Xử lý sốc phản vệ sau tiêm phòng cho gia súc

(Baohatinh.vn) - Sau mỗi đợt tiêm phòng, một số gia súc thường có phản ứng với thuốc, thậm chí có thể bị chết do phản ứng quá mẫn. Để xử lý kịp thời các sự cố có thể xẩy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã đưa ra một số khuyến cáo.

Xử lý sốc phản vệ sau tiêm phòng cho gia súc

Theo dõi, giám sát để xử lý kịp thời khi gia súc bị sốc phản vệ sau khi tiêm phòng vắc xin.

Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, trong quá trình tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ gia súc, gia cầm đợt 1/2018, có 4 con bò, bê tại Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Lộc Hà bị sốc phản vệ sau khi tiêm. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ địa của gia súc dễ bị dị ứng, phản ứng quá mẫn và có thể do bảo quản vắc-xin không đảm bảo.

Ông Nguyễn Khắc Khánh – Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: Trung tâm ứng dụng KHKT cây trồng – vật nuôi các địa phương cần bố trí cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, việc bảo quản, quản lý, sử dụng, quy trình kỹ thuật tiêm vắc-xin.

Xử lý sốc phản vệ sau tiêm phòng cho gia súc

Vắc-xin tiêm phòng cần được bảo quản đúng quy trình

Sau khi gia súc được tiêm phòng, cần phải theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời các tình huống, sự cố có thể xẩy ra. Khi gia súc bị sốc, cần phải để con vật ở nơi thoáng mát, tránh làm con vật hoảng sợ, đồng thời khẩn trương sử dụng các loại thuốc chống sốc, trợ tim, trợ lực như: Cafein, Vitamin, Promethazine, Glucoza... để cấp cứu.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đề nghị các địa phương tổng hợp và báo cáo số lượng gia súc thiệt hại do bị sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn để xem xét hỗ trợ cho người dân theo quy định.

Một số phản ứng sau khi tiêm phòng vắc-xin:

* Phản ứng sinh lý bình thường:

- Khoảng 1-2 % gia súc được tiêm vắc-xin có phản ứng nhiệt độ.

- Không có biểu hiện bỏ ăn và triệu chứng hô hấp.

- Sau 24 giờ gia súc trở lại bình thường.

* Phản ứng quá mẫn (phản ứng sốc):

Một số động vật có thể bị phản ứng trong khoảng thời gian ngay sau khi tiêm đến 2 giờ.

- Triệu chứng: Mắt đờ đẫn, sùi bọt mép, nghiến răng, thở khó, cơ co giật, lông dựng, nôn mửa. Toàn thân run rẩy, loạng choạng, chảy máu ở miệng, mũi, chướng hơi và có thể dẫn đến chết.

- Nguyên nhân:

+ Có thể do đặc điểm di truyền (cơ địa) của cá thể dễ bị dị ứng.

+ Do gia súc đã tiếp xúc hoặc sử dụng những chất gây quá mẫn.

+ Có thể do vắc xin.

- Cách xử lý trong trường hợp gia súc bị sốc.

+ Để con vật ở nơi thoáng mát, tránh làm con vật hoảng sợ.

+ Khẩn trương tiêm các loại thuốc chống sốc, trợ tim, trợ lực như: Cafein, Vitamin, Promethazine, Glucoza...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast