Phân luồng, hướng nghiệp: Cần sự chung tay!

(Baohatinh.vn) - Việc phân luồng hướng nghiệp đang gặp khó và chưa đạt kết quả như mong muốn khiến nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh mất cân đối, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng...

>> Phân luồng, hướng nghiệp: Bài toán nan giải!

Thừa thầy, thiếu thợ giỏi

Theo số liệu điều tra của Sở LĐ-TB&XH, trong 2.955 lao động thất nghiệp (năm 2015) thì có tới 1.078 người trình độ đại học (chiếm 36,4%), 612 người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (20,7%), trong khi đó, chỉ có 136 người trình độ cao đẳng nghề (4,6%), 134 người trung cấp nghề (4,5%), 97 người sơ cấp nghề. Báo cáo cũng chỉ rõ tỉ lệ thất nghiệp cao nhất là các ngành thuộc khối KHXH&NV, giáo dục - đào tạo, y tế, kinh tế, tài chính...

Lựa chọn học ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội là góp phần giải bài toán lao động - việc làm.
Lựa chọn học ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội là góp phần giải bài toán lao động - việc làm.

Theo ông Lê Xuân Ý - Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) thì: “Về cơ bản, tâm lý thầy - thợ vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Ngoài nguyên nhân do gia đình và tâm lý “đám đông” thì còn do xu hướng của xã hội. Bởi hiện nay, việc bổ nhiệm, thăng cấp, thăng chức còn dựa nhiều vào bằng cấp nên các em vẫn có xu hướng chọn làm thầy. Điều này dẫn đến câu chuyện thừa thầy - thiếu thợ”.

Những năm qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là hiện nay, số lượng sinh viên, học viên ra trường có tay nghề cao vẫn chưa nhiều. Hầu hết lao động khi được các doanh nghiệp tuyển dụng đều phải trải qua một quá trình đào tạo lại, đào tạo nâng cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Formosa là một trong những doanh nghiệp tổ chức khá nhiều đợt tuyển dụng lao động tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh như: Cao đẳng nghề Việt Đức, Cao đẳng nghề Công nghệ, Trung cấp nghề Hà Tĩnh... Sau khi tuyển dụng, để lao động đáp ứng được yêu cầu công việc, công ty đều phải đầu tư thời gian, kinh phí khá lớn để đào tạo lại.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Xuân Ý cho rằng: nguyên nhân là do hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề chưa có đội ngũ giáo viên là những thợ bậc cao, có kinh nghiệm thực tiễn vào giảng dạy. Hầu hết giáo viên của các trường đều đến từ các trường đại học sư phạm kỹ thuật, công nghiệp... nên dù có chuyên môn lý thuyết, nhưng kinh nghiệm thực tế thì lại chưa thực sự nhiều.

Ngoài ra, hiện nay, cơ sở vật chất của các trường chưa thể đáp ứng, theo kịp với yêu cầu công việc ở thực tiễn. Hầu hết học viên chỉ mới được thực hành tại trường, còn việc đi thực tập tại các doanh nghiệp, tiếp cận với máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, môi trường thực tiễn còn rất hạn chế, khó khăn.

Tăng cường hướng nghiệp

Để giải quyết bài toán việc làm thì quan trọng nhất vẫn là tư vấn hướng nghiệp cho các em sao cho phù hợp với năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội, nhu cầu lao động của tỉnh. Và để làm được điều này thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thế Hoàn cho hay: “Để nâng cao nhận thức cho các đoàn viên trong việc chọn trường, chọn nghề, thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã tổ chức các đợt truyền thông nghề nghiệp và việc làm, tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên học nghề, lập nghiệp... Và thực sự nhiều đoàn viên thanh niên đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề, có ý thức trong việc lựa chọn nghề. Tuy nhiên, để công tác phân luồng, hướng nghiệp thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, ngoài vai trò của ngành giáo dục, ngành lao động, đoàn thanh niên, thì cần sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể khác và nên phát huy mạnh ở cấp thôn, xóm. Vì đó là những người sát nhất, nắm rõ nhất điều kiện, hoàn cảnh của gia đình, năng lực của các em nên việc tư vấn, định hướng sẽ thuyết phục hơn”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải phát huy vai trò của các trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện. Vì hiện nay, những đơn vị này chỉ mới làm tốt khâu dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, còn công tác tư vấn hướng nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có sự đầu tư, hỗ trợ nguồn lực thỏa đáng cho các cơ sở đào tạo nghề để từng bước nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng phục vụ việc giảng dạy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi, chỉ khi nào hệ thống cơ sở đào tạo nghề thực sự gây dựng được thương hiệu, uy tín thì lúc đó mới thuận lợi trong công tác tuyển sinh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast