Chú trọng thực hành, rèn luyện kỹ năng

(Baohatinh.vn) - Ngày 1/7/2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, các trường cao đẳng chính quy, cộng đồng, nghề và hệ cao đẳng trong các trường đại học sẽ do Bộ LĐ-TB&XH quản lý và có chung tên gọi là cao đẳng. Người học tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp và công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành, người tốt nghiệp các ngành sư phạm, KT-XH... sẽ được cấp bằng cử nhân thực hành.

Theo nhận định của Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH, Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 sẽ tạo sự thống nhất giữa cao đẳng với cao đẳng nghề; trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung tâm giáo dục nghề, trường trung cấp và cao đẳng.

Sinh viên Trường CĐ nghề Việt Đức thực hành sửa chữa điện, máy ô tô

Sinh viên Trường CĐ nghề Việt Đức thực hành sửa chữa điện, máy ô tô

Quy định này giúp hệ thống giáo dục nghề trở nên thống nhất, phù hợp với khu vực, quốc tế, tương thích với khung trình độ quốc gia đang được Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ. Khung trình độ quốc gia, giáo dục nghề nghiệp gồm 5 bậc. Trình độ sơ cấp tương đương với bậc 3; trình độ trung cấp tương đương bậc 4; trình độ cao đẳng tương đương bậc 5. Mỗi bậc trình độ sẽ xác định chuẩn “đầu ra”, từ đó, tiến đến xây dựng chương trình đào tạo tương ứng với từng trình độ. Những sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng (bậc 5) đối với những ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ sẽ được công nhận là kỹ sư thực hành. Đối với những ngành nghề không phải kỹ thuật công nghệ, sinh viên tốt nghiệp sẽ được công nhận là cử nhân thực hành.

Theo PGS -TS Đặng Minh Ất - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức, việc phân định giữa đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp hệ thống đào tạo rõ nét hơn. Giáo dục đại học chú trọng về lý thuyết (hệ thống hàn lâm), hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ chú trọng về thực hành, rèn luyện kỹ năng và khi ra làm việc, sinh viên sẽ trở thành người trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ khuyến khích học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào hệ thống giáo dục nghề. Ngoài ra, Luật Giáo dục nghề nghiệp đưa ra nhiều hình thức thu hút học nghề đối với những người tốt nghiệp THCS như: đổi mới thời gian đào tạo trung cấp, chỉ còn 1-2 năm và không phải học văn hóa THPT. Người học chỉ học văn hóa nếu có nhu cầu liên thông lên cao đẳng, đại học. Luật cũng quy định nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích người học như: miễn 100% học phí cho các đối tượng chính sách xã hội, tốt nghiệp THCS học trung cấp; những người theo học nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; nghề đặc thù…

“Năm 2015, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 850 học sinh, sinh viên và sẽ tăng quy mô trong những năm tới, đồng thời, mở thêm một số ngành nghề. Để làm được điều này, trường tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp, ký kết đào tạo để tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp” - Hiệu trưởng Đặng Minh Ất cho biết thêm.

Theo Tổng cục Dạy nghề, mùa tuyển sinh năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường nhiều giải pháp để hỗ trợ điều hành các cơ sở dạy nghề trong công tác tuyển sinh. Năm nay, chỉ tiêu tuyển mới, dạy nghề cho 2,15 triệu người, trong đó trung cấp nghề, cao đẳng nghề khoảng 250.000 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 1,9 triệu người. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 32 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh hệ trung cấp hoặc cao đẳng được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển, hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Như vậy, trước ngày Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, tất cả các cơ sở đào tạo vẫn tổ chức tuyển sinh bình thường, do đó, năm học 2014-2015, các trường đại học tiếp tục tuyển sinh hệ cao đẳng, đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng theo quy định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast