Dịch bệnh đốm trắng ở tôm: Nguy cơ lan ra diện rộng

Vụ tôm Xuân Hè xuống giống chưa đầy tháng thì xuất hiện bệnh đốm trắng tại một số vùng nuôi tôm trong tỉnh. Nhiều hộ nuôi “dở khóc, dở cười” do sự chủ quan dẫn đến tôm mắc bệnh chết hàng loạt. Mặc dù diện tích nuôi tôm thiệt hại chưa nhiều nhưng có nguy cơ lan ra diện rộng là rất có thể…

Người nuôi chủ quan

Anh Trần Bách Quyền ở thôn 7 xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) dẫn chúng tôi ra xem đầm tôm của mình. Những con tôm mới bằng đầu đũa chết trắng trôi dạt vào mép hồ. Anh lo lắng cho biết: “cách đây gần một tuần tui phát hiện tôm đất, cua còng chết rải rác nhưng vài ngày sau đó tôm he chân trắng cũng lần lượt chết theo, giờ chắc không còn con nào nữa”. Vụ tôm năm nay anh Quyền đầu tư cả tỷ đồng cho 7 ha, trong đó 2ha nuôi tôm công nghiệp, còn lại là nuôi quảng canh. Khác với các hộ nuôi tôm trong vùng anh mua giống về ương. Gần tháng sau anh thả 10 vạn con tôm giống trên diện tích 0,8 ha nuôi quảng canh nhưng chỉ sau vài ngày tôm mắc bệnh chết hàng loạt. Được biết, anh Quyền mua 1 triệu tôm giống tại Đà Nẵng nhưng không qua kiểm dịch, giá rẻ hơn ngoài thị trường gấp 2 lần. Vì vậy, chất lượng tôm giống trên chắc chắn có vấn đề ?!…Mặt khác do ương nuôi trước nên anh chủ quan trong khi cải tạo ao đầm, vì vậy trong ao nuôi vẫn còn một số loài giáp xác tự nhiên. Đây là vật chủ trung gian thường mang mầm bệnh đốm trắng.

Ông Quyền lo lắng cho số phận những ao nuôi còn lại
Ông Quyền lo lắng cho số phận những ao nuôi còn lại

Ông Thân Quang Hùng ở xã Xuân Hội cẩn trọng hơn khi mua giống có chất lượng, nguồn giống được lấy từ công ty CP tại Bình Định có hồ sơ kiểm dịch đàng hoàng. Thế nhưng gần một tháng sau khi thả 50 vạn tôm giống trên diện tích 0,5 ha ao đất lót bạt thì tôm bắt đầu bơi lờ đờ trôi dạt vào bờ và chết. Theo kinh nghiệm nuôi tôm của ông Hùng thì tôm bị bệnh có thể khi cải tạo ao đầm do chủ quan không vét sạch bùn dưới đáy ao nên ao nuôi lâu ngày bị bẩn. Ngoài ra, vùng nuôi này trước đây bị bệnh nên vẫn tiềm ẩn những mầm bệnh đang còn tồn tại trong môi trường.

Mặc dù bệnh đốm trắng chỉ mới xuất hiện tại hộ anh Quyền, ông Hùng nhưng làm cho các hộ nuôi tôm ở các vùng này như “ngồi trên đống lửa”. Nguy cơ dịch bệnh đốm trắng ở tôm rất có thể lan ra diện rộng bất cứ lúc nào. Bởi nhẽ ao nuôi này nằm trong vùng thường xuyên bị dịch bệnh của huyện lại dùng chung nguồn nước.

Theo cán bộ trạm thú y huyện Kỳ Anh thì dịch bệnh đốm trắng xẩy ra tại các xã Kỳ Hà, Kỳ Thọ và Kỳ Ninh có nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu vẫn do các hộ nuôi mua con giống tôm trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng. Việc cải tạo ao đầm của người dân hầu như chưa tuân thủ theo đúng quy trình kỷ thuật, dẫn đến mầm bệnh tiềm tàng ở trong ao hồ rất dễ gây dịch bệnh cho tôm…

Ngăn chặn kịp thời

Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 25 ha diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng của 7 hộ nuôi tại các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân và Cẩm Xuyên, số giống thiệt hại 718 vạn con. Ngay sau khi nhận được báo cáo Chi cục thú y tỉnh đã phân công cán bộ trực tiếp xuống kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xác minh dịch bệnh, đồng ứng trước một số hóa chất Chlorine để hỗ trợ các hộ xử lý dịch bệnh

Theo nhận định, nguy cơ bệnh đốm trắng ở tôm tiếp tục phát triển và lây lan sang các vùng khác rất cao. Ngay tại Nghi Xuân phát hiện bệnh khá lâu người dân mới báo với cơ quan chức năng. Cho đến thời điểm này một số diện tích ao nuôi có tôm bị bệnh vẫn chưa được xử lý kịp thời. Vì vậy, ngành chuyên môn của tỉnh phối hợp với Phòng nông nghiệp của huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi tôm các biện pháp xử lý dịch bệnh.

Cán bộ kỹ thuật Kiểm tra hiện tượng tôm chết
Cán bộ kỹ thuật Kiểm tra hiện tượng tôm chết

Đối với các ao tôm chết do nhiễm vi rút đốm trắng, yêu cầu các hộ tiêu hủy toàn bộ ao tôm bị nhiễm bệnh bằng hóa chất Chlorin (nồng độ 30 ppm); quản lý chặt nước trong ao sau 7 - 10 ngày mới được thải nước đi và lấy nước vào để nuôi mới, hoặc chuyển đổi nuôi đối tượng khác. Còn đối với các ao có tôm chết còn nghi ngờ, có thể do môi trường nước trong ao nuôi bị ô nhiễm thì xử lý ngay môi trường ao nuôi bằng vôi bột, Zeolite và BKA...

Thiết nghĩ, để khống chế được dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, ngoài sự giúp đỡ của các ngành chức năng về mặt kỹ thuật, cần đảm bảo dinh dưỡng và môi trường hợp lý trong ao nuôi để ổn định sức đề kháng cho con tôm. Chính quyền địa phương sớm vào cuộc vận động công đồng nuôi tôm cùng nhau bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm tránh lây lan từ hộ này sang hộ khác, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân nuôi tôm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast