Vận tải thủy nội địa - giải pháp hiệu quả

(Baohatinh.vn) - Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nếu giá thành luân chuyển hàng hóa bằng ô tô là 3.800 đồng/tấn/km thì vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển sẽ chỉ là 422 đồng/tấn/km; mỗi tấn/km luân chuyển bằng đường ô tô sẽ thải ra môi trường khoảng 110 gam CO2 thì đường thủy chỉ là 70 gam. Đó là những con số biết nói về hiệu quả kinh tế và mức độ ô nhiễm môi trường khi so sánh hai phương thức vận tải này.

Ngoài ra, vận tải thủy nội địa còn đem lại hiệu quả khác về an toàn giao thông, giảm tải đường bộ, kinh phí đầu tư đường sá, thu hồi vốn đầu tư phương tiện, tiết kiệm sức lao động… Con số trên cũng tính theo mức trung bình của nhiều loại hàng khác nhau, riêng hàng xăng dầu, quặng, than, xi măng, cát, đá, gỗ keo, container…, hiệu quả càng cao hơn.

Cảng Vũng Áng (Ảnh: Sỹ Ngọ)
Cảng Vũng Áng (Ảnh: Sỹ Ngọ)

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa ven biển từ các cảng đường thủy nội địa thuộc Bắc bộ đến Hà Tĩnh và ngược lại đang tăng đột biến, nhất là sau khi Bộ GTVT thắt chặt kiểm soát ô tô chở hàng quá tải trọng cho phép. Kết quả thống kê đầu tháng 5/2014 cho thấy, mỗi tháng, nhu cầu vận tải khoảng 45.000 tấn với các mặt hàng chủ yếu là: xăng dầu, sắt thép, xi măng, cát đá, đất sét, quặng mangan… Nếu vận chuyển bằng tàu loại trọng tải 1.000 tấn thì chỉ cần dùng khoảng 45 phương tiện với khoảng dưới 300 lượt người vận hành, nhưng nếu vận chuyển bằng ô tô loại 30 tấn thì ít nhất phải dùng đến 1.500 xe và cần ít nhất 3.000 lượt người vận hành.

Dù chiếm ưu thế vượt trội nhưng vận tải thủy nội địa đang đối mặt với nhiều khó khăn chưa dễ vượt qua. Trước hết, về địa hình, các tuyến sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh chỉ chảy theo hướng Tây sang Đông, không tạo thành mạng lưới và không liên thông với nhau để các tàu thủy có thể chạy theo hướng Bắc - Nam. Trong khi đó, các mỏ quặng và các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu đều nằm sâu trong nội địa, nơi không có điều kiện nạo vét để tàu biển có thể vào nhận hàng, chỉ có thể đưa tàu sông vào sâu trong nội địa để vận chuyển hàng hóa.

Về cơ chế, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của một số công ước quốc tế về hàng hải, đội tàu pha sông biển (tàu VRSB) không còn được hoạt động như trước vì lúc này trở thành tàu ngoài công ước (non - convention vessel); các tàu sông cấp 1 (VRS1) lại càng không được chạy ra biển do không đủ điều kiện về an toàn hàng hải và các yêu cầu khác có liên quan. Bất cập này càng thể hiện rõ hơn khi chủ trương thắt chặt kiểm soát tải trọng ô tô dẫn đến cước vận tải đường bộ tăng lên, khối lượng hàng vận chuyển giảm xuống. Vì thế, tại các nhà máy, hàng hóa bị ứ đọng, nguyên nhiên vật liệu thiếu, tàu biển không thể tiếp cận các nhà máy để nhận hàng trong khi tàu sông có thể vào tận nhà máy nhận hàng thì lại không được chạy ven biển để đưa hàng hóa vào miền Trung, ra miền Bắc.

Từ thực tế trên, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh chủ động đề xuất với Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, kiến nghị Bộ GTVT phương án thí điểm cho phép phương tiện thủy VRS1 hoạt động trên tuyến vận tải ven biển tuyến từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh - Trương Minh Tuấn cho biết, ngày 19/5/2014, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có ý kiến chỉ đạo việc khảo sát các doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp vận tải, thống nhất thực hiện phương án thí điểm nói trên.

Khi cơ chế được khơi thông, các dòng sông được khơi thông, hệ thống luồng có phao báo hiệu, bến cảng khang trang, hiện đại, vận tải ven biển và vận tải thủy nội địa sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển KT-XH nói chung, cho cảng Vũng Áng, Xuân Hải nói riêng. Đây cũng là nhân tố mang lại hiệu quả đặc biệt trong hệ thống logistics trên địa bàn Hà Tĩnh.

Sau cảng nước sâu như cảng Vũng Áng cần có các phương thức vận tải hiệu quả gom hàng về cảng để xếp lên tàu biển đi ra thế giới, đồng thời vận chuyển hàng hóa từ cảng biển đi sâu vào nội địa.

Địa bàn Hà Tĩnh có sông Lam, La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Nghèn, Rào Cái, sông Quyền, sông Kinh và các kênh rạch có thể vận chuyển, lan tỏa hàng hóa vào sâu trong nội địa qua cảng Hộ Độ và các bến cấp huyện tại Xuân Lam, Linh Cảm, bến Nghèn, bến Cày.

(Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast