Áo tơi - “vật bảo hộ” cho nông dân ngày nắng

(Baohatinh.vn) - Cứ tưởng trong cuộc sống hiện đại, chiếc áo tơi truyền thống sẽ dần đi vào quên lãng. Thế nhưng, chiếc áo tơi mộc mạc vẫn luôn là hình ảnh thân thuộc và trở thành “vật bảo hộ” cho bà con nông dân Hà tĩnh trên đồng ruộng, nhất là những ngày nắng cháy.

Áo tơi - “vật bảo hộ” cho nông dân ngày nắng ảnh 1
Áo tơi - “vật bảo hộ” cho nông dân ngày nắng ảnh 2
Áo tơi gặt lúa, áo tơi phơi rơm

Thôn Yên Lạc (Quang Lộc, Can Lộc) được coi là “cái nôi” của áo tơi Hà Tĩnh. Nơi đây, ngoài nông nghiệp thì nhà nhà, người người đều có thể kiếm thêm thu nhập từ nghề chằm tơi. Chiếc áo làm bằng lá tơi mộc mạc, chân quê nhưng mùa đông thì ấm, mùa hè lại rất mát. Người dân Yên Lạc không ai biết nghề chằm tơi có từ bao giờ nhưng mọi người đều tập chằm tơi và cứ truyền từ đời này sang đời khác.

“Còn gió lào, còn mưa giông, sẽ còn áo tơi” là câu nói quen thuộc của người dân Yên Lạc với một niềm tin mãnh liệt về sự tồn tại của nghề chằm tơi truyền thống. “Mặc dù, cuộc sống ngày càng hiện đại với nhiều đổi thay, nhiều vật dụng truyền thống xa xưa đã dần được thay thế bằng những đồ dùng tiện lợi và hiện đại. Nhưng trước cái nắng đến đồng ruộng nứt nẻ, mưa thối đất, thối cát của miền Trung thì không có loại áo nào chịu nổi, trừ áo tơi mỗi khi ra đồng”, anh Thi - thợ chằm tơi cho biết.

Áo tơi bền bỉ, dẻo dai như vậy nên để làm được, những người thợ chằm tơi đã tốn không ít công sức. Theo chị Nguyễn Thị Sỵ (49 tuổi) thì mùa đi lấy lá tơi khoảng từ tháng 3 - tháng 6. Người dân Yên Lạc phải lên Hương Khê, cách 40-50 cây số mới lấy được.

Áo tơi - “vật bảo hộ” cho nông dân ngày nắng ảnh 3
Người làm áo tơi phải lên rú lấy lá hoặc mua lại từ các đầu mối

Chị Đặng Thị Xuân có hơn 10 năm trong nghề chia sẻ: “Làm được chiếc áo tơi mất nhiều công đoạn. Trước hết, lên rú lấy lá hoặc mua lại từ các đầu mối, đem về phơi sương, phơi nắng và phải vò cho “chín”, bởi lá nào không được tắm sương thì sẽ nhanh hỏng. Sau đó, phải vuốt lá cho thẳng vì khi sấy và phơi, lá sẽ quăn, co lại. Mây thì chẻ ra thành nhiều sợi rồi vót trơn, đều nhau. Nếu chằm nhanh thì chỉ khoảng 1 tiếng là xong 1 chiếc áo tơi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những gia đình như chị Xuân với sự phụ giúp của chồng con, trung bình mỗi ngày làm được khoảng 8 chiếc, giá 50.000 đồng/chiếc, thu nhập chừng 400.000 đồng. Một mùa tơi, gia đình chị bán ra thị trường khoảng 500 chiếc, thu về gần 25 triệu đồng. Còn đối với những gia đình đông người và có nhiều người chằm nhanh thì mức thu nhập cao hơn. Được biết, mỗi mùa, Yên Lạc sản xuất vài ba ngàn chiếc áo tơi. Áo tơi Yên Lạc có mặt khắp thị trường trong tỉnh.

Áo tơi - “vật bảo hộ” cho nông dân ngày nắng ảnh 4
Gia đình chị Xuân đang nhanh tay chằm áo tơi cho thương lái kịp lấy hàng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng thôn Yên Lạc không giấu được niềm vui: “Năm nay, tơi được giá, lúa cũng được mùa nên người dân phấn khởi lắm”.

Cũng theo ông Khoa, nếu với giá tơi như hiện nay thì trung bình một mùa tơi kéo dài hơn 2 tháng, mỗi hộ làm nghề cũng thu cả chục triệu đồng. Số tiền này giúp bà con mua phân bón, giống phục vụ sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast