Nhiều địa phương thiếu quyết liệt trong tổng điều tra lao động

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, toàn tỉnh đang quyết liệt triển khai việc tổng điều tra lao động, việc làm năm 2015. Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm và vào cuộc chưa quyết liệt của nhiều địa phương nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn, chất lượng chưa như kỳ vọng.

Cuộc điều tra nhiều ý nghĩa

Thực hiện Quyết định số 2534/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án điều tra lao động, việc làm trên địa bàn toàn tỉnh năm 2015, Sở LĐ-TB&XH đã nhanh chóng xây dựng và ban hành kế hoạch hướng dẫn ghi phiếu, tổng hợp thông tin điều tra lao động, việc làm năm 2015; phối hợp với Cục Thống kê, Tỉnh đoàn, UBND các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện công tác điều tra tại các hộ dân.

Hiện nay, các điều tra viên đang tích cực đến tận từng hộ để điều tra với các nội dung quan trọng như: trình độ học vấn phổ thông, trình độ chuyên môn, ngành nghề đào tạo, công việc chính đang làm, ngành nghề kinh tế, tổng số ngày công làm việc bình quân/tháng... Đồng thời, thành lập các tổ giám sát để đảm bảo việc điều tra được thực hiện một cách khách quan, chính xác.

Nhiều địa phương thiếu quyết liệt trong tổng điều tra lao động ảnh 1

Tổ công tác Sở LĐ-TB&XH trực tiếp xuống các địa phương hướng dẫn, giám sát công tác điều tra

Kết quả điều tra sẽ cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về thực trạng lao động trong các ngành kinh tế; lao động đang làm việc ở nước ngoài; lao động có việc làm thường xuyên, chất lượng nguồn nhân lực; trên cơ sở đó, có giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, phấn đấu đến năm 2020 đạt cơ cấu: 1 lao động nông nghiệp - 1 lao động công nghiệp, xây dựng - 1 lao động thương mại - dịch vụ.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Mặc dù mang nhiều ý nghĩa quan trọng nhưng hiện nay, tiến độ và chất lượng điều tra lại chưa đáp ứng yêu cầu. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã và kết quả giám sát của tổ công tác cấp tỉnh, tính đến ngày 15/8 (bắt đầu triển khai từ 4/8), toàn tỉnh mới điều tra được trên 230.000/371.127 hộ. Bên cạnh những địa phương đạt kết quả tốt như: TX Hồng Lĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên thì nhiều huyện mới bắt đầu vào cuộc. Với tiến độ như hiện nay thì việc hoàn thành công tác điều tra và cập nhật thông tin đúng theo thời gian quy định là hết sức khó khăn (30/8/2015 báo cáo kết quả điều tra).

Mặc dù được tập huấn, quán triệt nhưng tình trạng điều tra viên không đến tận hộ mà chỉ dựa vào sổ quản lý nhân khẩu để điền vào phiếu còn diễn ra ở nhiều xã, phường, thị trấn. Thậm chí, nhiều địa phương còn phát sổ cung lao động cho điều tra viên để ghi chép, sau đó, tự ký tên của các hộ vào phiếu điều tra. Tình trạng thông tin trên phiếu ghi sai, thiếu chính xác diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, không ít trường hợp điều tra viên tự điền thông tin công việc chính đang làm thành ngành nghề đào tạo của người lao động. Trong khi tỉ lệ lao động làm việc trái ngành nghề đào tạo lại chiếm khá lớn.

Lý giải về những tồn tại trên, ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) khẳng định: “Do chính quyền địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của kết quả điều tra nên chưa có sự quan tâm, vào cuộc đúng mức. Minh chứng rõ nhất là cấp tỉnh chỉ có 35 đồng chí giám sát, trong khi cấp xã, phường, thị trấn có tới 1.245 người, nhưng hầu hết giám sát địa phương đều đến giám sát, hướng dẫn sau so với đoàn của tỉnh. Thậm chí, nếu không có đoàn giám sát cấp trên xuống thì các địa phương cũng không tiến hành việc giám sát công tác điều tra”.

Bên cạnh đó, việc giao trách nhiệm cho các cá nhân thực hiện công tác điều tra còn lỏng lẻo, chỉ mới bằng miệng chứ chưa có văn bản phân công trách nhiệm cụ thể cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác điều tra gặp nhiều trở ngại.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) Nguyễn Thiên Toàn, một trong những địa phương làm tốt công tác điều tra lao động, việc làm cho rằng: Khi bắt đầu tiến hành điều tra, cần làm mẫu, thí điểm ở một số hộ dân, sau đó, đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm. Khi triển khai điều tra chính thức, các tổ giám sát phải bám sát địa bàn để kiểm tra, đôn đốc và đánh giá chính xác chất lượng thông tin để kịp thời bổ cứu. Vì kết quả điều tra không chỉ gửi cho huyện, tỉnh mà còn là căn cứ xác thực để xã hoạch định chính sách liên quan đến chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế.

Cũng theo ông Đặng Văn Dũng, quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải ý thức được vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của cuộc điều tra. Từ đó, vào cuộc chỉ đạo các thành viên giám sát bám nắm cơ sở để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh sai sót. “Phải kiên quyết thu hồi sổ cung lao động để tránh tình trạng sao chép thông tin; kiểm tra kết quả điều tra hàng ngày, đảm bảo đúng tiến độ” - ông Dũng nhấn mạnh.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc 4093/UBND-VX1 yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra; tuyệt đối không để điều tra viên ở nhà mở sổ quản lý nhân khẩu hoặc sổ điều tra cung lao động sao chép thông tin sang phiếu điều tra. Nếu địa phương tiếp tục để xẩy ra tình trạng trên, phải có hình thức xử lý nghiêm đối với người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast