Vũng Áng xuân này…

Như một sự hẹn hò không đính ước, mỗi độ xuân về, cánh báo chí chúng tôi lại kéo nhau vào Kỳ Anh, xuống Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Bởi nơi đây - một KKT lớn ra đời và đang góp phần quyết định đưa nền kinh tế của Hà Tĩnh vĩnh viễn vào xuân!

Linh thiêng và đắc địa

Những ngày đầu năm, trong lắc rắc mưa xuân, khi cái lạnh chớm se sắt, mơn man thịt da, ngắm nhìn hình khe, thế núi, biển - trời Hoành Sơn mới cảm nhận hết vẻ đẹp trong bài thơ của vua Thiệu Trị khắc trên bia đá dựng tại Đèo Ngang ngày 11/2/1842:

Nhất đái niêm hoành hạn tải sơn

Uyển liên khởi phục hải tân gian…

(Hoành Sơn một dải núi ngăn đôi

Uốn lượn nhấp nhô cạnh biển khơi…)

Cảng Vũng Áng những ngày vào xuân. Ảnh: Sỹ Ngọ
Cảng Vũng Áng những ngày vào xuân. Ảnh: Sỹ Ngọ

Chợt nhớ, trong cuốn “Góp nhặt gần xa” của anh Nguyễn Ký - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, người con của đất Kỳ Anh, có đoạn viết: Năm 1994, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chấp nhận đề nghị của Hà Tĩnh cho tiến hành nghiên cứu cảng Vũng Áng, bao gồm cả khu vực Sơn Dương, tỉnh đã mời Tập đoàn DAJCA Nhật Bản cùng Viện Quy hoạch vận tải biển - Bộ GTVT vào khảo sát. Đoàn đã kết luận: ít nơi nào có được vùng nước sâu và vịnh đẹp như ở đây. Cảng Vũng Áng có địa hình tuyệt đẹp. Đồi Vòng Cung (Eo Rồng) phía sau thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi) sẽ là khu dân cư và hậu cần cảng rất lý tưởng sau khi có cảng thương mại Vũng Áng và thành phố công nghiệp. Vị trí đắc địa ở đây còn là nơi danh lam kỳ thú, nơi có Hoành Sơn Quan (cổng trời) phân chia 2 tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, có tường thành, lũy đá ghi dấu tích trận mạc thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, nơi Bà Huyện Thanh Quan đi qua và để lại áng thơ bất hủ: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà…”.

Người hướng dẫn chúng tôi đi xem một vòng trong bao la, tấp nập của KKT Vũng Áng là anh Phan Bình Minh. Vốn là người địa phương, lại nhiều năm làm lãnh đạo huyện và nay là Phó trưởng BQL KKT Hà Tĩnh, anh Minh hiểu rất kỹ mảnh đất này. Anh nói, nơi đây đất liền và biển được gắn kết lại thành một vùng chiến lược. Có cảng biển nước sâu được che chắn một phần của đảo Sơn Dương, nơi mà tàu hàng chục vạn tấn có thể ra vào thuận lợi, với hàng ngàn ha đất từ bờ biển đến chân Hoành Sơn, từ Đèo Ngang đến xã Kỳ Trinh là mặt bằng lý tưởng cho việc hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cho cảng. Nó còn là điểm gần nhất với tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), lại được nối liền với đường 12, tiếp giáp với cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), sẽ trở thành một vị trí hết sức lợi hại khi liên kết biển Đông với miền Tây của Tổ quốc, với nước bạn Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Một trong 5 KKT trọng điểm cả nước

Mới tròn 63 tháng kể từ ngày làm lễ động thổ Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương mà nay ở đây mọi sự đã hoàn toàn đổi khác. Cả KKT Vũng Áng rộng tới gần 22 ngàn ha đang rùng rùng chuyển động, tấp nập, ồn ã như một đại công trường. 305 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đã có 86 doanh nghiệp có dự án đầu tư, gồm 48 dự án trong nước và 38 dự án ngoài nước với tổng mức đầu tư 16 tỷ USD.

Dưới màn mưa bụi, hàng ngàn xe, máy, hàng vạn công nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của các “siêu” dự án: khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I của Tập đoàn Dầu khí; hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng của Hoành Sơn Group… đang hối hả chạy đua với thời gian.

Trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện I, kỹ sư Thân Văn Lập với chiếc mũ bảo hiểm màu vàng nổi bật giữa đám công nhân, trao đổi với chúng tôi: Tuy thời tiết không thuận, song cả công trường quyết tâm bám trụ ngày đêm kể cả những ngày nghỉ, để thực hiện bằng được lộ trình phát điện thương mại vào quý I/2014. Anh cho biết thêm, đến nay, công tác bồi thường, GPMB dự án đã hoàn thành. Công việc thiết kế mua sắm thiết bị hầu như xong xuôi; thi công xây lắp cũng đã đạt 90,85% khối lượng công việc.

Trong ầm ào của những cơn sóng biển xô bờ trắng xóa, các đội quân của những tập đoàn kinh tế lớn Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ… đang khẩn trương thi công hạ tầng kỹ thuật dự án cảng nước sâu Sơn Dương. Kỹ sư kiêm phiên dịch - Chỉ huy công trường của nhà thầu Sam Sung (Hàn Quốc), Trần Văn Khởi đang đôn đốc mọi người hoàn tất những công việc cuối của phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật cùng các công trình phụ trợ, để nay mai bàn giao cho bộ phận xây dựng nhà xưởng.

Qua lời giới thiệu của anh Minh, chúng tôi được biết, trong số các dự án đang triển khai tại KKT Vũng Áng thì dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA là tầm cỡ nhất. Bởi giai đoạn I đã có công suất 7,07 triệu tấn/năm với vốn đầu tư 10 tỷ USD. Giai đoạn 2 nâng công suất lên 22,5 triệu tấn/năm và vốn đầu tư sẽ lên tới 28 tỷ USD. Theo kế hoạch, từ 2015, lò cao số 1 với công suất 3,75 triệu tấn/năm cho ra mẻ thép đầu tiên. Và năm 2017, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ giai đoạn I+1.

Với 3.300 ha (trong đó có 1.300 ha mặt biển), khu vực đại dự án của Tập đoàn FORMOSA giống như một thành phố đang xây dựng dang dở. Gần 7.000 chuyên gia, cán bộ và công nhân, trong đó có đến 1.000 người Đài Loan với cơ man xe cộ, máy móc thiết bị xây lắp trải dài trên 2.000 ha đang lao động miệt mài như đàn kiến thợ. Ông Từ Chí Hào - Tổ trưởng Ngoại giao FORMOSA Hà Tĩnh và các cộng sự cho biết, so với các dự án trong nước và quốc tế mà Tập đoàn đã đầu tư từ trước tới nay thì dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương là lớn nhất. Theo ông, dự án gần với thị trường ASEAN đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu, so với các nhà máy thép Đông Á, nó có lợi hơn về khoảng cách vận chuyển, có thể cung cấp các sản phẩm gang thép chất lượng cao một cách ổn định, lâu dài cho thị trường ASEAN. Chiều sâu các bến tàu đạt 21m, có thể cập cảng tàu cỡ 300 ngàn tấn mà giá thành vận chuyển thấp hơn các nước trong khu vực. Cảng giai đoạn I sẽ được quy hoạch 11 bến tàu, là cảng tầm cỡ quốc tế với 926,53 ha. Nhà máy thép Hưng Nghiệp

FORMOSA Hà Tĩnh sử dụng thiết bị lớn, quy trình sản xuất tự động hóa tiên tiến, giảm lượng lớn giá thành sản xuất. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn sẽ trở thành nhà máy thép quy mô lớn nhất trong hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Quả là một công trình thế kỷ! Chỉ riêng khu sinh hoạt và hành chính của dự án đã ngốn hết mấy trăm triệu USD. Từ xa trông vào khu ký túc xá chẳng khác gì một thị trấn. Hàng loạt tòa cao ốc 5 tầng đến 11 tầng bề thế, hiện đại, khoe màu xanh dịu mát trong nắng xuân. Theo thiết kế giai đoạn I, 13 tòa nhà này sẽ phục vụ 9.000 chuyên gia, công nhân ở và làm việc, đồng thời đảm bảo một lượng khách lưu trú, ăn uống lên tới gần 12.000 người.

Gặp được ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng BQL KKT Hà Tĩnh quả không dễ. Bởi quản lý một KKT lớn, tầm cỡ quốc gia lại đang ở thời kỳ sôi động nhất nhì nước, ông và cả guồng máy của Ban quay tít như đèn cù suốt cả ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Theo ông Tuấn, sự phát triển của KKT Vũng Áng những năm gần đây đã góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh. Tuy đang thời kỳ xây dựng là chủ yếu, song, tổng mức thuế nội địa đóng góp trên địa bàn năm 2013 dự kiến đạt khoảng 2.200-2.400 tỷ đồng. Năm 2013, tính cả thuế xuất nhập khẩu đạt khoảng 3.200-3.500 tỷ đồng, cao hơn 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh.

Tương lai không xa, KKT Vũng Áng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam với 3 cái nhất: luyện thép lớn nhất; nhiệt điện lớn nhất; cụm cảng lớn nhất và sâu nhất. Và chắc chắn khoảng dăm, bảy năm nữa, khi các dự án lớn ở đây đi vào sản xuất, KKT Vũng Áng sẽ đóng góp cho Hà Tĩnh một nguồn thu khổng lồ, có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm!

Đúng là KKT Vũng Áng đang làm nên tên tuổi, thương hiệu cho Hà Tĩnh. Một vùng “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, nghèo nhất tỉnh xưa nay đang trở thành một địa chỉ đỏ về thu hút đầu tư của cả nước. Vũng Áng - Sơn Dương - FORMOSA đang từng ngày, từng giờ biến lời căn dặn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi lễ động thổ khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương thành hiện thực. “Một vị trí đắc địa và có thể nói là rất hiếm hoi” mà đất nước đã giao cho những người quản lý và các chủ dự án đang được phát huy tác dụng. Và họ đã góp phần làm nên những kỳ tích về kinh tế trong thời buổi hội nhập, mở cửa!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast