Góp phần đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển

(Baohatinh.vn) - Sau ngày tái lập tỉnh (năm 1991), trong bộn bề khó khăn, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, hướng dẫn việc làm cho người lao động, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 283/QĐ-UBND ngày 9/11/1991, thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hướng dẫn việc làm Hà Tĩnh. Từ đó đến nay, nhà trường đã có nhiều bước trưởng thành về quy mô và chất lượng, đóng góp vào xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Ngày đầu thành lập, Trung tâm Dạy nghề và Hướng dẫn việc làm chỉ có 3 cán bộ, trong khi chưa có đất, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn. Những lớp học nghề ban đầu là may dân dụng công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy liên kết với Trung tâm Dạy nghề Đà Nẵng, kết nối việc làm với các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, bình quân mỗi năm giới thiệu việc làm cho học viên tại khu công nghiệp phía Nam từ 1.500 - 2.000 lao động.

gop phan dao tao nhan luc phuc vu su nghiep phat trien

Học sinh Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh thực hành sửa chữa động cơ ô tô...

2 năm sau, ngày 17/3/1993, để phù hợp với thời kỳ mới, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1750/QĐ-UBND đổi tên Trung tâm Dạy nghề và Hướng dẫn việc làm thành Trung tâm Xúc tiến việc làm. Giai đoạn này, trung tâm bắt đầu hành trình dạy nghề lái xe ô tô, xe máy, lái đò và đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Từ năm 1993-1996, mỗi năm, tỉnh có từ 500 - 1.000 lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc và từ 1.500 - 2.000 lao động có việc làm ở các khu công nghiệp đã cho thấy đóng góp tích cực của Trung tâm Xúc tiến việc làm.

Đầu năm 2001, trung tâm di chuyển văn phòng chính từ thị trấn Cày vào phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh). Nhận bàn giao “cơ ngơi mới” với vài gian nhà tuềnh toàng trên diện tích 1.200 m2 mua lại của Công ty TNHH 1/9, 36 cán bộ, giáo viên đứng trước muôn vàn khó khăn. Tuy vậy, giai đoạn này, thị trường lao động nước ngoài phát triển đến cực điểm nên mỗi năm, trung tâm giới thiệu đi xuất khẩu tại Malaysia gần 2.000 người.

Bên cạnh đó, mỗi năm, trung tâm đào tạo 15.000 - 20.000 lái xe mô tô, 1.500 - 2.000 lái xe ô tô. Trung tâm cũng đã mở rộng quy mô, diện tích với 2,3 ha tại phường Hà Huy Tập và sân tập lái 2,4 ha ở Thạch Ngọc (Thạch Hà).

Năm 2002, Trung tâm Xúc tiến việc làm được đổi tên thành Trung tâm Dạy nghề và Giải quyết việc làm; đến ngày 14/4/2003, lại đổi tên thành Trung tâm Dạy nghề Hà Tĩnh, phát triển mạnh các nghề điện gắn với xuất khẩu lao động. Nhờ đó, từ năm 2001-2005, trung tâm đã được nhận nhiều bằng khen, cờ thi đua của tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH, đặc biệt, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

gop phan dao tao nhan luc phuc vu su nghiep phat trien

Công tác hợp tác đào tạo luôn được nhà trường chú trọng.

Ngày 9/11/2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2610/QĐ-UBND nâng cấp Trung tâm Dạy nghề Hà Tĩnh thành Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh. Những lớp học đầu tiên hệ trung cấp nghề được tuyển sinh với 2 khoa, 3 phòng và 1 trung tâm gồm: Khoa Xây dựng, Khoa Giao thông, Phòng Đào tạo quản sinh, Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Kế hoạch - Tài chính.

Tranh thủ các nguồn hỗ trợ, nhà trường đã mở rộng khuôn viên, đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy học. Trường đã tiếp cận được công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đào tạo lái xe, máy công trình, cơ khí ô tô, hàn. Cùng với nâng cấp thiết bị nhà xưởng, nội dung chương trình giảng dạy cũng được quan tâm; đã có 5-8 nghề hệ trung cấp được biên soạn và sửa đổi khá hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại các khu kinh tế của tỉnh. Từ 2006-2010, mỗi năm, bình quân nhà trường đào tạo từ 4.000 - 5.000 lượt người, trong đó, trung cấp nghề 200 - 2.500 người. Công tác giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động phát triển mạnh, trường đã trở thành điểm sáng.

Để khẳng định uy tín đào tạo, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy. Năm 2010, trường được Tổ chức kiểm định quốc tế ITG và Bộ LĐ-TB&XH công nhận chất lượng đào tạo nghề đạt cấp độ III - cấp độ cao nhất trong quy chuẩn đào tạo nghề. Hội tụ các điều kiện, năm 2012, thầy trò và tập thể cán bộ, giáo viên vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, được Chủ tịch Quốc hội khóa XIII - Nguyễn Sinh Hùng về thăm.

Những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới toàn diện GD&ĐT, trường đã mở ra những hoạt động mới, hình thành Khoa Đào tạo nghề thương mại – Du lịch; Khoa Nông lâm, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, bổ sung chức năng tư vấn du học gắn đào tạo nghề và xuất khẩu lao động, mở mô hình mới dạy học THPT và đào tạo trung cấp nghề; thành lập Trung tâm Huấn luyện an toàn lao động - Vệ sinh lao động.

Năm 2016, triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, việc làm và thu nhập của người lao động sau học nghề là mục tiêu hành động, Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh bước vào lộ trình đổi mới toàn diện, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế tri thức và hội nhập, trở thành địa chỉ tin cậy của người học nghề. Kỷ niệm 25 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất là mốc son quan trọng để tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường thắt chặt tình đoàn kết, nỗ lực phấn đấu viết tiếp trang sử vẻ vang của trường.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast