345 nghìn nông dân được đào tạo nghề theo QĐ 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Chiều 15/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, 2010 tuy là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng đã có nhiều tín hiệu chuyển biến tích cực. Trong 1 năm qua, đã có 345 nghìn nông dân (đạt 86% kế hoạch) được đào tạo nghề, trong đó 90% nông dân chọn nghề ngắn hạn (48% số người học nghề đăng ký lĩnh vực nông nghiệp), 10% chọn các nghề đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng.

Từ những lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp, tỷ lệ người nông dân tìm được việc làm đã tăng lên rõ rệt. Trong 1 năm qua, đã có 100% các tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, ở cấp huyện là 73%, cấp xã là 49%. Điều đó cho thấy, các địa phương cần tập trung mạnh hơn nữa trong nhiệm vụ cụ thể hóa và triển khai các yêu cầu của Ban Chỉ đạo TW trong công tác dạy nghề cho người nông dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Quyết định 1956 chính là “cơ hội vàng” cho việc đào tạo nghề cho nông dân
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Quyết định 1956 chính là “cơ hội vàng” cho việc đào tạo nghề cho nông dân

Thực hiện Đề án 1956, Hà Tĩnh đã lựa chọn 3 huyện chỉ đạo điểm gồm: Thạch Hà, Kỳ Anh và Hương Khê. Trong đó, tỉnh phối hợp với Tổng cục Dạy nghề thực hiện điều tra khảo sát và dạy nghề cho lao động nông thôn tại xã Gia Phố (xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của trung ương), đồng thời tổ chức đào tạo nghề cho 200 người; lựa chọn 2 mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn (mô hình dạy nghề nuôi ong tại xã Mỹ Lộc (Can Lộc) và mô hình dạy nghề mây tre xuất khẩu tại xã Thạch Văn (Thạch Hà) và Mỹ Lộc. Hà Tĩnh đã thực hiện đào tạo nghề cho 4.163 lao động nông thôn.

Hà Tĩnh đã thực hiện đào tạo nghề cho 4.163 lao động nông thôn
Hà Tĩnh đã thực hiện đào tạo nghề cho 4.163 lao động nông thôn

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1956 chính là “cơ hội vàng” nhằm huy động toàn lực hệ thống dạy nghề các cấp và chưa bao giờ việc đào tạo nghề cho nông dân lại thuận lợi và được xã hội quan tâm như bây giờ.

Phó Thủ tướng nêu nguyên tắc “4 có và 4 biết” để các địa phương và người nông dân thực hiện. “ 4 có” là các địa phương phải có ban chỉ đạo cấp huyện, xã với chương trình được phê duyệt cả giai đoạn 2011-2015; có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương để nắm nhu cầu lao động cho xã của mình; có danh sách các cơ sở đào tạo nghề của địa phương mình; có chương trình thông tin, tuyên truyền với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp huyện. “4 biết” là biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi mang tính điển hình; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết rõ các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong.

Phó Thủ tướng nêu rõ một số yêu cầu khác về công tác dạy nghề như: các địa phương tự định, công khai độ tuổi học nghề, thành lập tổ chuyên trách về tài chính để xác định mức hỗ trợ dạy nghề, thống nhất chương trình dạy nghề về thủy sản, đánh bắt xã bờ, cung cấp thông tin hướng dẫn về chương trình qua mạng internet, hỗ trợ dạy nghề qua truyền hình, cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast