Làng nghề trước thềm xuân (Bài 3): Hàng mã tất bật

(Baohatinh.vn) - Cùng với hương hoa, mâm ngũ quả, cặp bánh chưng thì vàng mã là một trong những thứ không thể thiếu mà mỗi gia đình dâng lên ban thờ tổ tiên ngày tết. Những ngày này, người làm nghề đang tất bật để đáp ứng nhu cầu thị trường...

>> Bài 1: Làng hoa rộn ràng

>> Bài 2: Làng hương hối hả

Anh Hoàng Quyền (tổ dân phố 2, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) chuyên sản xuất hàng mã cho biết: “Cơ sở của gia đình tôi làm các sản phẩm như nhà cửa, quần áo cho người âm. Ngoài ra, nếu khách đặt hàng làm các vật dụng như điện thoại, xe máy… thì chúng tôi làm, còn lại phải đặt từ Bắc Ninh chuyển vào. Ngay từ tháng 10 âm lịch đã phải tích trữ hàng phục vụ tết”.

Làng nghề trước thềm xuân (Bài 3): Hàng mã tất bật ảnh 1

Ngay từ tháng 10 âm lịch, các hộ làm hàng mã ở Xuân Hồng (Nghi Xuân) đã bắt tay vào làm hàng tết.

Còn ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân), hàng mã cũng được các hộ dân sản xuất quanh năm. Tuy nhiên, dịp tết, nhu cầu cúng giải hạn, xin lộc đầu năm cao hơn, thị trường hàng mã bởi vậy cũng sôi động hơn. Các hộ làm hàng mã chủ yếu gần dưới chân đền Chợ Củi. Sản phẩm chủ yếu là ngựa, hổ, tòa sơn trang, kiệu, thuyền, bè… Còn các sản phẩm hàng mã khác như đinh vàng, tiền, vàng thỏi, vàng nén…, các đại lý phải nhập ngoài Bắc.

Các sản phẩm được làm ra hoàn toàn bằng thủ công. Từ đan cốt đến dán giấy thô, giấy màu và hoàn thiện các chi tiết đều do đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mẩn của người thợ. Giá cả hàng mã vào dịp giáp tết hầu như không chênh lệch so với năm ngoái. Một con ngựa kích cỡ như ngựa thật có giá 300 nghìn đồng, tòa sơn trang 500-600 nghìn đồng… Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm lên đến hàng triệu đồng. Với những mặt hàng đắt tiền, chỉ khi khách đặt thì thợ mới làm.

Thoăn thoắt quét keo dán các chi tiết để hoàn thiện con ngựa giấy khổng lồ, chị Trần Thị Thảo (thôn 1, Xuân Hồng) cho hay: Trong năm, cứ thời gian nào rảnh thì chuẩn bị dần các chi tiết. Có khi làm trữ hàng trăm bộ ướm ngựa để gần tết bớt được một công đoạn. Một ngày, 3 người làm cật lực được 12 con ngựa to.

Làm nghề hơn 10 năm, anh Nguyễn Xuân Kiểu (thôn 1, Xuân Hồng) chia sẻ: Với những người làm hàng mã, không có chuyện chơi tết. Gần tết, anh huy động người nhà, thuê thêm thợ làm miệt mài cả ngày, có hôm đến khuya mới kịp hàng giao cho khách. Những người làm nghề này thường tất bật đến tận 26 tết thì tạm nghỉ, nhưng ngay sau thời điểm giao thừa, sáng mồng 1 lại bắt đầu công việc.

Hàng làm ra không lo ế, khách buôn tự tìm đến tận nhà để mua. Cũng có người đặt hàng trước rồi hẹn ngày lấy. Hàng mã ở Xuân Hồng được phân phối khắp các huyện, thị trong toàn tỉnh và đang dần phát triển ra thị trường TP Vinh (Nghệ An).

Anh Nguyễn Văn Đức, một khách buôn ở Cẩm Xuyên cho biết: “Từ tháng 10, 11 âm lịch, chúng tôi đã lấy hàng tết. Thời điểm này, khách hàng đã rục rịch đi mua, đặc biệt là những gia đình chịu trách nhiệm hương hỏa ở nhà thờ họ, sắm lễ tạ cuối năm....

Nghề làm vàng mã không chỉ phục vụ tín ngưỡng thờ cúng của người Việt mà còn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân. Việc đốt vàng mã vào dịp giỗ, tết đã ăn sâu vào thói quen, nếp nghĩ của người dân, trở thành tập quán phổ biến. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng cần nêu cao ý thức để việc đốt vàng mã đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hợp lý; tránh biến tướng, lạm dụng, xa rời ý nghĩa thuần khiết vốn có.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast