Cõng gánh mưu sinh

(Baohatinh.vn) - Dưới cái nắng oi nồng của mùa hè, chiếc đòn gánh trên đôi vai mảnh dẻ vẫn kĩu cà kĩu kịt theo chân các chị đi dọc các con đường. Đó là gánh hàng mưu sinh gồm những nồi chè đỗ đen hay đậu hũ thơm mát, ngọt lành. Họ là những phụ nữ Huế đã quen thuộc với phố phường Hà Tĩnh...

“Đến hẹn lại lên”

Bên vỉa hè ngã tư Hải Thượng Lãn Ông giao với đường Nguyễn Công Trứ, chị Nguyễn Thị Lan đang cẩn thận múc từng muỗng đậu hũ (tào phớ) cho vào bát để giao cho khách hàng. Tôi tiến lại gần, người phụ nữ ra vẻ tiếc nuối: “Em mua chi rứa, chị chỉ còn đậu hũ, bánh chưng với sữa đậu nành hết mất rồi”. Tôi hỏi mua một túi đậu hũ rồi lân la bắt chuyện.

Chị Nguyễn Thị Lan với thùng đậu hũ
Chị Nguyễn Thị Lan với thùng đậu hũ

Chị vừa trộn thêm đường vào nồi đậu còn đang nóng vừa tâm sự: “Quê chị ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Gia đình làm nông không đủ trang trải cuộc sống nên cùng mấy chị em ra Hà Tĩnh kiếm sống. Cứ đến hè, bọn chị ra đây bán hàng, mùa đông lại về Huế làm nông nghiệp”.

Tôi được biết, chị và 3 người nữa thuê trọ trên đường Trần Phú. Cứ sáng sớm, mỗi người dậy lấy hàng, chuẩn bị mọi thứ rồi rong ruổi khắp mọi phố phường. Gánh hàng của chị gồm đậu hũ, sữa đậu nành và bánh chưng, giá 5-10 nghìn đồng/món. Chị Lan chỉ nấu đậu hũ, còn bánh chưng có người làm sẵn nên đỡ cực hơn. Công việc bắt đầu từ sáng nhưng đến tận đêm các chị mới nghỉ, hôm nào đắt khách thì về nhà sớm hơn. “Mấy bữa ni nắng nóng, vất vả, nhưng được cái người mua nhiều hơn. Thời điểm ni ở quê đang nhàn rỗi, đi bán hàng để có đồng ra đồng vô em ạ”, chị Lan chia sẻ.

Bán được mấy lượt, chị nhặt những đồng tiền lẻ cẩn thận đếm và phân loại. Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má, chị quay sang cười với tôi rồi quẩy chiếc đòn gánh bước tiếp cuộc hành trình. Cái nắng giữa trưa càng khiến bóng dáng người phụ nữ thêm nhỏ bé, xa dần…

Tin vào tương lai

Nơi vỉa hè đường Nguyễn Công Trứ, gánh hàng của chị Võ Thị Hảo (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) lại là nồi chè đỗ đen, chè bột lọc cùng mấy chiếc ghế con con đặt cạnh. Chị chia sẻ: “Chị bán hàng đã gần 7 năm. Thường ngày, chị hay bán gần Trường Chuyên tỉnh hoặc đi dọc quốc lộ 1A ra gần cầu Cày”.

Chị Võ Thị Hảo bên gánh chè di động.
Chị Võ Thị Hảo bên gánh chè di động.

Để có một gánh hàng cho cả ngày, chị phải chuẩn bị mọi thứ từ tối hôm trước. Thông thường là 1 kg đỗ đen, 2 kg bột lọc, 4 kg đường cùng 2 quả dừa để lấy cùi làm nhân bột lọc. Làm bột lọc phải tỉ mẩn từng công đoạn, từ nhào bột, rồi vắt thành từng viên đến khi cho vào nồi đun sôi. Đỗ đen cũng phải đun vừa lửa. Đặc biệt, còn phải nấu sẵn nước đường để sau khi bột lọc chín thì đổ vào. Với giá mỗi cốc chè 5 nghìn đồng, hàng ngày, chị bán được khoảng 400 nghìn đồng. Trừ tiền mua nguyên liệu và các khoản sinh hoạt khác, hàng tháng, chị gửi về cho gia đình hơn 5 triệu đồng.

Qua trò chuyện, tôi được biết, chồng chị làm phụ hồ ở quê, anh chị có 3 người con. Con gái đầu đang học năm thứ 2 Đại học Kinh tế Huế, đứa thứ 2 chuẩn bị vào năm cuối cấp THPT, còn em út đang học tiểu học. Mong muốn của chị là 3 người con học hành đến nơi đến chốn, sau này đỡ vất vả. Nói về tương lai, tôi thấy trong đôi mắt chị ánh lên niềm vui, bao nhọc nhằn dường như tan biến.

Băn khoăn bởi việc ra tận Hà Tĩnh bán hàng, các chị cho biết, ở Huế, người bán nhiều, ra đây tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định hơn. Chị Hảo chia sẻ: “Sợ nhất là không hết hàng, hôm nào trời mưa hay âm u lại càng lo. Hàng ngày phải đi nhiều, thời gian nghỉ và dành cho bản thân rất ít. Nhưng niềm tin vào cuộc sống và tương lai của các con luôn là động lực để mình cố gắng”. Lượt khách ghé hàng chị mỗi lúc một đông. Tự nhiên tôi thấy vui và cũng tin vào niềm tin ấy.

Quẩy đôi quang gánh trên vai, họ lại hòa vào phố đông nhộn nhịp. Bất chấp nắng hè bỏng rát, các chị vẫn tiếp tục vất vả mưu sinh. Công việc nhọc nhằn nhưng trên đôi vai ấy nặng những tảo tần, nặng những yêu thương…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast