Nghề vệ sĩ - nhiều thú vị, không ít hiểm nguy...

(Baohatinh.vn) - Vài năm trở lại đây, nghề bảo vệ chuyên nghiệp hay còn gọi là vệ sỹ xuất hiện ở Hà Tĩnh. Tuy là một nghề non trẻ nhưng vệ sỹ đã và đang trở thành một nghề khá hấp dẫn đối với nhiều người.

nghe ve si nhieu thu vi khong it hiem nguy

Vệ sĩ Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Cát Tường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ở TP Hà Tĩnh.

“Thường xuyên vắng nhà, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp hiểm nguy. Ngay cả khi lãnh đạo, nhân viên ở mục tiêu mình bảo vệ nghỉ là lúc mình càng phải tỉnh táo để làm việc. Dù vậy, nghề vệ sỹ cũng khá thú vị khi mình luôn ở trong tâm thế che chở cho người khác và luôn vững vàng, tự tin khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu an toàn” - anh Nguyễn Ngọc Lành, một vệ sỹ của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Cát Tường (TP Hà Tĩnh) tâm sự.

Anh Lành năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng khá nhanh nhẹn, hoạt bát và rắn rỏi, đặc biệt có đôi mắt sáng, tinh anh. Theo anh, làm nghề này, lâu dần, những thói quen trong công việc cũng nhiều lúc “bị ứng dụng” một cách rất tự nhiên vào cuộc sống đời thường. Đến bất cứ chỗ nào, mắt không ngừng quan sát cách ăn mặc của người này, từng cử chỉ của người nọ. Cũng theo chia sẻ của anh Lành, nghề vệ sĩ vất vả vì phải thường xuyên thức đêm. Vệ sĩ là nghề làm dâu trăm họ. Để trụ vững với nghề, yêu cầu đầu tiên của người vệ sĩ là phải có đạo đức, ngoài ra, còn phải kiên quyết, thẳng thắn, rõ ràng. Bản thân người vệ sĩ cũng phải mềm mỏng, linh hoạt trong nhiều tình huống để người ta hiểu và chấp hành quy định.

Mới về đầu quân cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Phương Vi (TP Hà Tĩnh), anh Hoàng Khánh Tùng cho biết: “So với các công việc đã làm trước đây, vệ sĩ là công việc phù hợp với tôi, bởi từ nhỏ tôi rất gan dạ, hay bênh vực, bảo vệ những người yếu đuối. Mặc dù kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng được đào tạo bài bản, gặp người xấu, bằng trực giác nghề nghiệp là tôi biết liền. Nghề của tôi luôn phải cứng rắn với các đối tượng xấu. Vì nếu mềm yếu, sẽ dễ bị các đối tượng lôi kéo, khó hoàn thành nhiệm vụ và trụ lại với nghề. Nhưng làm nghề này cực đã đành, nhiều lúc cũng tủi bởi không ít người còn nhìn mình với ánh mắt không mấy thiện cảm”.

Đối với nghề vệ sĩ, việc bảo vệ tài sản, tính mạng của chủ hoặc đơn vị thuê là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, những vệ sĩ như anh Lành, anh Tùng luôn xem việc giữ gìn tài sản của chủ như của mình.

Theo anh Hà Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Cát Tường, làm nghề vệ sĩ không dễ. Với công việc đặc thù, nghề này chỉ chọn những người thực sự có năng khiếu, thể lực, có khả năng quan sát, phán đoán và xử lý các tình huống. Khi được tuyển, các vệ sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và được trang bị một số “vốn” căn bản, từ trình độ võ thuật đến những kiến thức tổng quan như: Luật Lao động, Luật Hình sự, cách làm báo cáo, và cách ứng phó với các tình huống như sơ cứu, phòng cháy, chữa cháy...

“Nghề vệ sĩ tưởng đơn giản nhưng có không ít người đăng ký làm được một thời gian lại xin nghỉ bởi không chịu được áp lực của công việc. Hiện nay, mức lương khởi điểm tuy chưa cao, nhưng nếu hết lòng vì công việc, vệ sỹ sẽ được khen thưởng đúng với khả năng và trách nhiệm của mình” - anh Sơn cho biết thêm.

Cũng theo anh Hà Văn Sơn, hiện nay, ở Hà Tĩnh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, khách sạn có xu hướng thuê vệ sĩ để bảo vệ. Việc thuê vệ sĩ làm công tác bảo đảm ANTT tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan được thực hiện theo hợp đồng, giảm chi phí, đơn giản, thuận tiện hơn nhiều so với việc hợp đồng trả lương bảo vệ hàng tháng. Đây là một trong những lý do để nghề vệ sỹ có “đất sống” và ngày càng phát triển theo yêu cầu thực tiễn.

Để trở thành một vệ sĩ thực thụ, các nam thanh niên phải đạt tiêu chuẩn cao 1,68m, cân nặng 57 kg, nữ từ 1,58m, cân nặng 50 kg trở lên; có sức khỏe tốt, dẻo dai, nhanh nhẹn, tư cách tốt, lý lịch trong sạch, trình độ học vấn tối thiểu tốt nghiệp THPT; những người là bộ đội, công an nghĩa vụ phục viên thường được ưu tiên lựa chọn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast