷ giá USD “nóng” - kẻ mừng, người lo

Tỷ giá USD niêm yết của Vietcombank vào sáng 26/6 đã tăng 20 đồng so với ngày hôm qua

Vào đầu giờ sáng nay (26/6), giá USD tại Vietcombank được niêm yết mua vào là 22.850 VND/USD, bán ra ở mức 22.920 VND/USD. Mức giá này biến động tăng cả hai chiều mua vào và bán ra so với sáng 25/6 khoảng 20 đồng/USD.

Kể từ đầu năm, tỷ giá liên tục đi lên, tăng 150 đồng, từ mức 22.700 VND. Ở phiên giao dịch sáng 26/6, Vietinbank cũng niêm yết giá ở mức 22.840 - 22.910 VND/USD. Nằm trong biến động chung, tỷ giá đô la Mỹ ở các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng niêm yết theo chiều tăng.

Lý giải cho việc tăng giá mạnh đồng đô la Mỹ trong thời gian qua là do phản ứng từ thị trường, nhất là động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã khiến nhiều đồng tiền khác trên thị trường “rớt” giá.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Dịch vụ - Khách hàng Vietcombank Hà Tĩnh cho hay: “Ở Hà Tĩnh, chi nhánh chúng tôi có "thị phần" giao dịch ngoại tệ khá lớn. Tính đến hết tháng 5/2018, doanh số giao dịch ngoại tệ đạt 134 triệu USD, trong đó chủ yếu là đô la Mỹ. Việc tăng tỷ giá USD đã làm cho tình hình giao dịch ngoại tệ ở Hà Tĩnh sôi động hơn hẳn”.

Tuy nhiên, theo bà Hà, diễn biến của đồng đô la Mỹ không có nhiều biến động đối với giao dịch nhỏ (cá nhân). Chủ yếu khách hàng chỉ tới ngân hàng rút đô la và bán cho thị trường tự do là chính.

Tỷ giá USD “nóng” - kẻ mừng, người lo

Tỷ giá tăng đang tác động trực tiếp đến sản xuất

Ghi nhận từ thị trường tự do, vào phiên giao dịch cuối ngày 25/6, tỷ giá đô la mua vào “ngấp nghé” vượt 23.000 VND/USD. Mặc dù không được niêm yết giá công khai nhưng các giao dịch mua bán ngoại tệ (chủ yếu là USD Mỹ) vẫn diễn ra khá công khai khi khách hàng có nhu cầu. Gần như ở tất cả các cơ sở kinh doanh vàng, bạc hiện nay đều tồn tại một “chợ đen” trao đổi ngoại tệ. Với nhiều khách hàng, việc bán ra ở thị trường tự do không chỉ lợi hơn ngân hàng mà các thủ tục cũng nhanh chóng, không mất bất cứ loại phí nào.

Bà Nguyễn Thị Xuân - Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Phương Xuân cho biết: “Trong biến động thị trường tài chính như hiện nay, nhiều người vẫn muốn giữ lại đồng USD hơn là bán ra. Công ty là đại lý chi trả ngoại tệ từ dịch vụ Western Union của VP Bank, mỗi tháng đại lý chi trả khoảng 50 - 60 nghìn USD, chủ yếu là thị trường xuất khẩu lao động”.

Việc dô la Mỹ “leo thang” cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi những doanh nghiệp xuất khẩu “cười tươi” với thế xoay của thị trường thì không ít doanh nghiệp nhập khẩu lại “méo mặt” vì trượt giá VND đồng khi quy đổi sang USD.

Tỷ giá USD “nóng” - kẻ mừng, người lo

Công ty CP May Hà Tĩnh "được lợi" khi đồng bạc xanh tăng giá

Theo ông Bùi Tất Thắng - Giám đốc Công ty CP May Hà Tĩnh: “Công ty là đơn vị gia công - xuất khẩu, 95% nguyên vật liệu được khách hàng cung cấp và xuất khẩu 100% cho đối tác Nhật Bản. Các giao dịch đều được trả bằng USD Mỹ qua ngân hàng, như vậy đô la càng tăng thì khi quy đổi ra VND, chúng tôi càng có lợi”. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 700 nghìn USD, việc tỷ giá tăng sẽ có cơ hội khuyến khích công ty này đẩy mạnh hơn chiến lược xuất khẩu, tạo ra sự ổn định kinh tế cho đơn vị.

Tỷ giá USD “nóng” - kẻ mừng, người lo

Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu như Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh lại lo lắng vì chênh lệnh tỷ giá. Ảnh P.V

Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu như Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh lại phải chịu tác động mạnh khi chịu chênh lệch tỷ giá. Tỷ giá càng tăng cao thì lợi nhuận sẽ giảm xuống vì doanh nghiệp phải dùng tiền Việt mua USD.

Nhiều người lo lắng, tầm ảnh hưởng của "đồng bạc xanh" này sẽ làm xáo động thị trường trong nước, trong đó, giá vốn, các chi phí đầu vào theo đó tăng. Và, người chịu thiệt không ai khác chính là người tiêu dùng. Song, theo các chuyên gia, quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn khá ổn định. Hơn nữa, thông tin từ dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước ở mức cao sẽ giúp tăng khả năng chống đỡ các tác động tỷ giá từ bên ngoài.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast