Chọn nghề theo nhu cầu xã hội

(Baohatinh.vn) - Mùa thi bắt đầu gõ cửa. Ngoài chuẩn bị hành trang là kiến thức sau 12 năm đèn sách, đối với học sinh (HS), việc lựa chọn ngành, nghề và trở thành sinh viên (SV) của một trường đại học (ĐH) nào đó luôn là khát khao bỏng cháy. Thế nhưng, với xu thế phát triển hiện nay, ĐH không còn là lựa chọn số 1 để các em lập thân, lập nghiệp.

“Thừa thầy, thiếu thợ”

Kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (CĐ, TCCN) năm 2013, cả nước có 1,4 triệu thí sinh dự thi. Trong số đó chỉ có 20% thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường CĐ, tỷ lệ vào TCCN lại càng hạn chế. Những con số đó đã phần nào phản ánh rõ nét mong muốn cháy bỏng của các em sau 12 năm đèn sách, tâm lý coi trọng làm “thầy” hơn “thợ”. Đặt mục tiêu vào ĐH nên tiêu chí chọn nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội vẫn chưa được HS và các bậc phụ huynh đặt lên hàng đầu.

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng tại buổi tư vấn nghề nghiệp
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng tại buổi tư vấn nghề nghiệp

Cũng theo số liệu báo cáo, 1/3 số thí sinh dự thi không đậu vào các trường ĐH đã lựa chọn phương án tiếp tục ôn để chờ năm sau thi lại. Tuy vậy, theo một số liệu được công bố gần đây, tại các nhà máy, khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh - một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, nhu cầu về lao động có trình độ ĐH, trên ĐH chỉ chiếm 25%, trong khi nhu cầu lao động có trình độ CĐ, TCCN chiếm trên 35%.

Cháu gái tôi nay đã là SV năm thứ 2 của ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Thế nhưng, mỗi lần gọi điện hỏi thăm chuyện học hành, cháu thường ca cẩm về chuyên ngành mình đang theo học: “Chán lắm dì à. Nhiều lúc kiến thức không thể vào đầu, cháu chỉ muốn bỏ học để được theo đuổi ước mơ của mình. Thế nhưng, nghĩ đến bố mẹ, cháu đành cố gắng để tốt nghiệp rồi sau đó tính tiếp”. Thực tế cháu tôi không đủ điểm vào trường ĐH nó mong muốn, nhưng mục tiêu bố mẹ đặt ra là phải vào bất kỳ một trường ĐH nào đó ngay từ mùa thi đầu tiên nên sau khi chúng bạn lần lượt lên đường nhập học, cháu tôi cũng đành làm SV ở chuyên ngành mà nó không mong muốn.

Khác với hoàn cảnh của cháu tôi, P. - con một gia đình láng giềng đã tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tài chính ngân hàng hơn 1 năm nay. Vận dụng hết mọi mối quan hệ nhưng việc làm của con vẫn luôn là nỗi buồn của vợ chồng chị H. Tranh thủ thời gian chưa xin được việc làm và cũng để con đỡ buồn, chị H. đành cho con đi học thạc sỹ, vừa để nâng cao trình độ, vừa có thêm cơ hội việc làm sau này.

Ở Hà Tĩnh, dẫu chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng mỗi năm, ước tính toàn tỉnh có hàng trăm SV tốt nghiệp ĐH, trong đó có cả những trường thuộc “tốp đầu” nhưng số em tìm được việc làm rất ít. Nhiều em ở nhà đến vài năm, em có việc thì cũng chưa chắc đã phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường. Có SV tốt nghiệp ĐH Hà Tĩnh ngành sư phạm, do ra trường không chờ được ngày làm thầy đành đầu quân cho hãng taxi kiếm sống qua ngày. Hiện toàn tỉnh thừa hơn 1.000 giáo viên. Trong khi đó, Tập đoàn FORMOSA tại Khu kinh tế Vũng Áng và nhiều doanh nghiệp đang cần hàng trăm lao động tay nghề cao lại không tuyển được. Xu thế phát triển của xã hội và thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chính là nguyên nhân khiến nhiều SV sau khi tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm.

Đẩy mạnh công tác tư vấn - phân luồng

Về vấn đề này, thầy Lê Sỹ Võ - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT) cho biết: “Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng cho HS”. Cụ thể: đối với HS tốt nghiệp lớp 9 nếu có học lực trung bình hoặc yếu, các trường định hướng, tư vấn cho các em nên học các trường trung cấp nghề hoặc trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp - giáo dục thường xuyên; đối với bậc THPT, theo thầy Võ, ngoài sự tư vấn của gia đình, nhà trường, các em nên tham khảo thêm nhiều kênh thông tin để có quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình và điều quan trọng hơn cả là đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc tư vấn phân luồng còn được các trường triển khai thực hiện ngay từ đầu mỗi năm học, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc họp phụ huynh... đặc biệt tập trung cao điểm vào tháng 3 - khi các em bắt đầu làm hồ sơ. Ngoài ra, các trường cũng đã cung cấp thêm cho HS thông tin về một số lĩnh vực nghề nghiệp mà xã hội đang có nhu cầu và tỉnh nhà cũng đang cần để đáp ứng nguồn nhân lực cho các khu kinh tế.

Thầy Võ Trí Kỳ - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: “Tư vấn cho HS trước mỗi mùa thi là một trong những hoạt động được nhà trường đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để công tác tư vấn thực sự có hiệu quả thì không chỉ riêng nhà trường, HS mà cả phụ huynh cũng thực sự phải vào cuộc. Ngoài căn cứ vào khả năng, học lực của các em, hàng năm, khi có thông tin về nhu cầu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, TCCN, chúng tôi cũng đã có buổi gặp mặt với phụ huynh để tham gia tư vấn cho các em”.

Thực tế, việc đẩy mạnh công tác phân luồng trong những năm gần đây đã được ngành và các nhà trường đặc biệt quan tâm. Kết quả là theo từng năm, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH đã giảm đáng kể, nhưng tâm lý mong muốn con em có bằng ĐH vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của đại bộ phận các bậc phụ huynh, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải kiên trì, không thể ngày một ngày hai. Đặc biệt, trước bước ngoặt lớn của cuộc đời mình, bản thân mỗi em cần có sự cân nhắc kỹ khi quyết định ngành nghề cho tương lai. Ngoài sự tư vấn của thầy cô, không ai khác, cha mẹ phải phân tích, lý giải, suy xét mọi điều để giúp các em có hướng đi đúng đắn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast