Cảnh báo lao động “chui” trên đất Thái

(Baohatinh.vn) - Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn thảm khốc ngày 2/6 vừa qua tại Thái Lan, Hà Tĩnh có 6 trong tổng số 13 người thiệt mạng. Đặc biệt, có đến 5 nạn nhân xấu số đều quê ở Can Lộc. Và những lao động này sang Thái đều bằng con đường “chui”, tình trạng này đang ở mức đáng báo động...

Trong căn nhà cấp 4 xập xệ ở xóm Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc, anh Đặng Tuấn - bố của nạn nhân Đặng Thị Hương (SN 1993) buồn rầu kể: “Vợ chồng tôi sinh 8 người con nhưng có 4 đứa bị khuyết tật vận động (một cháu trai bị tật đã mất), chỉ có Khanh (con trai thứ 2) và Hương đủ sức khỏe sang Thái làm việc đỡ đần bố mẹ. Nhận được hung tin về cháu mà tôi đau đớn quá”. Đôi mắt đầy vết chân chim của người cha nhìn xa xăm, nặng những u buồn. Bên cạnh, người mẹ đã thiếp đi, thi thoảng trở mình kêu nghẹn trong đau đớn.

Xuất khẩu lao động chui (Minh họa từ Internet)
Xuất khẩu lao động chui (Minh họa từ Internet)

Chị Thao, người cháu dâu luôn túc trực bên mẹ của Hương còn cho biết: Khanh sang Thái Lan làm việc đã 5 năm. Học hết lớp 9, Hương theo học lớp nghề may nhưng cũng không đủ phụ giúp gia đình. Rồi Hương theo anh trai sang Thái Lan làm việc, được gần 1 năm thì về nước. Giữa tháng giêng năm 2014 lại sang và đến ahôm nay thì gặp nạn.

Theo số liệu thống kê, toàn xã Mỹ Lộc có khoảng 1.500 lao động đang làm việc trên đất Thái. Chủ tịch UBND xã - Trần Trí Quang cho biết: “Hầu hết lao động sang Thái Lan làm thủ tục theo hình thức đi du lịch. Chỉ cần có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và nộp 300 nghìn đồng là có thể làm được giấy tờ để đi. Sang Thái, họ làm đủ thứ việc như nấu ăn, phục vụ, giữ xe, trông trẻ…”.

Còn tại Xuân Lộc, theo Chủ tịch UBND xã - Lê Công Quý thì: “Số lao động nước ngoài của xã là 550 người, trong đó khoảng 500 người làm việc tại Thái Lan. Nhiều trường hợp cả nhà gồm con, cháu, dâu, rể sang lao động tại Thái Lan, như gia đình ông Quý, bà Nhân... Nhiều phụ huynh đến dịp hè lại đưa các con sang chơi rồi làm các công việc như bán kem, giữ xe”.

Theo thống kê năm 2013 của Phòng LĐ-TB&XH Can Lộc, toàn huyện có gần 5.000 lao động xuất khẩu nước ngoài, nhiều nhất là Thái Lan với 2.000 người. Trong đó tập trung ở cụm Trà Sơn đông (Mỹ Lộc, Xuân Lộc, Quang Lộc, Sơn Lộc). Có một thực trạng là số học sinh bỏ học giữa chừng để đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng. Như em N. - học sinh Trường Tiểu học Xuân Lộc, bỏ học giữa chừng sang Thái Lan cùng bố mẹ. Hay em S. - học sinh Trường THCS Sơn Lộc cũng nghỉ học để sang làm việc ở nhà hàng. Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc - Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “Số học sinh bỏ học mấy năm gần đây của trường khoảng 20 em, đều ở Mỹ Lộc, Sơn Lộc. Phần lớn các em nghỉ học để đi làm ở Thái Lan. Mặc dù nhà trường và chính quyền địa phương đã vận động nhưng số em quay lại trường không đáng kể”.

Hàng xóm láng giềng đến chia buồn với gia đình anh Đặng Tuấn (xã Mỹ Lộc - Can Lộc) có con tử nạn trong vụ tai nạn thảm khốc ngày 2/6 tại Thái Lan

Hàng xóm láng giềng đến chia buồn với gia đình anh Đặng Tuấn (xã Mỹ Lộc - Can Lộc) có con tử nạn trong vụ tai nạn thảm khốc ngày 2/6 tại Thái Lan

Lao động sang Thái Lan làm việc thường theo số đông, một người đi rồi kéo theo 5 người, 10 người, rồi cả nhà, cả xóm cùng đi. Một thực tế không thể phủ nhận là làm việc trên đất khách đem lại nguồn thu nhập khá, với mức trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, nó cũng mang lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng như con cái không được học hành đến nơi đến chốn, thiếu sự nuôi dưỡng, dạy bảo của cha mẹ; số lao động ở nước ngoài có thể gặp nhiều khó khăn như công việc không thuận lợi, dễ bị mua chuộc, sa vào các tệ nạn xã hội, không được đóng bảo hiểm… Hơn nữa, khi Thái Lan chưa có hợp đồng ký kết nhận lao động Việt Nam thì những trường hợp người lao động nếu chẳng may gặp nạn thì gần như không có sự hỗ trợ nào từ phía Thái Lan.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc - Bùi Huy Cường cho biết: “Việc người dân đi xuất khẩu lao động tại Thái Lan theo vida du lịch đang là một thực trạng nhức nhối. Họ chỉ thấy được cái lợi trước mắt, hậu quả về lâu dài thì chưa ý thức được, đặc biệt là khi xảy ra tai nạn, người lao động sẽ không được hưởng quyền lợi nào khi không có giấy tờ hợp pháp. Huyện luôn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để người dân thấy được những hệ lụy này, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp lớn đưa lao động sang các nước có môi trường an toàn như: Hàn Quốc, Nhật Bản”.

Từ sự cố nói trên, mong rằng, người dân sẽ có ý thức hơn đối với vấn đề xuất khẩu lao động, để lao động Việt Nam, lao động Hà Tĩnh có đủ điều kiện hợp pháp, đủ năng lực làm việc nơi đất người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast