Đổi mới cách “đòi”, nợ bảo hiểm vẫn không giảm!

(Baohatinh.vn) - Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT... kéo dài, thậm chí với số tiền lớn đã tồn tại từ nhiều năm nay đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng thực tế số tiền nợ lại lớn thêm. Mời làm việc, lập biên bản hành chính các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH là biện pháp vừa được các ngành chức năng phối hợp triển khai liệu có ngăn chặn được tình trạng trên.

Báo động những con số

Theo số liệu từ BHXH tỉnh, tổng số nợ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 4/2015 là 78.833 triệu đồng, tăng 20.292 triệu đồng so với thời điểm cuối tháng 3/2015 và ở mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó: nợ BHXH 64.936 triệu đồng, tăng 15.697 triệu đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp 2.777 triệu đồng, tăng 707 triệu đồng; nợ BHYT 11.120 triệu đồng. Các đơn vị thuộc lĩnh vực xây dựng chiếm phần lớn trong các “con nợ”.

Địa phương có số nợ BHXH, BHYT nhiều nhất là TP Hà Tĩnh. Theo BHXH thành phố, tính đến hết tháng 4/2015, số nợ này đã lên đến trên 24 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 của cả tỉnh.

Đổi mới cách “đòi”, nợ bảo hiểm vẫn không giảm! ảnh 1

Các ngành liên quan đã tổ chức nhiều buổi làm việc với doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động để tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT.

Đáng lưu ý là số tiền các đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên đã đạt mức 20.682 triệu đồng, trong khi đó, số đơn vị sử dụng lao động nợ BHYT cũng đã ở con số 11.120 triệu đồng. Không ít đơn vị nợ kéo dài từ 30-45 tháng với số tiền từ vài ba trăm triệu đến gần tỷ đồng. Nhiều đơn vị nợ BHXH, BHYT kéo dài từ năm này sang năm khác vẫn chưa chấp hành “giấy mời làm việc” của các cơ quan chức năng...

Đổi mới hình thức “đòi nợ”, tình hình vẫn không cải thiện

Để ngăn chặn tình trạng này, những năm qua, các ngành như: Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh... đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhưng kết quả chưa như mong muốn. Nợ BHXH, BHYT... vẫn không ngừng tăng. Năm 2014 và cuối tháng 4/2015, các ngành trên đã triển khai thêm hình thức “đòi nợ” mới với hy vọng sẽ ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nợ lâu nay của các đơn vị, chủ sử dụng lao động. Bên cạnh các giải pháp cũ, các ngành này đã tổ chức mời làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT.

Theo BHXH tỉnh, tại các cuộc làm việc, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các đại diện đơn vị, chủ sử dụng lao động nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đóng nộp BHXH, BHYT... cho người lao động và ký cam kết thực hiện, các bên còn trực tiếp thảo luận, trao đổi thẳng thắn để nắm bắt tâm tư, những khó khăn, vướng mắc nhằm chung tay tháo gỡ. Mạnh tay hơn, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH còn ra quyết định xử phạt đối với các đơn vị nợ lâu, số tiền lớn. Nhìn chung, đại diện các đơn vị, chủ sử dụng lao động tại các buổi làm việc trên đều nhận thức được trách nhiệm và ký cam kết thực hiện.

Các ngành liên quan, nhất là cơ quan BHXH tỉnh như “mở cờ trong bụng”. Những tưởng, sau các cuộc làm việc nghiêm túc lại được chủ sử dụng lao động ký cam kết thực hiện thì số nợ sẽ nhanh chóng giảm. Thế nhưng, số tiền các đơn vị nộp sau khi làm việc, ký cam kết cũng chẳng được là bao, nặng về việc đối phó... Theo cơ quan BHXH thành phố Hà Tĩnh, năm 2014, số tiền 39 đơn vị nợ BHXH, BHYT cộng với lãi do chậm đóng là gần 6,5 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ có 22 đơn vị nộp với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tính ra, mỗi đơn vị chỉ nộp trên 40 triệu đồng. Đó là chưa kể gần chục đơn vị còn lại đến nay chưa nộp. Năm 2015, cũng tại địa phương này, nửa tháng sau ngày mời làm việc (25/4), chỉ mới 2/41 đơn vị nộp với số tiền vỏn vẹn 61 triệu đồng/5 tỷ đồng nợ.

Có thể thấy, các ngành liên quan đã chủ động, trăn trở trong cách làm nhằm ngăn chặn tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT nhưng để đạt được kết quả tốt, điều đầu tiên, mang tính quyết định là phải mời được người đứng đầu doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động tham dự cuộc làm việc và ký cam kết. Thực tế qua 2 cuộc làm việc vừa qua, hầu hết người tham dự là kế toán, người phụ trách BHXH hoặc làm công tác công đoàn nên chẳng quyết được! Qua đó cũng dễ nhận ra rằng, người đứng đầu doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đang tìm cách né tránh, thiếu trách nhiệm.

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast