Đào tạo nghề, GQVL cho thanh niên: Vấn đề cấp bách

Theo đánh giá của ngành LĐ-TB&XH, công tác tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, GQVL cho thanh niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là với thanh niên nông thôn, thanh niên vùng tái định cư, tìm việc làm là hết sức khó khăn khi 50% trong số đó chưa qua đào tạo nghề. Điều này dẫn đến làn sóng di cư tự phát của thanh niên đến các khu đô thị, khu công nghiệp để tìm việc làm ngày càng gia tăng. Theo anh Thái Phúc Sơn – Phó Bí thư Tỉnh đoàn: Hiện có trên 125.000 thanh niên Hà Tĩnh đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ngoại tỉnh, chiếm trên 70% tổng số lao động của tỉnh.

Người lao động đến đăng ký tại các cơ sở tuyển dụng lao động trong tỉnh
Người lao động đến đăng ký tại các cơ sở tuyển dụng lao động trong tỉnh

Hà Tĩnh vẫn đang là tỉnh nghèo, hệ thống các doanh nghiệp (DN) chưa phát triển và chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên chưa thật sự tạo ra nhiều việc làm cho người lao động nói chung và lực lượng thanh niên nói riêng. Việc kết nối, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các DN chưa có lộ trình cụ thể, chưa bám sát nhu cầu tuyển dụng. Thậm chí lao động của tỉnh ta do ngành nghề đào tạo không phù hợp, buộc DN phải đưa kỹ sư, công nhân từ nơi khác vào thi công với chi phí tiền lương cao.

Ngoài ra còn phải kể đến một số trường nghề trong tỉnh chưa đáp ứng được việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho các DN. Những sinh viên tốt nghiệp khi được tuyển dụng vào các DN và tập đoàn lớn tại Khu kinh tế Vũng Áng đều phải tham gia các khóa đào tạo lại. Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thái Phúc Sơn cũng thừa nhận, vai trò của tổ chức đoàn trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu, GQVL cho thanh niên chưa hiệu quả. Việc hướng dẫn, cổ vũ thanh niên lập thân lập nghiệp, tham gia phát triển KT-XH của tổ chức đoàn tại một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.

Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của T.Ư và tỉnh về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề, GQVL cho thanh niên, BTV Tỉnh đoàn đã ban hành các chương trình, kế hoạch và triển khai sâu rộng trong các cấp bộ đoàn, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn nghề và hướng nghiệp cho thanh niên với nhiều hình thức như: giao lưu, đối thoại về nghề nghiệp việc làm; tổ chức ngày hội tư vấn nghề nghiệp học sinh THPT, chương trình “Hành trình đến với trường nghề, làng nghề”. Các cấp bộ đoàn còn phối hợp với các DN về tận cơ sở đoàn để tuyển lao động, thông qua đó, giúp thanh niên có cơ hội tiếp cận và có nhận thức đúng về nghề nghiệp và việc làm, lựa chọn nghề phù hợp; khuyến khích ĐVTN chủ động tự tạo việc làm, tự giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong SXKD...

Bên cạnh việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác dạy nghề, GQVL cho thanh niên đã được một số cơ sở đoàn phối hợp với các cấp, ngành, cơ sở dạy nghề triển khai. Bình quân mỗi năm, Hà Tĩnh có khoảng 4,5 nghìn thanh niên được đào tạo hệ cao đẳng nghề và trung cấp cấp nghề, trên 5 nghìn người được đào tạo nghề hệ sơ cấp và học nghề ngắn hạn. 80% số lao động thanh niên này sau đào tạo tìm được việc làm, chiếm tỷ lệ cao hơn so với các ngành nghề đào tạo khác.

Một trong những hướng đi tương đối mở đối với thanh niên trong tìm kiếm việc làm chính là xuất khẩu lao động. Đến nay, Hà Tĩnh có 28.754 thanh niên đang làm việc ở 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bình quân mỗi năm gửi về quê hương trên 800 tỷ đồng. Số thanh niên được các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cung ứng cho các DN trong và ngoài tỉnh hàng năm trên 8.000 người. Đặc biệt, toàn tỉnh có hơn 750 mô hình kinh tế của thanh niên cho thu nhập bình quân mỗi năm 50 triệu đồng trở lên, điển hình có những mô hình cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; có 2 tổng đội TNXP xây dựng kinh tế mới GQVL cho hàng ngàn thanh niên.

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, Hà Tĩnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 14%; các công trình, dự án trọng điểm có quy mô quốc gia tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, tạo ra hàng chục ngàn chỗ làm việc mới. Dự báo đến năm 2015, các công trình dự án trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 10 vạn lao động, trong đó Khu kinh tế Vũng Áng dự kiến tuyển dụng 67 nghìn người. Do vậy, để giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay, cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các DN... cần vào cuộc để định hướng đào tạo nghề, GQVL cho lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast