Sau tết, làng quê “trống vắng”

(Baohatinh.vn) - Sau kỳ nghỉ tết, hàng nghìn lao động lại khăn gói tìm đường mưu sinh, để lại nỗi trống vắng sau những lũy tre làng...

Ồ ạt làm hộ chiếu, giấy thông hành

Chỉ trong ngày làm việc đầu tiên năm Bính Thân (15/2/2016 - mùng 8 tết), Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an Hà Tĩnh) đã tiếp nhận hơn 1.100 hồ sơ làm hộ chiếu, giấy thông hành. Dòng người nườm nượp làm thủ tục để xuất khẩu lao động là thực trạng thường thấy sau kỳ nghỉ tết.

Đại tá Nguyễn Đức Thuận – Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) - Công an tỉnh cho biết: “Kể từ ngày 15/2 đến nay, PA72 phải huy động 100% cán bộ, chiến sĩ phục vụ việc giải quyết thủ tục cho người lao động và đảm bảo vấn đề an ninh trật tự. Tất cả cán bộ PA72 phải làm thông tầm đến 11h đêm mới truyền hết dữ liệu ra Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an”.

Lượng người làm thủ tục xuất cảnh lao động tăng đột biến sau kỳ nghỉ tết.

Lượng người làm thủ tục xuất cảnh lao động tăng đột biến sau kỳ nghỉ tết.

Có mặt tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh vào sáng sớm, anh Võ Tiến Đức ở xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh) cho biết: “Được người quen “bảo lãnh” nên tôi quyết định sang Thái Lan làm việc. Họ nói là ông chủ đang cần người làm nên điện về bảo tôi làm hộ chiếu gấp. Tôi hy vọng qua bên đó sẽ có điều kiện lao động mang lại thu nhập tốt hơn”.

Với mong muốn cải thiện cuộc sống, sau tết, nhiều lao động như anh Đức xuất ngoại để tìm kiếm việc làm. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có trên 26.000 lao động di cư tự do, trong đó, chủ yếu là lao động trái phép ở Thái Lan và Lào. Vì thế, đầu năm, lượng người đi làm hộ chiếu, giấy thông hành đông cũng là điều dễ hiểu.

Những chuyến ly hương

Không chỉ tìm kiếm cơ hội bằng những chuyến xuất ngoại, nhiều lao động chọn phương án vào Nam, ra Bắc để làm việc trong các khu công nghiệp. Có mặt ở bến xe hay dọc tuyến QL 1A qua các địa bàn trong tỉnh, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người dân ôm hành lý, đồ đạc dắt díu nhau ly hương để tiếp tục cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người.

Dẫu cuộc mưu sinh nơi đất khách nhọc nhằn, vất vả, nhưng lượng người ly hương sau tết mỗi năm vẫn không giảm. Ảnh internet

Dẫu cuộc mưu sinh nơi đất khách nhọc nhằn, vất vả, nhưng lượng người ly hương sau tết mỗi năm vẫn không giảm. Ảnh internet

Anh Nguyễn Đình Minh (SN 1972, ở Cẩm Thành - Cẩm Xuyên) đã có trên 10 năm làm công nhân ở Bình Dương, chia sẻ: “Cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh nên mới phải để lại vợ con và gia đình ở quê. Có ai muốn ly hương đâu”. Năm nay, doanh nghiệp làm ăn khó nên lương thưởng của công nhân như anh Minh vì thế cũng “bèo bọt”. Giá vé xe dịp tết tốn kém nhưng khi cha mẹ gợi ý về quê làm ăn thì anh không đồng ý. “Dẫu làm công nhân trong đó rất cực, nhưng ít ra cuối năm về quê còn dư được ít đồng. Mình sợ về quê không tìm được việc, lương lại thấp” - anh Minh tâm sự.

Dẫu cuộc mưu sinh nơi đất khách nhọc nhằn, vất vả, nhưng lượng người ly hương sau tết mỗi năm vẫn không giảm. Chưa có cuộc điều tra xã hội học nào về lượng người ly hương sau tết tại các làng quê, chỉ biết trên thực tế, sau những ngày sum họp cùng gia đình, những ngôi làng cũng bắt đầu vắng dần thanh niên.

Ông Nguyễn Công Trung - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Hai xóm Sông Tiến và Sông Hải có số lượng người đi Thái làm việc đông nhất. Từ đó, con cái thiếu bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ nên việc học hành của các cháu cũng bị ảnh hưởng khá lớn. Ở các xóm khác, thanh niên không đi Thái Lan thì cũng vào Nam làm ăn, rất ít người chịu ở quê lập nghiệp”.

Đằng sau những cuộc chia tay người thân để ly hương kiếm sống là nỗi niềm để lại trong lòng người đi, kẻ ở. Không những thế, các phong trào do địa phương phát động cũng gặp khó khăn. “Làn sóng” ly hương đã vô tình tạo ra vùng “lõm” dân số trong độ tuổi lao động, đặc biệt, tình trạng thiếu hụt lao động ở vùng nông thôn hiện nay.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast