Khó thực hiện mua bảo hiểm cho người giúp việc

(Baohatinh.vn) - Từ ngày 25/5/2014, theo Nghị định 27/2014 của Chính phủ, giữa chủ nhà với người giúp việc phải ký kết hợp đồng lao động và chủ nhà phải mua bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người giúp việc. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, quy định này thiếu tính khả thi, khó áp dụng trong thực tiễn.

Không ai mặn mà

Theo Nghị định 27/2014 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 25/5/2014, khi có nhu cầu sử dụng người giúp việc, giữa chủ nhà và người giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng lao động, nội dung hợp đồng ghi rõ thỏa thuận về tiền lương. Tổng tiền lương bao gồm cả chi phí ăn ở của người giúp việc do 2 bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; được trả thêm tiền lương nếu làm ngoài thời gian trong hợp đồng hay ngày lễ, tết; được chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT để người giúp việc tự mua bảo hiểm.

Chủ nhà phải ký hợp đồng và đóng bảo hiểm cho người giúp việc. (Ảnh: Internet)

Chủ nhà phải ký hợp đồng và đóng bảo hiểm cho người giúp việc. (Ảnh: Internet)

Với quy định trên, ngoài khoản tiền lương trả cho người giúp việc gia đình cao hơn mức lương tối thiểu vùng, thì chủ nhà phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Số tiền chi trả thêm hiện nay tối thiểu khoảng 600.000 đồng/tháng.

Theo khảo sát thực tế, mặt bằng tiền lương cho người giúp việc trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, khoản tiền này đã cao hơn quy định mức lương tối thiểu của Chính phủ. Nhiều chủ nhà cho biết, họ không thể kham nổi thêm khoản tiền đóng bảo hiểm này vào tiền lương.

Chị Trần Thị Vân (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết, gia đình chị thuê người giúp việc gần 3 năm nay. Trừ tiền phí sinh hoạt, ăn uống, mỗi tháng, chị trả lương “cứng” cho người giúp việc 3,5 triệu đồng. Không những thế, người giúp việc cũng được nghỉ về quê và được chị Vân cho tiền tàu xe, quà cáp.

“Theo nghị định mới này, để đóng bảo hiểm chẳng lẽ tôi lại cắt bớt tiền lương của người giúp việc. Vậy chắc cũng không hay, khó xử cho cả tôi lẫn người giúp việc. Còn nếu không cắt bớt mà thêm mấy trăm ngàn đóng bảo hiểm, chắc tôi không kham nổi” - chị Vân nói.

Đối với những người giúp việc, chuyện dành ra một khoản tiền để đóng BHXH là không thực tế. Chị Võ Thị Loan, một người giúp việc tại TX Hồng Lĩnh tâm sự: “Dù giúp việc gia đình có trở thành một nghề được xã hội công nhận thì chúng tôi cũng chẳng ai muốn mang “thương hiệu” này cả, không ai thích gắn bó với cái nghề này lâu. Như tôi, vì xin vào nhà máy làm công nhân chưa được, nên tạm thời phải làm thôi. Không biết đóng bảo hiểm vài năm rồi không tham gia nữa thì tôi có được hưởng quyền lợi gì không”.

Thắc mắc này cho thấy, chính những người giúp việc cũng chưa hiểu hết các chế độ về BHXH, vì thế, không ai mặn mà tham gia.

Chị Mai Thị Chung - nhân viên giúp việc cho một đại lý bán hàng tạp hóa ở thị trấn Hương Khê nói: “Tôi không muốn bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động vì nhỡ ký hợp đồng xong rồi trong quá trình làm việc không hợp với nếp sống của chủ nhà thì chẳng lẽ phải cố gắng làm tiếp cho hết hợp đồng? Có mấy ai ở cố định với một chủ nhà mãi mà tham gia bảo hiểm? Nếu có thì chắc chắn lương của chúng tôi lại bị chia năm sẻ bảy, bởi chủ nhà chỉ trả cho chúng tôi bao nhiêu đó thôi”.

Thiếu tính khả thi

Việc ban hành các quy định chi tiết về lao động giúp việc gia đình là cần thiết. Đây là những bước tiến đáng mừng trong chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội. Đặc biệt, với việc pháp luật thừa nhận giúp việc gia đình là một nghề cụ thể (không còn bị coi là ô-sin, người ở) bắt buộc chủ nhà phải ký hợp đồng lao động sẽ là cơ sở để bảo vệ họ trước pháp luật nếu có tranh chấp xảy ra cũng như tạo điều kiện để họ được đóng BHXH và BHYT như các nghề khác. Tuy nhiên, thực tế đội ngũ lao động giúp việc ở Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Từ trước đến nay, thuê người giúp việc luôn là thỏa thuận miệng từ mức lương đến mô tả công việc. Trong quá trình làm việc, nếu 2 bên không vừa ý nhau có thể nghỉ hoặc cho nghỉ bất cứ lúc nào, điều này khiến việc thực hiện Nghị định số 27 phải có hợp đồng lao động là khó khả thi. Đồng thời, việc quy định người sử dụng lao động phải trả một phần cùng với lương để người lao động tự mua BHXH, BHYT cũng khó áp dụng trong thực tiễn. Bởi lẽ bản thân người lao động thường có hoàn cảnh khá khó khăn nên mới đi giúp việc. Nếu có tiền, họ sẽ chi dùng cho gia đình chứ không nghĩ tới việc mua BHXH, BHYT để được hưởng chế độ.

Một trong những thiếu sót trong quy định này còn thể hiện ở chỗ phần lớn những người giúp việc gia đình đều là người lớn tuổi và trẻ em. Trường hợp người giúp việc là nữ trên 55 tuổi, quá độ tuổi để được đóng bảo BHXH, vậy người sử dụng lao động có phải trả thêm khoản tiền này cho người lao động không và nếu không trả thì có vi phạm pháp luật hay không, vẫn chưa được nghị định đề cập tới. Đồng thời, hiện nay có đội ngũ giúp việc gia đình theo giờ, làm cho nhiều chủ cùng lúc, vậy trong trường hợp này, ai sẽ là người ký hợp đồng với họ?

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn tất thông tư hướng dẫn Nghị định số 27 của Chính phủ, dự kiến, chính quyền xã, phường, thị trấn sẽ là cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện việc ký kết hợp đồng và đóng BHXH, BHYT cho người giúp việc gia đình. Tuy nhiên, ngay chính lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận sẽ khó “quản” việc này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast