Lao động trở về từ Libya - Niềm vui khôn tả, nỗi buồn khó xua...

(Baohatinh.vn) - Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, đến đầu tháng 8/2014, Việt Nam còn 1.500 lao động đang làm việc tại Libya, trong đó Hà Tĩnh có 413 lao động. Tính đến ngày 11/8, đã có 95/413 lao động Hà Tĩnh tại Lybia về nước an toàn. Số lao động còn lại tiếp tục được hỗ trợ, tạo điều kiện về nước sớm nhất.

Niềm vui ngày về…

Là một trong những lao động được trở về nước trên chuyến bay đầu tiên, cũng là một trong 48 lao động đầu tiên của Hà Tĩnh được trở về từ vùng chiến sự, anh Lê Hữu Thủy (31 tuổi, xóm 2, xã Nam Hương, Thạch Hà) không giấu nổi niềm vui: “Bao nhiêu gánh nặng tinh thần những ngày qua được trút hẳn khi trở về quê hương, về bên vợ con. Mấy ngày bên đó, không ngày nào là không nghe tiếng súng nổ, chúng tôi hoang mang và lo lắng lắm. Nay được Chính phủ và Công ty Huyndai Amco lo mọi thủ tục về nước, lại được tạm ứng mỗi người 1 triệu đồng, chúng tôi vô cùng cảm kích”.

Anh Thủy vui mừng đoàn tụ với gia đình.
Anh Thủy vui mừng đoàn tụ với gia đình.

Sang Libya từ tháng 9/2013, anh Thủy cùng nhiều lao động Việt Nam khác buộc phải về nước vì tình hình chiến tranh ác liệt tại quốc gia châu Phi này. Mặc dù nơi anh làm việc ở miền Đông của Libya, tình hình vẫn khá ổn định so với các khu vực như Tripoli và Benghazi, tuy nhiên, với anh Thủy thì chiến tranh, bom đạn, chết chóc vẫn luôn ám ảnh trong suốt những ngày qua.

Chị Phan Thị Bình (vợ anh Thủy) cho biết: “Nhà làm nông nên kinh tế khó khăn, vay mượn khắp nơi để có tiền cho chồng đi làm ở Lybia. Khi nghe tin Lybia xảy ra chiến tranh thì cả nhà lo lắm. Giờ thấy anh về khỏe mạnh, ai cũng mừng”.

Cùng chung niềm vui với người bạn đồng hành trên chuyến bay về nước, thoát khỏi cảnh bom đạn nguy hiểm, anh Hoàng Bắc (xóm 5, xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) xúc động: “Anh em tôi làm việc chỉ cách vùng chiến sự khoảng 100 km, hàng ngày đều nghe tiếng súng nổ, sợ lắm. Giờ được về nước, ai nấy đều vui”.

Nỗi lo còn đó…

Là những người “chân lấm tay bùn”, quanh năm vất vả với việc đồng áng, để được đi xuất khẩu lao động, hầu hết họ phải vay ngân hàng. Thời gian làm việc tại Libya chưa được tròn năm trong khi hợp đồng lao động là 3 năm, số tiền tích góp được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống bên đó và trả nợ, chứ chưa có tích lũy.

Căn nhà nhỏ của anh Thủy
Căn nhà nhỏ của anh Thủy

Anh Lê Hữu Thủy tâm sự: “Lương công ty chỉ trả đủ để chi phí sinh hoạt, còn mỗi tháng 8 triệu đồng, công ty chuyển khoản về cho gia đình. Như thế cũng góp được chút ít, giờ về thế này, cuộc sống lại vất vả, khó khăn. Làm công ở nhà lấy đâu ra từng đó tiền mà trả nợ, trang trải cuộc sống”.

“Điều kiện làm việc, sinh hoạt ở Libya rất tốt. Chúng tôi được ăn uống đầy đủ, buổi sáng được tập thể dục và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Nếu tình hình ổn định trở lại thì chúng tôi muốn tiếp tục sang làm việc, làm nông thì không đủ trang trải cuộc sống và cho con học hành” -anh Bắc chia sẻ thêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Ưu tiên hàng đầu đối với lao động trở về từ Lybia chính là hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Hiện nay, Sở đang theo dõi sát sao, nắm bắt thông tin số lao động Hà Tĩnh về nước để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh kế hoạch thăm hỏi, động viên kịp thời; có chính sách hỗ trợ những lao động hoàn cảnh khó khăn. Trước mắt, sau khi về nước, nếu những lao động nào có nhu cầu tiếp tục đi xuất khẩu trở lại, các ngành chức năng Hà Tĩnh và các doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ được chuyển sang một thị trường khác hoặc giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển KT-XH, các dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast