Nhọc nhằn chài lưới ở Xuân Giang

(Baohatinh.vn) - Chưa một ai ở đây giàu có bằng nghề này, và dù trải qua muôn nỗi nhọc nhằn nhưng đến nay hơn 80 hộ trên tổng số hơn 250 hộ của thôn Hồng Nhất, xã Xuân Giang (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn gắn bó với nghề chài lưới trên sông

Nhọc nhằn chài lưới ở Xuân Giang

Tranh thủ lúc vợ về nhà cơm nước, ông Nguyễn Công Trứ vá lưới chuẩn bị cho chuyến đi tới

Ban trưa, những con thuyền nhỏ trên bến sông thôn Hồng Nhất nằm ngay ngắn như đang thảnh thơi nghỉ ngơi sau một ngày ngược xuôi cùng con nước. Tuy nhiên, phía trong những con thuyền ấy, nhiều ngư dân vẫn không rời thuyền. Họ lặng lẽ ngồi khâu lưới hoặc ngắm nhìn lại thành quả đánh bắt của mình để chờ giờ lên chợ bán.

Người đàn ông mà tôi gặp đầu tiên trên chiếc cầu tre lắt lẻo chạy giữa 2 bên dãy thuyền đang nằm nghỉ là ông Nguyễn Công Trứ. Sinh năm 1965, ông Nguyễn Công Trứ đã có gần 40 năm nếm trải nhọc nhằn của nghề mưu sinh theo con nước. Từ thuở nhỏ, ông Trứ đã theo cha mẹ đánh bắt tôm cá trên sông, lớn lên lập gia đình, vợ chồng ông lại nối tiếp nghề của cha mẹ.

Nhọc nhằn chài lưới ở Xuân Giang

Phút nghỉ ngơi của những con thuyền về sớm...

Ông Trứ cho biết: “Đời ngư phủ cứ phải dập dềnh theo con nước, lúc no lúc đói, lúc vơi, lúc đầy nhưng nó là cái nghiệp bám vào thân rồi. Có nhà đó nhưng mỗi ngày chúng tôi cũng chỉ ở nhà được vài ba tiếng, còn nữa là lênh đênh trên sông. Vất vả là thế nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao, vào mùa thì có ngày dăm bảy trăm nghìn nhưng có ngày, cá chẳng có để mang đi bán. Cuộc sống khó khăn nên ngay cả trong mùa mưa bão, chúng tôi vẫn phải dong thuyền buông lưới trên sông”.

Hơn 80 con thuyền làm nghề chài lưới trên bến sông thôn Hồng Nhất hầu hết đều đi theo cặp vợ chồng. Và, để có được dăm ba trăm nghìn mỗi ngày, người dân thôn Hồng Nhất phải trải qua rất nhiều nỗi nhọc nhằn cùng con nước.

Ngư dân Nguyễn Đức Thuận cho biết: “Tuy không xuất bến theo giờ nhưng tầm khoảng 18h chiều là trên bến không còn một con thuyền nào. Chúng tôi cứ dong thuyền đi như thế xuyên cả đêm. Mỗi năm, số ngày tôi có được giấc ngủ trọn vẹn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày nào gặp luồng, đánh bắt được nhiều tôm cá thì được về sớm, còn ngày nào kém may mắn thì phải đến 12h trưa, 13h chiều mới trở về. Những ngày trời yên nước lặng thì không nói nhưng gặp những hôm mưa gió thì không kể hết nỗi nhọc nhằn”.

Nhọc nhằn chài lưới ở Xuân Giang

Để cá luôn tươi sống khi ra chợ, sau khi gỡ cá, ngư dân phải thả vào rọ lưới thả xuống sông.

Làm nghề chài lưới trên sông vất vả nhất có lẽ là những người phụ nữ. Không chỉ theo chồng dãi nắng dầm sương, lênh đênh trên sông nước, buổi trưa, họ còn phải về nhà coi sóc nhà cửa, con cái, buổi chiều lại phải trực tiếp mang cá ra chợ bán. Ngoài ra, các chị còn phải đan lưới, vá lưới… Men theo câu chuyện về những người phụ nữ làm nghề chài lưới, chúng tôi được biết câu chuyện cảm động về bà Nguyễn Thị Hạnh – một bệnh nhân ung thư nhưng vẫn miệt mài bám thuyền, bám sông làm lụng.

Nhọc nhằn chài lưới ở Xuân Giang

Thương chồng vất vả nên dù mang trọng bệnh, bà Nguyễn Thị Hạnh vẫn theo chồng đi thuyền thả lưới.

Bà Hạnh năm nay ngoài 50 tuổi và cũng đã có chừng 30 năm theo chồng lênh đênh trên sông nước. Cuộc sống dẫu khó khăn nhưng cũng được thu xếp êm xuôi để chăm lo cho con cái học hành. Thế rồi, bà ngã bệnh, đi khám mới biết đã mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng gia đình vẫn quyết tâm phải chạy vạy vay tiền để chữa trị cho bà.

Ông Nguyễn Văn Thành - chồng bà Hạnh cho biết: “Cứ vài tháng lại phải đi bệnh viện một lần, sức khỏe bà nhà tôi yếu đi thấy rõ, tôi không cho bà đi lưới nữa nhưng bà không chịu. Thế là tôi cứ phải nương theo sức khỏe của bà mà dong thuyền. Hôm nào bà khỏe, chúng tôi đi xa, hôm nào yếu thì đi gần. Bởi thế, thu nhập cũng bấp bênh hơn”.

Nhọc nhằn chài lưới ở Xuân Giang

Trên mỗi con thuyền đều ẩn chứa những câu chuyện truân chuyên của đời ngư phủ

Hơn 80 con thuyền neo đậu trên bến sông thôn Hồng Nhất là hơn 80 câu chuyện ẩn chứa nhiều nỗi nhọc nhằn, truân chuyên của đời ngư phủ. Nhưng như thể đó là cái duyên trời đất định sẵn, người dân nơi đây vẫn bám trụ với nghề và an phận với cuộc sống vơi đầy theo con nước. Để mỗi ngày, trên dòng Lam giang mênh mông ấy, những bóng thuyền bé nhỏ vẫn miệt mài xuôi ngược mưu sinh…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast