Báo Nhật lý giải tình trạng SV đại học VN ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều

(Baohatinh.vn) - Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3/2016, Việt Nam có đến 192.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm tới 15% số lao động thất nghiệp của cả nước. Mặc dù có trình độ học vấn cao, nhưng các lao động có trình độ đại học trở lên ở Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng không có việc làm do các vấn đề về cơ cấu, tờ báo Nhật Nikkei Asian Review cho biết trong một bài viết đăng tải hôm nay (12/7).

bao nhat ly giai tinh trang sv dai hoc vn ra truong that nghiep ngay cang nhieu

Bài viết được đăng tải trên tờ tạp chí uy tín của Nhật Bản với tiêu đề: "Sinh viên đại học Việt Nam lo lắng: Tôi đã tốt nghiệp rồi, nhưng..."

Nguyên nhân đầu tiên đấy chính là do nền kinh tế Việt Nam bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn nước ngoài. Trong khi điểm mấu chốt khiến Việt Nam trở nên thu hút trong mắt các doanh nghiệp quốc tế lại chính nhờ vào lực lượng lao động giá rẻ.

Lấy ví dụ như tập đoàn điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc, mặc dù sử dụng đến 110.000 lao động trong các nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh nhưng phần lớn số lao động này đều là lao động cổ xanh (công nhân) và chỉ có một số ít có bằng đại học.

Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn nước ngoài đã làm cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước đồng thời làm gia tăng số lượng sinh viên có bằng đại học nhưng vẫn chấp nhận làm công việc lao động chân tay trong các nhà máy để có được thu nhập.

Nguyên nhân thứ hai là do các doanh nghiệp ở Việt Nam có xu hướng dồn quá nhiều sự tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có mặt ở hai thành phố này và chỉ có một vài “tên tuổi” đặt trụ sở ở thành phố lớn thứ ba là Đà Nẵng, nơi có mức lương trung bình hàng tháng vào khoảng 300 USD, thấp hơn từ 20-30% so với hai thành phố trên.

Cả 63 tỉnh thành phố ở Việt Nam, nói chung, đều đang có những nỗ lực riêng trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài, dẫn đến một sự mất cân bằng trong việc phân phối các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, năng lực giáo dục của Việt Nam đang tăng lên. Với số lượng các trường đại học tăng mỗi năm. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường tăng đến 40% so với năm 2010, đạt 4,42 triệu người trong năm 2015. Nhiều cơ sở giáo dục ở Việt Nam rất nhiệt tình trong việc giảng dạy, điều này cũng khiến Bộ Giáo dục, vào cuối năm 2014, phải ra thêm Chỉ thị cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học khi đã học 2 buổi/ngày trên lớp.

GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 7%/năm, giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bắt đầu phát huy hiệu lực, đó sẽ là cú hích lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Chú trọng nuôi dưỡng và phát triển các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các khu vực ngoài Hà Nội và TP.HCM sẽ có thể cải thiện, giải quyết tình trạng việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp đại học. Một nền kinh tế sẽ không thể phát triển bền vững nếu như không mang lại lợi ích cho chính các cá nhân sống ở bên trong nó.

(Theo Nikkei Asian Review)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast