Xây dựng thành phố Hà Tĩnh hiện đại - truyền thống - thân thiện

(Baohatinh.vn) - Với vai trò trung tâm tỉnh lỵ, thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tuy nhiên, kiến trúc đô thị thành phố cũng đang tồn tại nhiều bất cập, kịp thời giải quyết, nhất là lĩnh vực lập quy hoạch xây dựng đô thị hiện đại, truyền thống, thân thiện với môi trường...

Đường Xô-Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Sỹ Ngọ
Đường Xô-Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Sỹ Ngọ

Năm Tân Mão (1831) Minh Mệnh thứ 12, triều đình nhà Nguyễn chủ trương bỏ trấn, lập tỉnh, cắt 2 phủ Đức Thọ và Hà Hoa của trấn Nghệ An lập tỉnh mới Hà Tĩnh. Tỉnh lỵ đặt trên đất xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà. Từ tháng 1 đến tháng 6/1833 (Quý Tỵ) hoàn tất xây thành Hà Tĩnh. Thành đắp bằng đất, hình vuông một mặt dài 140 trượng, 1 trượng bằng 4m, có 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu. Trong thời gian bỏ tỉnh, lập đạo (1853-1874), đạo thành đóng tại huyện lỵ Thạch Hà ở xã Đại Nài.

Năm 1875, lập lại tỉnh, tỉnh lỵ lại dời về Trung Tiết. Năm Nhâm Ngọ (1882), thành được xây bằng gạch, đá ong theo kiểu vô-băng (Vaubon) với chu vi 336 trượng 5 thước (1 thước bằng 0,4m) 6 tấc, cao 8 thước, chung quanh có hào rộng 5 trượng, sâu 4 thước với 4 cửa. Tỉnh thành chỉ là nơi đặt các cơ quan cai trị (dinh tuần phủ, bố chánh, án sát, lĩnh binh, trại lính cơ, tòa hành cung…). Một số bộ phận bảo vệ, giữ ANTT đặt xung quanh thành.

Tháng Giêng năm Bính Tuất (1886), Pháp đưa quân từ Hà Nội vào chiếm thành Hà Tĩnh. Năm 1898, Pháp bắt đầu xây dựng tỉnh lỵ Hà Tĩnh thành một trung tâm để đủ điều kiện phục vụ chính quyền bảo hộ.

Trải dài theo năm tháng chiến tranh, sau khi thống nhất đất nước, bất cập nảy sinh trên bình diện toàn quốc là quy hoạch xây dựng đô thị. Đúng thời điểm này (1976), Hà Tĩnh và Nghệ An nhập lại thành tỉnh Nghệ - Tĩnh. Trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ - Tĩnh được đặt tại TP Vinh. Tất cả nguồn lực tuy còn ít ỏi nhưng tập trung cho đầu tư xây dựng tỉnh lỵ. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị xã và nhân dân, năm 1981, tỉnh Nghệ Tĩnh đã cho lập quy hoạch xây dựng TX Hà Tĩnh trên quy mô diện tích cũ, thành lập 2 phường Bắc Hà, Nam Hà trên cơ sở 2 tiểu khu.

Ngày 16/9/1989, cắt 6 xã của huyện Thạch Hà nhập vào TX Hà Tĩnh là Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Quý, Thạch Phú, Thạch Yên và Đại Nài. TX Hà Tĩnh có 2 phường, 6 xã với diện tích 31 km2, dân số 55.923 người, đồng thời lập quy hoạch chung xây dựng TX Hà Tĩnh làm cơ sở pháp lý để quản lý, triển khai quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng. Đây cũng là hồ sơ quy hoạch áp dụng cho cả thời gian đầu sau khi tái lập tỉnh (tháng 10/1991).

Năm 2002, UBND thị xã Hà Tĩnh cho triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu đô thị Bắc Hà Tĩnh (đường Xô-viết Nghệ Tĩnh), để đầu tư xây dựng kỹ thuật hạ tầng và các công trình công cộng, dân dụng đáp ứng yêu cầu phát triển.

Năm 2004, TX Hà Tĩnh nhập thêm các xã Thạch Bình, Thạch Hưng, Thạch Đồng, Thạch Môn, Thạch Hạ, đồng thời lập quy hoạch chung điều chỉnh TX Hà Tĩnh và vùng phụ cận, nâng đô thị loại IV lên loại III, trở thành TP Hà Tĩnh ngày 28/5/2007 với diện tích 36,32 km2, 117.546 người, có 10 phường, 6 xã.

Tuy còn nhiều việc cần làm, song nhìn lại cả quá trình từ khi hình thành cho đến nay, trải qua bao thăng trầm, TP Hà Tĩnh đã có sự thay đổi nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ. Tại thời điểm lập đồ án quy hoạch (2004), Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên lập quy hoạch xây dựng đô thị và vùng phụ cận. Ý tưởng của đồ án quy hoạch này là một đột phá về tư duy không gian đô thị không bị bó hẹp trong địa giới hành chính mà là tạo ra vùng đô thị, bao gồm đô thị trung tâm (TP Hà Tĩnh) và vùng phụ cận.

Đồ án đã có phân khu chức năng cụ thể, đặc biệt giải quyết thỏa đáng diện tích công viên, cây xanh, trong đó có 2 công viên lớn, phía Nam tại phường Nam Hà và Thạch Yên, phía Bắc trên khu đất Cồn Nổi xã Thạch Trung phục vụ cho TP Hà Tĩnh, thị trấn Thạch Hà và Lộc Hà, quy hoạch thảm cây xanh chạy dọc 2 bên sông cầu Phủ cho đến cầu Thạch Đồng. Hệ thống giao thông tĩnh, giao thông động đã được đề cập và quan tâm trong cơ cấu quy hoạch. Ý tưởng, cơ cấu, tổ hợp quy hoạch với chủ định để xây dựng, phát triển TP Hà Tĩnh bền vững với phương châm hiện đại - truyền thống - thân thiện với môi trường.

Từ năm 2004 đến nay, TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà đã triển khai thực hiện cơ bản theo quy hoạch được duyệt. Song cũng nảy sinh một số tồn tại, thậm chí sai lầm, có chỗ, có nơi tự ý phá vỡ quy hoạch hoặc buông lỏng không quản lý cụ thể. Nhưng có lẽ, sai lầm lớn nhất, đáng tiếc nhất là để cho nhà dân, một số công trình xây dựng trên đất thành cổ và Hào Thành - xóa mất vết tích thành cổ. Phục hồi Hào Thành không đúng với hình dáng, kích thước của Hào Thành cổ, để lại hậu quả rất khó khắc phục, nếu khắc phục được thì cũng rất tốn kém và phức tạp.

Hồ Bảy Mẫu (phường Bắc Hà. Ảnh: Sỹ Ngọ

Hồ Bảy Mẫu (phường Bắc Hà. Ảnh: Sỹ Ngọ

Để xây dựng TP Hà Tĩnh trở thành đô thị hiện đại - truyền thống - bản sắc - thân thiện với môi trường, phát triển bền vững cần phải có không gian, cảnh quan, môi trường đô thị tốt, phải biết kết hợp giữa kiến trúc truyền thống, không gian truyền thống với hiện đại. Phải giữ gìn, duy tu, tôn tạo các công trình, di sản di tích văn hóa, lịch sử có bản sắc, kể cả các loại cây xanh bản địa, phải đảm bảo được số lượng, diện tích hồ nước, công viên, cây xanh hợp lý; hệ thống kỹ thuật hạ tầng, xử lý chất thải, rác thải, khí thải, tiếng ồn đồng bộ v.v…

Trước hết phải quản lý tốt quy hoạch chung điều chỉnh TX Hà Tĩnh (nay là thành phố) và vùng phụ cận đến năm 2020 và những năm tiếp theo; không làm đảo lộn, thay đổi quy mô, diện tích các khu chức năng.

Trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt, triển khai quy hoạch chi tiết để quản lý đầu tư xây dựng. Đây là bước rất quan trọng quyết định chất lượng đô thị. Cần cụ thể hóa về quy mô, tầng cao, thể loại, tổ hợp hình khối công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng, diện tích cây xanh, chủng loại cây xanh, thảm cỏ, mặt nước; hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin, truyền thông… Đồng thời tạo ra không gian, cảnh quan của khu, hoặc tiểu khu đô thị có định hướng về hình thức kiến trúc.

Mỗi khu, hoặc tiểu khu phải cơ cấu không gian công cộng dưới dạng tiểu công viên, trong đó tạo được không gian truyền thống và có những công trình kiến trúc truyền thống. Nếu có hàng rào thì phải dùng hàng rào xanh, không xây hàng rào bằng gạch, đá để hạn chế tối đa bức xạ nhiệt. Ngoài những tuyến giao thông cần thiết thì không sử dụng bê tông hoặc thảm nhựa để phủ trên mặt đất. Nên chấm dứt chia lô nhà ở dân tự xây theo kiểu nhà ống đâu lưng vào nhau, ở giữa 2 nhà là một rãnh thoát nước. Nếu theo cách bố trí này thì có 2/4 diện tích phía sau quanh năm ẩm ướt, bẩn thỉu, là nơi sinh sống của chuột, bọ, ruồi, muỗi. Các công trình dân dụng, chung cư nhà ở liền kề, nhà ở đơn lẻ cần có sân vườn, diện tích xây dựng chỉ chiếm 25-60%.

Trong khu dân cư, gần các nhà làm việc, khu công cộng cấm hoạt động dịch vụ, SXKD thải khí, nước, rác bẩn, độc hại, gây tiếng ồn. Giữ gìn diện tích mặt nước, kè chắn chống xói lở, khơi thông dòng chảy, tạo ra thảm thực vật 2 bên sông cầu Cày và cầu Phủ, đảm bảo diện tích 2 công viên Nam, Bắc thành phố như quy hoạch chung. Nghiên cứu tạo thêm một số hồ nước tại các khu vực.

Những làng, xã thuộc thành phố và phụ cận trong địa giới quy hoạch cần phải duy trì không gian, cảnh quan đã có. Chỉnh trang, hiện đại hóa hệ thống kỹ thuật hạ tầng đồng bộ. Sắp xếp, bố trí hợp lý diện tích, tầng cao để xây dựng một số nhà ở, nhà nghỉ, dịch vụ công cộng có vườn theo hướng đưa đô thị vào làng mà không đô thị hóa làng.

Cần phải có quy hoạch chi tiết đồng bộ hệ thống kỹ thuật hạ tầng cho toàn thành phố và vùng phụ cận. Trước hết là giao thông đô thị từ đường chính đô thị đến các tiểu khu đủ tiêu chuẩn để phát triển lâu dài. Bố trí hợp lý các bãi đậu xe cho các khu, tiểu khu phố. Cắm mốc chỉ giới để quản lý, đầu tư theo giai đoạn.

Không gian đô thị thành phố ở cửa ngõ phía Nam thân thiện với môi trường. Ảnh: Thanh Hoài

Không gian đô thị thành phố ở cửa ngõ phía Nam thân thiện với môi trường. Ảnh: Thanh Hoài

Phủ xanh tối đa đô thị bằng cây xanh, thảm cỏ nơi công cộng, trong cơ quan, nhà máy, xí nghiệp tới từng hộ gia đình, có thể phân ra 2 loại là cây bóng mát và cây cảnh. Tại các cơ sở sản xuất CN-TTCN phát triển theo hình thức nhà máy - công viên.

Cần phải phục hồi, phục chế, quản lý tốt các di tích lịch sử văn hóa như đền, chùa, miếu, nhà thờ v.v… quản lý tốt các hoạt động tín ngưỡng văn hóa cội nguồn, góp phần giáo dục chân - thiện - mỹ. Trong đó cần phải phục hồi, phục chế hào và thành cổ Hà Tĩnh. Vì đây là một báu vật có tên, tuổi, kích thước, hình dáng, không gian, thời gian cụ thể để lại cho muôn đời. Đầu tư thiết kế, xây dựng những công trình có giá trị kiến trúc cao, độc đáo, phản ánh được văn hóa Việt Nam, văn hóa vùng miền, văn hóa ngành nghề kết hợp kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống và bản sắc riêng.

Với phương châm phát triển “đô thị trong làng - làng trong đô thị”, lấy tiêu chí kiến trúc xanh làm chuẩn mực để quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng công trình kiến trúc. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng cho phù hợp với nhu cầu phát triển.

Xây dựng đô thị là cả quá trình, chống tư tưởng nóng vội, áp đặt sở thích chủ quan, tránh để lại hậu quả. Xây dựng TP Hà Tĩnh thành đô thị hiện đại - truyền thống - bản sắc, thân thiện với môi trường là yêu cầu khách quan để phát triển bền vững. Là sứ mệnh lịch sử, là mệnh lệnh của trái tim đối với lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh: Kiến trúc đô thị nên vừa làng vừa thị

Nói về kiến trúc, ngày xưa, ở TP Hà Tĩnh chưa có nét nổi bật. Ban đầu, ở Hà Tĩnh chỉ là thành, chưa có phố. Thành xây dựng theo mẫu chung, đường nhỏ hẹp, nhà chỉ là nhà gỗ 5 gian, 7 gian lợp tranh, đến đầu thế kỷ XX mới lợp ngói. Hà Tĩnh lúc bấy giờ nổi tiếng nhất là cái chợ. Nổi tiếng không phải vì kiến trúc mà vì chợ sạch. Những dấu vết về kiến trúc thờ phụng như đền quan Quận công họ Trần làng Trung Tiết, đền Tam Trung từ làng Đài Nài là có, tuy nhiên, nó chỉ là kiến trúc thờ phụng, cũng giống như các nơi khác. Như vậy, ở TP Hà Tĩnh, đặc điểm riêng về kiến trúc để người ta biết đến, người ta nhớ về Hà Tĩnh là không có.

Còn nói về hiện đại, hiện nay, tòa nhà BMC là to nhất, nhưng đã biểu hiện cho Hà Tĩnh chưa? Khách sạn có gì đặc biệt? Rồi vườn hoa, cây cảnh, hồ nước… tất cả đang khiến các nhà kiến trúc đau đầu. Kiến trúc ngày nay xây dựng theo phương châm: tiếp cận hiện đại. Theo tôi, điều đó đúng. Kiến trúc đô thị thì vừa làng vừa thị và không thể thiếu khu vực vườn, cây xanh. Hơn nữa, kiến trúc phải phù hợp với địa hình, khí hậu khắc nghiệt, gió lào, mưa bão, lũ lụt; phải phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống… và còn rất nhiều vấn đề khác phải suy nghĩ, không phải cứ muốn thế nào cũng được. Hướng kiến trúc và quy hoạch nên thế nào chỉ có các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch mới có thể trả lời được.

PGS.TS Nguyễn Tố Lăng – Trưởng Văn phòng BCĐ quy hoạch vùng thủ đô, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Hà Tĩnh cần quan tâm trước hết tới thiết kế đô thị

Thành phố Hà Tĩnh là một đô thị trẻ nên chưa xây dựng được nhiều, nhìn ở một góc độ khác thì đây lại là một thuận lợi vì chúng ta có điều kiện để làm mới. Trong quá trình đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc thiết kế đô thị với các yêu cầu: xác định được các tuyến phố chính, khu vực trung tâm, các hình thức về kiến trúc, phong cách kiến trúc và không gian đô thị. Để tạo nên không gian đô thị cần quan tâm đến chiều cao công trình, vật liệu, các khoảng lùi, các mảng cây xanh. Một yếu tố quan trọng nữa là bên cạnh các công trình công cộng phải bố trí được nhiều tiện nghi đô thị. Được biết, hiện TP Hà Tĩnh đang điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, từ đó sẽ có những sự cải tiến, đưa được các chức năng cần thiết vào để xây dựng đô thị ngày càng phát triển.

Một đô thị năng động, hiện đại và phát triển bền vững cần quan tâm tới các vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống con người như: nơi làm việc, nơi ở, các công trình công cộng như nhà văn hóa, bảo tàng, triển lãm, siêu thị; các công trình phúc lợi xã hội như cây xanh, công viên và các khu vui chơi giải trí. Đấy là những điều TP Hà Tĩnh đang làm và chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ triển khai được nhiều hơn bởi thành phố đang trong lộ trình xây dựng, tiến tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2.

Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Trần Thế Dũng: Quy hoạch, kiến trúc cần đồng bộ, hài hòa, có điểm nhấn

Quy hoạch chung của TP Hà Tĩnh được phê duyệt năm 2007, thành phố đã ban hành quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch. Từ khi có quy hoạch đến nay, chính quyền cũng như người dân đã có định hướng. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nói chung, kiến trúc nói riêng đã được tăng cường. Hạ tầng đô thị bước đầu được đầu tư. Công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng được tăng cường.

Bất cập lớn nhất hiện nay là công tác cắm mốc quy hoạch thực hiện không đồng bộ, không kịp thời, thực hiện quy hoạch gắn với kiến trúc không nghiêm túc. Chất lượng kiến trúc một số công trình đô thị thấp. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị tỉnh thành lập hội đồng tư vấn nhưng đến nay vẫn chưa có. Trên địa bàn thành phố chưa có một công trình kiến trúc quy mô tầm cỡ, tương xứng. Phê duyệt công trình còn mang yếu tố chủ quan. Về bố trí quy hoạch, các công trình văn hóa công cộng nhỏ bé, chưa tương xứng với trung tâm tỉnh lỵ. Đến thời điểm này, quy hoạch trung tâm hành chính tỉnh vẫn chưa xác định được. Cần phải có sự nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Quy hoạch, kiến trúc cần đồng bộ, hài hòa, có điểm nhấn, có bản sắc, quan tâm phục hồi, nâng cấp những kiến trúc cổ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast