Đón cơ hội việc làm khi gia nhập AEC

Cuối năm 2015, Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trong đó có 8 nghề được công nhận lẫn nhau gồm kế toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sĩ, y tá, điều tra viên, du lịch.

Để không thua trên sân nhà, đòi hỏi người lao động phải đáp ứng thêm nhiều tiêu chuẩn và các trường nghề có chiến lược đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường.

Người lao động thiếu thông tin

Chu Lan Anh, tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khi ứng tuyển vào các các doanh nghiệp công nghệ đã gặp những rào cản lớn về ngoại ngữ, kinh nghiệm. “Mới đây, em có cơ hội thực tập tại công ty đa quốc gia, ngoài thiếu hụt về ngoại ngữ, hầu hết sinh viên đều thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm. Trước đây khi chúng em học trên giảng đường thì chủ yếu thiên về lý thuyết và thiếu thực hành cũng như thông tin trong quá trình hội nhập”, Lan Anh chia sẻ.

Một số trường nghề đã chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

Một số trường nghề đã chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

Trong khi đó Nguyễn Khánh Linh đang làm việc chuyên ngành quản lý khách sạn tại Singapore nhận xét: “Vì từng du học tại Luxempourg nên bằng cử nhân của tôi được doanh nghiệp Singapore chấp nhận. Đi làm việc trong môi trường quốc tế, tiếng Anh có vai trò quan trọng. Để đáp ứng công việc, bên cạnh học các lớp chuyên môn sâu, chúng tôi thường xuyên phải đọc tài liệu trên mạng hoặc trao đổi thông tin với bạn bè, đối tác để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm”.

Từ thông tin người lao động cho thấy, dù sắp gia nhập AEC nhưng thông tin đến với lao động trẻ, nhất là học sinh sinh viên rất mơ hồ. Trong 8 ngành nghề, thì tác động nhiều và rộng nhất là nghề du lịch. Tuy nhiên đến nay, các trường cũng khá mù mờ thông tin vì chưa có Khung trình độ quốc gia để từ đó bố trí nội dung giảng dạy tương ứng. Thậm chí, tại Việt Nam hiện nay có tới 3 khung chương trình khác nhau dẫn đến sinh viên các trường lĩnh vực du lịch đang trong tình trạng mỗi nơi dạy theo giáo trình riêng.

Theo đó, 14 trường thuộc Bộ VHTTDL quản lý dạy theo Khung trình độ của Bộ chủ quản ban hành nhiều năm nay. Các trường khác, nơi dạy theo chương trình VTOS (do dự án Eu tài trợ), nơi thì dạy thí điểm theo Khung trình độ của Malaysia do Tổng cục dạy nghề hướng dẫn. “Mỗi giáo trình theo khung trình độ có ưu điểm khác nhau nhưng quan trọng nhất là khung tham chiếu với trình độ ASEAN chưa có dẫn đến nhiễu thông tin. Cái cần thì chưa có, cái có thì chưa đủ”, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Do đó, nhiều học sinh, sinh viên các trường nghề du lịch phản ánh rất mong muốn có thông tin cụ thể về khung trình độ để còn đầu tư học các học phần đáp ứng yêu cầu trình độ chung ASEAN để sau này nếu có cơ hội sẽ xin đi làm việc ở nước ngoài. Điều này tác động không nhỏ lựa chọn học nghề cũng như định hướng học tập của học sinh, sinh viên.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, gia nhập AEC tạo nhiều cơ hội tìm việc làm cho người lao động. Cùng với quá trình hội nhập thị trường lao động, việc gia nhập AEC sẽ có dịch chuyển về vốn, công nghệ, kinh doanh dịch vụ và lao động. Người lao động có cơ hội tiếp cận chỗ làm việc mới mà ở cả quốc gia khác. Do đó, người lao động cũng phải chủ động trong việc tự hoàn thiện các kỹ năng đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Đổi mới các trường dạy nghề

Dù đã cận kề thời gian, nhưng các chuyên gia cho rằng công tác đào tạo nhân lực vẫn chưa theo chuẩn của khu vực. Ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, có 6 ngành nghề trong lĩnh vực du lịch được công nhận vào cuối năm 2015 khi gia nhập AEC là: Buồng, lễ tân, nhà hàng, chế biến món ăn, đại lý lữ hành và điều hành tour.

Hiện có 2 nghề buồng và lễ tân được Bộ VHTTDL lựa chọn gửi Ban thư ký nghề ASEAN công nhận. Còn 6 nghề còn lại đang lấy ý kiến tham vấn của chuyên gia, doanh nghiệp. “Về kỹ thuật, sau khi tiếp nhận bộ tiêu chuẩn nghề của Việt Nam, Ban thư ký về Tiêu chuẩn nghề ASEAN sẽ so sánh với bộ tiêu chuẩn nghề chung của khối. Nếu thấy tương ứng, họ sẽ công nhận và các trường có thể chiếu theo bộ tiêu chí đó để xây dựng chương trình dạy và học và đăng ký với Hội đồng thẩm định nghề ASEAN để khi ra trường, học viên đó sẽ được cấp giấy chứng nghề tương đương”, ông Trần Phú Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hoài Thu, đại diện trường Đại học Dân lập Phương Đông, vì Việt Nam chưa đăng ký Khung trình độ nghề với Ban thư ký ASEAN nên các trường cũng chưa thể phổ biến cho học sinh, cũng như xây dựng nội dung giảng dạy tương ứng.

Một yếu điểm dễ nhận thấy là nghề du lịch trong khối ASEAN sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung, còn ở Việt Nam, các tiêu chuẩn nghề mới chỉ có tiếng Việt. Theo phản ánh của các trường dạy nghề trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam vẫn chưa có khung trình độ nghề du lịch quốc gia để so sánh với khung trình độ tương đồng trong khối ASEAN là quá muộn.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng trung cấp Huế cho biết: “Để sinh viên có việc làm và thích ứng ngay với công việc và đáp ứng hội nhập, nhà trường đã ký kết với 40 doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường mời doanh nghiệp tham gia điều chỉnh nội dung giảng dạy và cả quá trình đào tạo. Từ Khung trình độ chuẩn theo ASEAN, nhà trường có thể sẽ điều chỉnh nội dung cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu thực tế”.

Tương tự như nghề du lịch, nghề kỹ sư cũng đang gặp rào cản về chất lượng nguồn nhân lực. Theo Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, có đến 30% nhân lực phần cứng và 44% nhân lực phần mềm đều yếu ngoại ngữ. Do thiếu thông tin, nên hiện chưa có kỹ sư đăng ký theo tiêu chuẩn ACPE, tiêu chuẩn quan trọng nhất công nhận trong khối ASEAN.

Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, quá trình hội nhập vào AEC sẽ là động lực để các trường dạy nghề phải đổi mới. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015, các trường sẽ chủ động xây dựng nội dung dạy học đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Lúc đó, Tổng cục dạy nghề chỉ thiết kế tiêu chuẩn đầu ra. Do đó, các trường dạy nghề hoàn toàn có thể tham khảo quy chuẩn về đào tạo nghề theo chuẩn ASEAN để có nội dung tương ứng.

Đáp ứng yêu cầu về Luật Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay Tổng cục dạy nghề đang tiến hành rà soát lại hệ thống trường nghề và sẽ có sự sắp xếp lại. Theo đó, các trường nghề yếu kém, không có học sinh sẽ phải sáp nhập hoặc giải thể. “Các trường còn lại cũng phải có những bước đổi mới chương trình, giáo viên… để đáp ứng tình hình mới”, ông Dương Đức Lân cho biết.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast