''Dung Quất không giúp giá xăng trong nước dễ thở''

Sản phẩm từ nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ đáp ứng 10% nhu cầu, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng không thể kỳ vọng giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh theo kiểu Mỹ hoặc Anh.

Sáng nay, Liên bộ Tài chính - Công Thương tổ chức họp báo lý giải chuyện vì sao thị trường nhiên liệu thế giới liên tục hạ nhiệt trong những ngày qua mà giá xăng dầu trong nước không giảm theo.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Trần Văn Hiếu cho biết 14 ngày qua, giá xăng dầu thế giới đã giảm từ 0,8% đến 8,6% so với giá bình quân của tháng 6, tùy loại. Mức giảm chủ yếu tập trung vào dầu thô, còn các loại xăng dầu thành phẩm giảm không đáng kể. Trong đó, xăng A92 thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore vào khoảng 69,71 USD một thùng, dầu hỏa giá 71,64 USD một thùng, diezel giá 71,33 USD và dầu thô giá 63,79 USD một thùng.

Theo tính toán của Liên bộ Tài chính - Công Thương, với giá nhập này, sau khi phải trừ các khoản phí, thuế nhập khẩu (xăng 20%, diezel 20%, dầu hỏa 30%) và khoản trích lập trả lại Nhà nước (1.000 đồng mỗi lít đối mặt hàng xăng mà Bộ Tài chính tạm ứng cho các doanh nghiệp vay để tự xử lý lỗ), mỗi lít xăng doanh nghiệp đang lỗ 179 đồng. Riêng 2 loại dầu diezel và dầu hỏa, doanh nghiệp lãi 136-750 đồng mỗi lít.

Xăng dầu chưa có cơ hội giảm giá. Ảnh: Hoàng Hà.

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhắc lại chuyện cho dù giá xăng dầu theo cơ chế thị trường từ 1/7/2007, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn theo yêu cầu của Chính phủ, dẫn tới lỗ hơn 4.040 tỷ đồng trong cả hai năm 2007 và 2008. Bộ Tài chính đã tạm ứng cho doanh nghiệp vay trên 4.038 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp mới trích trả ngân sách khoảng 38% so với khoản tạm ứng. 2.508 tỷ đồng còn lại doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục hoàn trả ngân sách.

Trước tình hình trên, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã xin ý kiến Chính phủ được điều hành giá theo hướng nâng thuế nhập khẩu phù hợp với barem đã công bố; doanh nghiệp tiếp tục trích 1.000 đồng mỗi lít xăng để trả ngân sách, trích khoản tiền tương ứng cho quỹ bình ổn giá. Khi dầu thế giới tiếp tục hạ nhiệt, sẽ tiến tới giảm giá bán trong nước.

Như vậy, tạm thời, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên hiện hành với 14.200 đồng một lít xăng A92; xăng A95 giá 14.700. Dầu hỏa có giá 13.650 đồng, dầu mazut giá 10.500 đồng và dầu diezel giá 12.100 đồng.

Mới đây, hơn 5.000 m3 xăng A92 tự sản xuất trong nước đã được xuất khỏi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho rằng sản lượng từ Dung Quất mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu, vì vậy áp lực giá không giảm là bao. Ngay cả khi sản lượng trong nước đáp ứng trên 30% nhu cầu cũng không kỳ vọng giá trong nước sẽ "dễ thở" hơn.

"Nguyên tắc điều hành giá cả là phải tuân theo thị trường, không thể mua cao bán thấp, đồng thời còn phải căn cứ trên cân đối cung cầu, kết quả kiểm toán lỗ lãi từ doanh nghiệp, thuế phí...", ông Hiếu nói.

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho biết Dự thảo sửa đổi Nghị định 55 đang được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng theo hướng doanh nghiệp được tự quyết định điều chỉnh giá bán trong phạm vi cho phép mà không cần xin ý kiến các bộ ngành. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp đặc biệt giá thế giới tăng, hoặc giảm đột biến. "Nghị định 55 sẽ được sửa đổi theo hướng phù hợp với điều kiện của Việt Nam chứ không thể kỳ vọng giá cả sẽ được điều hành theo kiểu Mỹ, hay Anh một khi chúng ta vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu chủ yếu", Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhấn mạnh.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast