Bàn biện pháp chống lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Tại Nghi Xuân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện vừa chủ trì triển khai Chỉ thị 04/CT-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm bàn biện pháp hạn chế tối đa tình trạng cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng. Đặc biệt, từ đầu năm 2012 lại nay, tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc theo Chương trình EPS hết hạn hợp đồng không về nước luôn chiếm trên 50% tổng số lao động hết thời hạn hợp đồng tái cử, cao gấp 2 lần so với tỷ lệ bình quân chung của 14 quốc gia còn lại. Hà Tĩnh có 146 lao động số lao động cư trú bất hợp pháp, trong đó Nghi Xuân 104 lao động, Cẩm Xuyên 67 lao động, Đức Thọ 47 lao động…

Đào tạo nghề XKLĐ tại Trường CĐ nghề Việt Đức

Đào tạo nghề XKLĐ tại Trường CĐ nghề Việt Đức

Nguyên nhân cơ bản như công tác đào tạo, giáo dục dịnh hướng, dạy ngoại ngữ cho người đi xuất khẩu lao động của chúng ta thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, tác phong nghề nghiệp chưa thật sự được các doanh nghiệp XKLĐ chú trọng, vì vậy chất lượng nguồn nhân lực và tính tuân thủ pháp luật của lao động Việt Nam kém thua các nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động Việt Nam thường hay vi phạm hợp đồng.

Ngoài ra lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, nhất là những lao động có thời gian làm việc nhiều năm tại Hàn Quốc đã chiếm được tình cảm của chủ sử dụng lao động, nên sau khi lao động hết hạn hợp đồng, chủ sử dụng Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam vào làm việc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho rằng phải làm sao giảm được số lao động hết hạn tại Hàn Quốc không chịu về nước. Việc tôn trọng luật pháp nước sở tại của lao động Việt Nam chưa được tốt. Lao động Việt Nam không về nước đúng thời hạn là làm xấu hình ảnh người lao động Việt Nam tại nước ngoài. Hà Tĩnh đã rất kịp thời có những biện pháp cứng rắn để hạn chế la động bất hợp pháp, nhất là UBND tỉnh đã có chỉ thị về vấn đề này. Tuy nhiên, cần phải làm sao để chỉ thị đến tận được người dân...

Kết luận hội nghị Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện nhấn mạnh: để hạn chế tình trạng bỏ trốn của lao động cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt về chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và các giải pháp ngăn ngừa tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp. Tuyên truyền, vận động các gia đình có con em cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sớm về nước để tạo điều kiện cho người lao động trong nước đã thi đậu chứng chỉ tiếng Hàn sang làm việc. Tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp, để nhân dân hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh.

Các doanh nghiệp XKLĐ, các đơn vị cung ứng lao động cần nâng cao chất lượng giáo dục định hướng cho người lao động, đặc biệt chú trọng việc giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động… Tăng cường công tác quản lý lực lượng lao động đi làm việc nước ngoài theo hình thức đi tự do, sau đó ở lại làm việc lâu dài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, nhất là tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các văn phòng tư vấn XKLĐ của các tổ chức, cá nhân tự mở, nhằm thu lợi bất chính...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast