Hướng tới xóa nghèo bền vững

(Baohatinh.vn) - Theo số liệu báo cáo tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết 30A của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo” diễn ra vừa qua, đến cuối năm 2014, tỷ lệ bình quân hộ nghèo của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước...

Hướng tới xóa nghèo bền vững ảnh 1
Nghề nuôi ong góp phần nâng cao thu nhập cho người dân miền núi Vũ Quang

Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, cá biệt có huyện từ 60-70%. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh nhưng hộ cận nghèo lại tăng, số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo các huyện nghèo trong cả nước. Mặc dầu hệ thống cơ sở hạ tầng ở các làng nghèo, xã nghèo bước đầu đã được Nhà nước chú trọng đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được đời sống của người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển KT-XH.

Hội nghị đã phân tích, thảo luận và nhận định việc giảm nghèo chưa bền vững do nhiều nguyên nhân, như: chính sách còn chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, nội dung, địa bàn. Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo nên phát sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Cơ chế phân cấp trách nhiệm giải trình đối với cấp huyện và cấp xã chưa rõ, nhất là với các công trình hỗ trợ phát triển sản xuất, hạ tầng dân sinh quy mô vừa và nhỏ, làm hạn chế vai trò chủ động của cấp xã, hạn chế sự tham gia của người dân. Cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng dân tộc, miền núi chưa đủ mạnh nên vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào huyện nghèo…

Để giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phải có những bước đi thích hợp xuất phát từ cơ chế, định chế và biện pháp khoa học cụ thể nhất. Đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát hộ nghèo, trước hết, cán bộ chính quyền cơ sở phải chống được bệnh quan liêu, bệnh thành tích, dĩ hòa vi quý trong công tác chăm sóc và giúp đỡ người nghèo.

Theo đó, Hà Tĩnh cần tiếp tục tập trung đầu tư giúp những hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để họ không tái nghèo. Thực hiện đồng bộ các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập như hướng nghiệp, dạy nghề; gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ. Cần phải tận dụng lợi thế, tiềm năng ở các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang để đem “cơ may” cho người nghèo phát triển chăn nuôi hươu, trâu, bò, dê, thỏ, lợn...

Cùng đó là tìm kiếm đối tác khai thác bạn hàng ở ngoài nước để phát triển các ngành nghề truyền thống mây, tre, nứa, thủ công mỹ nghệ, gắn với tiêu thụ sản phẩm để tăng thêm thu nhập, hạn chế được những rủi ro; tuyên truyền, giới thiệu kịp thời những mô hình, kinh nghiệm thoát nghèo nhanh, bền vững của các hộ gia đình, kinh nghiệm sử dụng vốn vay có hiệu quả để mọi người học tập và hướng tới mục tiêu xóa nghèo bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast