Mưu sinh trên đá

(Baohatinh.vn) - Lúc thủy triều xuống, ở các lèn đá nơi chân đê, chân kè lại xuất hiện hình ảnh những người phụ nữ tay thoăn thoắt, hì hục, đục đục, gõ gõ… Những mái đầu nhấp nhô bên những mảng đá lởm chởm. Dù nắng hay mưa, nóng bức hay lạnh giá, họ vẫn miệt mài với nghề đục hàu mưu sinh.

Công việc nhọc nhằn nhưng ở các chị vẫn ánh lên niềm hy vọng.
Công việc nhọc nhằn nhưng ở các chị vẫn ánh lên niềm hy vọng.

Lân la hỏi chuyện, tôi được biết, nghề đục hàu có từ xa xưa. Người dân còn gọi đây là nghề đi hàu, chọt hàu, chập hàu… Bà Nguyễn Thị Quyền (62 tuổi, xóm 2, xã Thạch Bàn, Thạch Hà) - người có thâm niên trong nghề cho biết: “Chúng tôi là những người dân nghèo, không ruộng đất. Tôi sống với nghề này từ nhỏ. Trước đây, theo làng làm muối nhưng nay nghề muối mai một nên chủ yếu kiếm sống bằng con hàu, con hến. Ngày trước, đục hàu không phải để bán, nhưng sau này, nhiều người hỏi mua nên dần thành nghề”.

Mỗi người chỉ cần 1 cái búa, 1 cái đục, 1 con dao là có thể hành nghề nhưng phải cần cù, chịu khó, tỉ mỉ và kỳ công. Hàu cũng giống đá, rất khó phân biệt, hơn thế lại bám chắc vào thành đá, phải gõ búa tới hàng chục lần mới lấy được chúng ra. Sau khi đưa những con hàu ra khỏi lớp vỏ cứng, đen sì, người đi hàu dùng nước sông để đãi sạch những vụn đá còn sót lại trong mỗi con hàu.

Đục hàu là công việc vô cùng cơ cực. Bàn tay sần sùi, đôi chân nứt nẻ, khuôn mặt đen sạm vì nắng… đó là hình ảnh của những người thợ “săn” hàu. Quệt giọt mồ hôi lăn dài trên má, chị Mai (Thạch Đỉnh) cho biết: “Nghề này chăm chỉ lắm cũng chỉ đủ sống qua ngày. Nhà chị không có ruộng nên phải đong gạo từng bữa. Đi đục hàu ngày dăm ba cân chỉ mong đủ tiền mua gạo và thức ăn. Bữa nào chợ ế thì mang về nhà nấu canh”.

Theo chân các bà, các chị, tôi mới thấm hết nỗi truân chuyên, vất vả của những người dân sống bằng nghề này. Chỉ một chút sơ ý là có thể bị đứt tay, đứt chân bởi vỏ hàu rất sắc. Chị Nguyễn Thị Lý (Thạch Bàn) đi hàu đã lâu, có khá nhiều kinh nghiệm, nhưng vẫn không ít lần trượt chân té ngã, vậy mà, hết đau lại tiếp tục “hành trình”.

Không chỉ đục hàu trên đá, nhiều chị còn lặn lội ở những vũng bùn của rừng ngập mặn để “săn” hàu. Chị Nguyễn Thị Lý (xóm Liên Giang, Thạch Mỹ, Lộc Hà) cho biết: “Nhà chị làm nông, tranh thủ lúc nông nhàn, khi thủy triều chưa lên để đi kiếm con hàu, vừa cải thiện bữa ăn, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”. Suốt nửa buổi sáng theo các chị lội bùn, tôi đã thấm mệt, ngứa và rát chân. Riêng các chị, miệng vẫn cười tươi.

Đi hàu phải chọn lúc thủy triều xuống, có thể buổi sáng hoặc chiều tối. Hàu sinh sản quanh năm nhưng “rộ” vào mùa đông, mùa xuân và mùa hạ. Người làm nghề này cho rằng hàu là “của trời cho” nên đi hàu phụ thuộc vào cái may, cái duyên. “Bữa nào khấm khá thì kiếm được khoảng 2 yến vỏ, chẻ ra được 5 kg ruột, mỗi kg giá 60-70 ngàn đồng, nhưng bữa rủi chỉ được dăm bảy lạng thôi” – bà cụ đã 78 tuổi ở xã Hộ Độ chia sẻ.

11h trưa, giữa cái nắng đầu mùa oi nồng, đám thợ “săn” hàu vẫn miệt mài, chăm chút bên từng phiến đá. Họ lật đi lật lại những phiến đá nằm ngổn ngang dọc những bờ đê, chân kè để tìm và gõ. Mệt nhọc, vất vả nhưng đây đó vẫn ánh lên niềm hy vọng, những nụ cười dí dỏm. Bởi sau lưng họ còn cả một gánh nặng mưu sinh…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast